"Ma lực" casino dập vùi những số phận
Có thể nói, cái "lợi" trước mắt của casino ai cũng nhìn thấy bởi thế giới đã có khá nhiều "kinh đô cờ bạc" thành công như Las Vegas (Mỹ), Macau (Trung Quốc)... Việc kinh doanh casino có lợi nhuận cực lớn và sức hấp dẫn của ngành "công nghệ" này cũng bởi cái lợi nhuận ấy mà ra. Vì thế, casino có một thứ "ma lực" vô hình "giết chết" không những kẻ giàu sang mà tất cả những người lỡ bước chân vào đó sẽ không thể nào rút lại được, kể cả họ là dân cày nghèo khổ. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi ngày có khoảng 500-600 người, riêng thứ bảy, chủ nhật có đến 1.000 người Việt Nam "vượt biên giới" sang Campuchia đánh bạc và đã có rất nhiều người nghèo "chết" vì casino.
Phối cảnh dự án xây dựng đặc khu kinh tế có casino ở Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)
Thực tế cho thấy, ở kênh Tân Thiết, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) có nhiều gia đình điêu đứng vì casino. Câu chuyện nhắc đến nhiều nhất là vợ chồng anh N.T. làm lụng vất vả bao năm mới có hơn chục công đất, cuộc sống mới phất lên nên bà con ai cũng mừng giùm. Nhưng vì nghe theo bạn bè đi sang casino, ban đầu chỉ có chồng đánh bạc, sau đó vợ cũng theo chồng cùng nhau sát phạt ngày đêm. Sau 6 tháng "cày", vợ chồng anh N.T. thành những kẻ trắng tay phải bỏ xứ đi nơi khác khiến bà con nơi đây ngao ngán. Trường hợp của anh N.C.T., ngụ ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), hành nghề chạy xe ôm nhưng bị bạn bè rủ rê sang Campuchia đánh bạc với sự đảm bảo của người tư vấn rằng: "Cứ sang đi, chúng tôi bao trọn gói". Vậy là anh T. đi và rồi đến khi thua hàng ngàn USD, anh bị "thế lực" casino ép viết giấy "cầm mạng", nếu không sẽ bị "cắt tai, chặt ngón tay, bán thận" trừ nợ. Gia đình anh T. phải bán hết ruộng đất để "chuộc mạng" anh về.
Trước đây, những tưởng các casino ở Campuchia chỉ "hút" người từ nơi khác sang đánh bạc và thường thì họ thuộc lớp người "lắm tiền nhiều của". Nhưng giờ đây nó còn hút luôn cả những nông dân tay lấm chân bùn ở gần đó hoặc từ nơi khác đến "thăm thú". Với lái xe ôm Đỗ Thành C., ngụ ở xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) thì không may mắn như vậy. Cũng kịch bản quen thuộc của người tư vấn, anh C. bị dụ sang Campuchia "chơi" để rồi phải mang gánh nợ 2.000 USD của sòng bài. Nghe tin, vợ anh C. bán sạch ruộng đất và chiếc xe máy sang "chuộc mạng" cho anh nhưng đã quá muộn. Vì không thể chịu nổi những đòn roi tra tấn của bọn "đầu trâu mặt ngựa" trong các phòng biệt giam ở casino, anh C. đã nhảy qua cửa sổ từ lầu 5 casino này để tự kết liễu đời mình.
Trên đây chỉ là vài trường hợp "nghiện" casino cá biệt, trên thực tế, ở các tỉnh giáp ranh vùng biên Campuchia - Việt Nam như: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... còn có hàng ngàn nạn nhân khác đã lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khiến gia đình, người thân phải bán cả nhà cửa, ruộng vườn đi để "chuộc mạng" về. Đa phần họ đều bị đánh đập thậm tệ để "ép" phải "lòi tiền" trả nợ, có những người "ở" phòng giam lâu ngày còn bị cắt ngón tay, cắt tai gửi về cho gia đình để gây áp lực. Trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua Tây Ninh, gần cửa khẩu Mộc Bài có một cây cầu bắc qua, người dân sống gần đây liên tục chứng kiến những trường hợp con bạc trầm mình xuống đó vì "uất nghẹn" với việc làm của bản thân. Thế mới biết "ma lực" của casino lớn biết dường nào và... chẳng chừa một ai.
Một số phận bị cơn nghiền đỏ đen vùi dập thành trắng tay
Chảy máu ngoại tệ hay hút ngoại tệ?
