Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết.
Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.
Trao đổi với báo Vnexpress về vấn đề trên, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích như trên về chỉ đạo của Thủ tướng cấm chặt đào rừng chơi Tết.
Ông nói chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. "Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng", ông Dũng nói và cho rằng việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Nhiều năm qua, người dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là các loại cây ăn quả thay thế cho cây ngô, dong, sắn. Cây đào mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây, phù hợp với địa hình đất dốc, tập quán canh tác của người dân bản địa.
Tại địa phương, người dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào, đào tại Vân Hồ đều có chủ. Tất cả diện tích đất dốc, rải rác trên nương, rẫy được quy hoạch trồng. Đây là hướng kinh doanh mới cho bà con nông dân.
Cây đào trồng được phân làm hai loại là đào bán quả và bán hoa. Đào bán quả chỉ có diện tích nhất định, quả hạn chế, lượng tiêu thụ và nhà máy chế biến hầu như không có.
Tại Vân Hồ chủ yếu trồng đào bán hoa và bán gốc. Bán gốc đào thì người dân trồng rất dày, mỗi gốc cách nhau khoảng 2m, 3-5 năm là có thể đưa về xuôi để ghép, bán… đây là giống đào bản địa được người dân trồng trên nương 5-7 năm là có hoa, cành có thế đẹp.
Trước thông tin trên, UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân rất lo ngại về việc không bán được đào (trồng) trong dịp Tết nguyên đán nếu không được xác thực về nguồn gốc, xuất xứ của loại cây này.
Theo đó, những ngày gần đây, các lãnh đạo địa phương này đã tiến hành tổ chức họp khẩn bàn biện pháp để nông dân bán được đào trồng. Và giải pháp được đưa ra là sẽ dán tem chứng minh nguồn gốc cây đào trước khi bán về xuôi.
Tại xã Lóng Luông có 300ha; xã Vân Hồ trồng 200ha, tất cả đều trồng tập trung trên nương, đồi của người dân sở tại.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, các xã Lóng Luông, Vân Hồ không có cây đào rừng.
Theo văn bản số 3864 do Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ Vũ Thanh Hải ký, trình UBND tỉnh, cho biết, huyện có 500ha trồng cây đào bán dịp Tết.
UBND huyện Vân Hồ kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Chính phủ, bộ NN&PTNT cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, tránh nhầm lẫn giữa đào bản địa trồng tại vườn, nương của gia đình và đào rừng; cho phép huyện tổ chức Lễ hội hoa đào năm 2021, làm tem dán nhãn cho đào trồng của Vân Hồ.
Thông tin trên báo Vietnamnet, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cần làm rõ khái niệm đào rừng. UBND huyện nhất trí với chủ trương của Chính phủ là cấm chặt đào rừng, cũng như các loài cây khác phải bảo vệ, chăm sóc; nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Nhưng về lâu dài, cần coi đào miền núi hay miền xuôi (được trồng, chăm sóc) là mặt hàng kinh doanh. Đây là loại cây tạo thu nhập, vừa để tạo thú chơi trong dịp tết đến xuân về, người dân lại có thêm nhu nhập.
Hiện nay, chưa có phương án phân biệt đào rừng, đào nhà trồng mà chỉ có cách chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện tại, UBND huyện Vân Hồ đã thiết kế 2 mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem. Nguồn kinh phí để thực hiện in tem này được xã hội hóa.
Được biết, việc dán tem xác thực nguồn gốc đối với đào trồng sẽ được giao xuống các xã. Căn cứ trên số liệu thống kê diện tích, số lượng gốc đào trồng của các hộ dân, huyện phát ra số tem tương ứng. Tem xác thực nguồn gốc sẽ được dán trên cây đào/cành đào trước khi khai thác, có tem mới được vận chuyển đi bán.
Trúc Chi (t/h)