Tuần vừa qua, bộ phim Sống chung với mẹ chồng đã thực sự tạo nên một cơn sốt khi trên mạng xã hội facebook, đâu đâu cũng xuất hiện cụm từ: “Sống chung với mẹ chồng”.
Bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả bởi các tình tiết trong phim xoay quanh mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu”, người thì khen phim chân thực, giống với ngoài đời, nhưng có người cho rằng bộ phim hư cấu, nhiều tình tiết vô lý, cường điệu hóa...
Trước những tranh luận trái chiều về bộ phim, mới đây cây viết trẻ Kim Oanh (25 tuổi) sinh sống tại Thụy Sĩ, đã có những quan điểm riêng của về bộ phim thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Theo cây viết trẻ Kim Oanh: “Đây là một bộ phim tâm lý xã hội, phù hợp với thị hiếu và sự quan tâm của một phần đông khán giả. Phim mang tính thị trường cao”.
Trong bài chia sẻ của mình, Kim Oanh cũng cho hay: “Nếu có con trai, tôi sẽ phải dạy nó cách "chọn" vợ thế này: “Hãy lấy người phụ nữ khiến con hạnh phúc. Còn mẹ, hạnh phúc của mẹ là thấy con mỉm cười”. Tôi nghĩ ai cũng có cách dạy con riêng, và đây là quan điểm của riêng tôi”.
Ngay sau khi chia sẻ, bài viết của Kim Oanh đã thực sự tạo nên một làn sóng tranh cãi trong cư dân mạng.
Quỳnh Anh Trần bày tỏ: “Dạo này facebook rộ lên bộ phim đó, suy cho cùng chỉ là suy nghĩ tiêu cực quan hệ mẹ chồng- nàng dâu đã ăn mòn vào lối tư duy người châu Á. Nếu ta thấu hiểu, tiến bộ, chịu đi trên một con đường mới tốt hơn, ắt mọi chuyện sẽ nhẹ nhõm vui vẻ hơn nhiều”.
Nickname Nguyễn Anh chia sẻ: “Nói thì dễ, nhưng sống ở đâu phù hợp ở vùng đó thôi, một mình đứng một chiến tuyến, điều quan trọng nhất vẫn phải là có tiền, nếu tiền cũng chẳng có thì đòi hỏi điều gì được ngoài việc làm tròn bổn phận phụ nữ”.
Còn Hân Trần nhận xét: “Mình cũng đang sống theo đúng suy nghĩ như vậy và mình thích suy nghĩ này của bạn”.
Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi trích nguyên văn bài chia sẻ đang gây sốt mạng:
“Hùa theo cơn bão "Sống chung với mẹ chồng", tôi cũng mon men lên Youtube cày hết 3 tập.
Lúc vừa chớm xem hết tập thứ 3, cô bạn Tây đến chơi, tôi kể cô ấy nghe chuyện phim khiến tôi rất hào hứng, nó khá ngạc nhiên khi tôi nói cho nó biết ở Việt Nam, một cô gái sau khi lấy chồng sẽ phải làm những việc gì ở gia đình mới. Nó hỏi lại:
- Thế khi người chồng về nhà cô vợ, anh ta cũng sẽ phải làm đủ những việc như thế chứ?
Tôi cứng lưỡi luôn.
Tôi không hiểu, không thể hiểu nổi vì sao có rất nhiều người lên án, chửi bới cô con dâu trong phim là vụng về, lười biếng, đỏng đảnh, tiểu thư nên bị mẹ chồng ghét là phải. Vậy các bạn hãy chỉ ra cho tôi một lý do chính đáng vì sao cô ta không được quyền "vụng về, lười biếng, đỏng đảnh, tiểu thư" được không? Lý do lớn nhất là vì cô ta là con dâu, đúng không? Vì các bạn đã quá quen với suy nghĩ làm phận đàn bà, làm phận con dâu thì phải biết tề gia nội trợ, thờ chồng nuôi con, công dung ngôn hạnh, nhẫn nhịn hy sinh.
Thế nên bất cứ ai không chấp nhận tuân theo cái chuẩn mực đấy đều đáng bị ăn gạch và thế nên nếu có con dâu, các bạn cũng sẽ tiếp bước theo cái lối mòn tư duy đó để đối xử áp đặt với dâu của mình, còn nếu có con gái các bạn cũng sẽ auto nghĩ rằng con mình sẽ bị mẹ chồng của nó ăn hiếp. (Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận cái sai lớn nhất ở nhân vật cô con dâu là tiêu tiền của nhà chồng. Một khi bạn sống phụ thuộc, bạn không có quyền được đòi hỏi tự do).
Tôi bật cười khi bạn tôi nói một câu thế này: "Sự khác nhau duy nhất giữa con dâu và con rể là giới tính, cụ thể là cái bộ phận ở giữa hai chân. Mà cái đó đẻ ra tao đã có sẵn như vậy rồi, giới tính là thứ không ai lựa chọn được. Thế nên, chả có lý do gì tao phải chịu đựng thiệt thòi chỉ vì những thứ tao không hề được lựa chọn hết".
Đừng để những hình mẫu trong phim lấn át hết lập trường của mình, chị em phụ nữ ạ!
Con dâu là một cái tên, chứ không phải là một loại nghĩa vụ. Việc chăm sóc, phụng dưỡng một người không cùng huyết thống chỉ có thể xuất phát từ tình yêu thương, chứ không phải từ trách nhiệm. Tôi vẫn thường nói vui rằng: Nếu coi hôn nhân là một cuộc mua bán tôi và anh trao đổi tình yêu và sự cam kết thì việc yêu thương những người thân của chồng/vợ mình là quà tặng kèm khuyến mại (bonus).
Mà đã là quà tặng kèm thì không thể bắt buộc, nó phụ thuộc vào cách anh/cô đối xử với gia đình tôi cách gia đình anh/cô đối xử với tôi. Cuộc sống là như vậy, bản chất của hạnh phúc đến từ sự bằng lòng.
Có lần tôi nói với bạn trai rằng: "Nếu có con, em mong nó sẽ trở thành bác sĩ, nếu là con gái sẽ lấy chồng gần, nếu là con trai sẽ lấy vợ châu Á". Anh trả lời tôi rằng: "Nó là gì cũng được, miễn là nó hạnh phúc". Hoá ra là vậy, chuyện mẹ chồng - nàng dâu thực ra chẳng có đúng có sai, vì yêu thương không bao giờ có lỗi, chung quy cũng bởi cùng yêu một người đàn ông".
Có lẽ nếu có con trai, tôi sẽ phải dạy nó cách "chọn" vợ thế này: hãy lấy người phụ nữ khiến con hạnh phúc. Còn mẹ, hạnh phúc của mẹ là thấy con mỉm cười".
Xem thêm:
Diện mạo mới của chàng trai 9X giấu mẹ đi thẩm mỹ hết 200 triệu
Xúc động trước hành động đẹp của bà con vùng cao
Thanh Lam