Ngày 15/2, trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Những ngày qua, khu vực Cồn Ngoài (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận) có hiện tượng thủy triều dâng cao cộng với sóng biển mạnh đã làm sạt lở 2 km bờ đê, ăn sâu vào đất liền 10m”.
“Theo thống kê của xã, khu vực này có 25 hộ dân bị ảnh hưởng hư hại. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là sập 2 nhà dân, phá hủy hoàn toàn 5 ha đất trồng hoa mùa của người dân. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 600 triệu đồng. Đến thời điểm này, thủy triều đã giảm sức ảnh hưởng không còn lớn như những ngày trước”, ông Trần Văn Lâm cho biết thêm.
Theo ghi nhận của PV, ông Huỳnh Văn Ngoạt, ngụ ấp Thạnh Hải, có căn nhà kiên cố bị sóng biển đánh sập ngày 12/2. Ông Ngoạt kể lại: “Chiều hôm, tôi thấy triều cường dâng cao, sóng rất dữ dội nên vợ chồng tôi vào nhà đứa con ở sâu trong đất liền ngủ tạm. Sáng ra, căn nhà bằng gạch đã bị đánh sập từng mảng tường, nhiều đồ đạc cũng bị cuốn ra biển”.
Theo ông Ngoạt, gia đình bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng do sóng biển gây ra. Đây là lần đầu tiên người dân sống trong khu vực thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp, cột sóng cao hơn 4m đánh vào bờ với lực rất mạnh.
Trước đây, căn nhà của ông Ngoạt cách bờ biển gần 1 km nhưng sau mấy chục năm sóng biển đã lấn dần dần, bây giờ “nuốt” luôn căn nhà và nhiều đồ đạc bên trong. Mấy ngày nay, đợi khi thủy triều rút, vợ chồng ông Ngoạt ra thu dọn đồ đạc còn sót lại rồi về nhà con cái ở tạm. Hiện tại, căn nhà sát mé biển của ông Ngoạt đã bị sóng biển đánh sập từng mảng tường.
Kế bên nhà ông Ngoạt, đoạn đê dài gần 2 km cũng bị sóng biển cuốn phăng làm thiệt hại hoa màu của nhiều hộ dân. Ngay cả trụ điện bằng bê tông sát bờ biển cũng bị sóng đánh ngã.
Gia đình ông Trần Văn Tèo có rẫy trồng dưa gang gần bãi biển cũng vừa bị mất trắng gần 1.000 m2 đất. Ông Tèo cho biết: “Trước đây, tôi có 6 công đất trồng dưa nhưng bị cuốn dần. Hiện nay, tôi chỉ còn hơn 1 công mà sóng biển mạnh cũng làm hư hại hết rẫy dưa gang”.
Tại khu vực Cồn Ngoài, 2 hộ dân Mai Văn Kiếm và Trần Văn Việt đã mất trắng đất phải đi nơi khác làm thuê, làm mướn kiếm sống. Mấy năm trước, ông Kiếm có 4 công đất và ông Việt có 5 công đất trồng hoa màu sát bãi biển nhưng chỉ thời gian ngắn toàn bộ diện tích đất đã bị trôi ra biển.
Theo ông Trần Văn Lâm, khu vực ấp Thạnh Hải là điểm nóng của sạt lở bờ biển trong mấy năm qua nhưng năm nay thiệt hại nặng nề nhất. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng với người dân gia cố tạm thời bờ đê để chờ thủy triều rút sẽ khắc phục hoàn toàn.
Đồng thời, lãnh đạo UBND xã Bảo Thuận đã đến các gia đình chịu thiệt hại để động viên, thăm hỏi. Qua đó, chính quyền xã Bảo Thuận cũng vận động bà con sống trong khu vực nguy hiểm di dời đi nơi khác. Chính quyền xã Bảo Thuận đã kiến nghị lên UBND huyện Ba Tri xin hỗ trợ xây dựng nhà mới ở khu vực an toàn cho người dân sinh sống.
Hiện tại, UBND xã Bảo Thuận đang xây dựng bờ kè nhưng với điều kiện khó khăn sóng biển đánh liên tục, công trình nhiều lần bị trì hoãn.
Ngọc Lài