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, nạn nhân Cao Bá Hạnh (SN 1973, ngụ quận Thủ Đức) từng thua hơn 2 tỷ đồng ở casino Campuchia và mới trở về nước nhờ người thân mang tiền sang chuộc, phân tích: "Do ở Việt Nam nghiêm cấm đánh bạc, nên dân mê đỏ đen như tôi mới tìm đến casino ở Campuchia. Qua bên đó rồi, chuyện vay tiền, cầm mạng là cuộc chơi sòng phẳng và được bên đó cho phép. Ngành chức năng nước ta chưa có những biện pháp thiết thực nào để ngăn chặn những hệ lụy đang nảy sinh từ các casino này. Vì thế, dân máu mê cờ bạc hàng ngày vẫn "đốt tiền" trong các casino nước bạn, nghiễm nhiên hiện tượng "chảy máu ngoại tệ" theo đó mà gia tăng...".
Thực tế cho thấy, cờ bạc luôn song hành với các tệ nạn xã hội, không chỉ làm cho nhiều người, trong đó có người nghèo, tán gia bại sản mà còn kéo theo cho vay nặng lãi, bảo kê, mại dâm... Sự tán gia bại sản phá vỡ các tế bào xã hội, phá vỡ các mối quan hệ xã hội vốn đã ổn định. Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng các hoạt động casino đem lại nhiều tiền nhưng đó không phải là một ngành kinh tế, đó là công nghiệp cờ bạc có nhiều yếu tố nhạy cảm, để lại nhiều hệ lụy xã hội. Và điều mà các nhà quản lý của chúng ta vẫn lo lắng khi cho người dân trong nước vào chơi ở các casino chính là các tác động xấu về mặt xã hội.
Dù chưa có thống kê nào chỉ ra ở những nước có casino hợp pháp làm tăng tỷ lệ tội phạm. Nhưng số tiền thu được từ các khu vực giải trí này là không nhỏ. Theo bộ Tài chính, trong điều kiện chỉ cho người có hộ chiếu nước ngoài tham gia, nhưng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn từ 3 sao trở lên và một số điểm du lịch vẫn tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm (doanh thu năm 2011 là 5.000 tỷ đồng).
Những năm qua, Quốc hội nước ta thường xuyên họp bàn về vấn đề hợp thức hóa cờ bạc như cá độ bóng đá, đua ngựa, đua chó, đưa casino vào hoạt động... nhưng chưa đưa ra quyết định chính thức bằng bộ luật nào. Tháng 12/2011, một tập đoàn "ăn chơi" lớn của Mỹ - Las Vegas Sands lần đầu tiên xúc tiến kế hoạch đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp tại nước ta, với số vốn đầu tư có thể lên tới 6 tỷ USD tại hai thành phố có nhu cầu lớn nhất và cũng là những khu vực có "hệ số tiêu hoang" cao nhất ở Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, đầu tháng 3/2012, Bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm Singapore, làm việc với Hội đồng Quản lý các hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng ở Singapore, điều này cho thấy Việt Nam đang phát đi những "tín hiệu" chấp nhận hoạt động casino. Thế nhưng, sau đó kế hoạch của Las Vegas Sands được rút lại vì những năm qua Chính phủ và Quốc hội Việt Nam chưa có quyết định chính thức hợp pháp hóa cờ bạc.
Các chính sách liên quan đến casino của chúng ta đang có sự mâu thuẫn. Cụ thể là chúng ta cấm người dân đánh bạc trong nước nhưng lại không quản lý được khi họ mang tiền đến các casino ở nước ngoài để đánh bạc. Hiện tại chưa có tổ chức nào thống kê được hàng năm người Việt đã đổ bao nhiêu tiền vào cá độ bóng đá và các casino ở Campuchia, Malaysia, Macau, Las Vegas... nhưng ai cũng biết việc cá độ bóng đá và đi đánh bạc ở các casino dọc biên giới Campuchia rất dễ dàng. Nói về việc này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, nếu mâu thuẫn này không giải quyết được thì đừng bàn tới chuyện thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực casino. Hơn nữa, nếu cấm người Việt vào chơi tại casino thì với lượng khách quốc tế đến Việt Nam khiêm tốn như hiện nay (khoảng 7 triệu lượt/năm vào năm 2012, theo Tổng cục Thống kê) thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư casino lớn vào Việt Nam.
Vẫn là câu chuyện của tương lai Hiện tại, những dự thảo kinh doanh casino vẫn cấm người Việt trong nước tham gia (chỉ dành cho người có hộ chiếu nước ngoài), tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2013) từng cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu thực hiện thí điểm việc cho người Việt trong nước tham gia chơi tại casino để tăng ngân sách quốc gia và chống "chảy máu tiền tệ". Dù chưa có "kết quả" chính thức nào, nhưng Quốc hội đã thông qua việc thực hiện thí điểm cho phép casino hoạt động cầm chừng tại Đặc khu kinh tế Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh trong tương lai. Đây được coi là "chỉ dấu" mới hứa hẹn việc casino trong tương lai có thể được đưa vào hoạt động tại một số địa điểm ở nước ta, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà chức trách. |
TÔ HƯƠNG SEN