Tại thành phố Huế, gió mạnh khiến nhiều cây cổ thụ trên đường phố ngã đổ. Hơn 300 hộ dân ở các vùng thấp trũng khu vực 4 (phường Phú Hậu); dân vạn chài trên sông Kẻ Vạn (phường Kim Long) được di dời lên bờ.
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) hàng chục hộ dân vùng ven biển đã phải di dời vào sâu bên trong để tránh gió bão. Tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn chủ quan, không chịu di dời khi gió bão và nước lũ dâng cao, đóng cửa “cố thủ” ở trong nhà Ông Lê Duân (khu tái định cư Hòa Duân) cho biết chỉ được thông báo về tình hình về hướng đi của bão và cấp độ bão chứ chưa nhận được lệnh di dời của chính quyền nên ở nhà.
Tuyến đường 49 chạy qua phá Tam Giang bị nước lũ ngập tràn hơn 0,5m. Công an đã lập chốt chặn đường cấm các phương tiện qua lại tại xã Hương Phong.
Ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết toàn tỉnh đã di dời 3.200 hộ ở vùng xung yếu, cửa biển, vùng sạt lở lên các nhà kiên cố, an toàn.
Mực nước đo được trên tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ sông Hoài và đường Nguyễn Thái Học là từ 30-40 cm, nhiều đoạn ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc.
Trước đó, ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã thông báo cho người dân trong khu phố cổ tiến hành chằng chống nhà cửa, chuẩn bị sẵn giàn giáo đưa hàng hóa lên cao nhằm tránh tình trạng nước lũ dâng cao bất ngờ gây thiệt hại. Tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đến sáng nay đã được thông báo nghỉ, tuy nhiên nhiều em học sinh tranh thủ được nghỉ học đã rủ nhau đi lội nước lũ rất nguy hiểm.
Riêng tại bến đò Hội An - Cẩm Kim, hiện tại toàn bộ tàu thuyền vận chuyển khách đã được điều động qua bến An Hội để gấp rút đưa đón khách nội trong buổi sáng hôm nay. Hơn 20 ghe máy đã được huy động để vận chuyển hành khách. Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban quản lý bến đò Hội An, cho biết: “Hơn 20 ghe máy đang túc trực chở khách từ Cẩm Kim qua Hội An và ngược lại. Do nước sông lên nhanh cộng với gió thổi mạnh nên dự kiến đến trưa nay sẽ ngừng việc vận chuyển khách”.
Các trụ bơm xăng trên đường Hữu Nghị của Công ty Xăng dầu Quảng Bình đã được che chắn. Tại huyện Lệ Thủy Quảng Bình lúc 9h sáng 30/9, gió kèm theo mưa lớn đã bắt đầu nổi lên. Đây là vùng được dự báo bão sẽ đi qua chiều nay.
Công nhân Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới che chắn công trình ngoài trời phòng chống bão sáng 30/9. Dù mưa to gió lớn và dự báo là vùng gần tâm bão nhưng xe cộ trên quốc lộ 1A qua huyện Lệ Thủy vẫn đi lại khá nhiều.
Sáng 30/9, tại Đà Nẵng,mưa to, gió lớn càng lúc càng mạnh, khu vực biển sóng đánh dữ dội. Tất cả học sinh, sinh viên trên địa bàn TP được nghỉ học. Một thông tin đáng quan ngại là có nhiều hồ chứa ở miền Trung đang trong nguy cơ mất an toàn. Trong đó, các tỉnh ven biển có khoảng 12 hồ/4 tỉnh (Quảng Trị có 7 hồ, Huế có 1 hồ, Quảng Nam có 1 hồ; Quảng Ngãi có 3 hồ). Theo văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 6.111 hộ dân với 27.148 người sống gần vùng bị xói lở ven sông suối, ven biển cần di dời tránh bị ngập sâu, bị lũ quét. Trong đó huyện Lệ Thuỷ có 1.478 hộ với 7.390 người, Tuyên Hoá có 2.473 hộ với 9.571 người, Quảng Ninh có 1.000 hộ với 4.000 người, Bố Trạch có 494 hộ với 2.857 người, Quảng Trạch có 4245 hộ với 2.120 người... Đến 9h30, huyện Quảng Ninh đã có khoảng 500 hộ ở xã Trường Sơn, Trường Xuân, Tân Ninh, Vạn Ninh di dời lên chỗ cao. Huyện Lệ Thuỷ di dời 220 hộ ở ba xã vùng biển là Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Nam và Ngư Thuỷ Trung. Huyện Tuyên Hoá di dời 10 hộ ở xã Thanh Hoá gần nhà máy thuỷ điện Hố Hô đề phòng nhà máy điện phải xả lũ. Huyện Quảng Trạch di dời 4 hộ ở xã Quảng Phú, Quảng Đông vào tạm trú tại đồn biên phòng 484. Các địa phương khác tuỳ theo tình hình cụ thể để thực hiện di dời khẩn cấp trước bão. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã sẵn sàng trực chiến 300 cán bộ, chiến sĩ và 35 phương tiện là canô, xe; công an tỉnh với lực lượng chủ chốt là CSGT huy động 15 canô và 150 cán bộ, chiến sĩ trực tại các nơi xung yếu để sẵn sàng cứu hộ. Sở GT-VT tỉnh cũng có các phương án giải phóng ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh... |
P.Sang (t/h)