"Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học"
Ngày 22/5, Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) long trọng tổ chức sự kiện hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5 với chủ đề “Hành động vì động vật hoang dã”. Sự kiện với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do WWF-Việt Nam thực hiện. Nhiều đại diện lãnh đạo bộ Nông nghiệp, bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và lãnh đạo sở, ngành tỉnh Hà Tĩnh tham dự sự kiện.
Đây là sự kiện hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (22/5/2024) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề: “Be part of the Plan – Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”; nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản quý giá cho các thế hệ tương lai; kêu gọi người dân sống có trách nhiệm với thiên nhiên hoang dã và chung tay bảo tồn hệ động, thực vật, không ăn thịt thú rừng, bảo vệ những di sản quý giá cho thế hệ tương lai.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc VQG Vũ Quang chia sẻ: Thực trạng về đa dạng sinh học hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu nhận được sự quan tâm của nhiều Quốc gia và cam kết tại các hội nghị Thượng đỉnh. Việt Nam được xếp là Quốc gia có tính đa dạng sinh học cao thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nguyên nhân chủ yếu do con người tạo ra. Nhiều loài động vật đã suy giảm đáng kể về mặt số lượng, quần thể trong nhiều năm trở lại đây, một số loài hiện nay khó có thể bắt gặp trong môi trường tự nhiên và đang phải đối mặt với nguy có tuyệt chủng rất cao như loài Sao la là một ví dụ điển hình.
VQG Vũ Quang Hà Tĩnh là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài động thực vật nguy cấp quý hiếm, là nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa cho công tác bảo tồn, được xác định là vùng sinh thái cực kỳ quan trọng cho cả Việt Nam và thế giới. Với việc VQG Vũ Quang nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN vào năm 2019 đã góp phần nâng cao vai trò, uy tín của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực.
Thời gian qua, công tác Bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang đã được tập thể thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm và đạt được nhiều kết quả khả quan như: Công tác quản lý bảo vệ rừng được đảm bảo; Công tác nghiên cứu khoa học và Hợp tác Quốc tế nổi bật, có nhiều công trình được công bố; Công tác cứu hộ và tái thả động vật hoang dã được chú trọng, giai đoạn 2020 trở lại đây hơn 1.500 cá thể động vật hoang dã trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm được tiếp nhận và tái thả thành công về môi trường tự nhiên.
“Hành động vì động vật hoang dã, cùng chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi đa dạng sinh học. Hãy cùng chúng tôi cam kết: Không săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật”, ông Nguyễn Danh Kỳ nhấn mạnh.
Theo ông Bradley Bessire, đa dạng sinh học là nền tảng cho hạnh phúc của con người. Sức khỏe của hệ sinh thái của chúng ta hình thành nền tảng cho sức khỏe con người, an ninh và nền kinh tế toàn cầu. Với ước tính khoảng một triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, công việc của USAID trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ ở Vũ Quang mà còn ở các khu bảo tồn khác, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế cấp bách là mất đa dạng sinh học đáng kể trong bối cảnh quốc gia này đang là điểm nóng toàn cầu. Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đang ngày càng bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác trái phép. Ông Bradley Bessire bày tỏ sự cảm phục đến lực lượng kiểm lâm đã và đang ngày đêm bảo vệ sự đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang.
“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và động vật hoang dã phong phú phát triển mạnh trong các khu rừng tự nhiên như VQG Vũ Quang… Tôi muốn kêu gọi các bạn cam kết tham gia hành động chung cùng chúng tôi để chống lại và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học ở Việt Nam. Bây giờ là lúc phải hành động có trách nhiệm để duy trì đa dạng sinh học như một tài sản toàn cầu cho các thế hệ tương lai”, Phó Giám đốc USAID nói.
Cũng tại sự kiện này, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (Dự án VFBC) do USAID tài trợ đã công bố những kết quả nổi bật trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2024.
Theo đó, dự án đã hỗ trợ đào tạo và thực hiện khảo sát đa dạng sinh học với 85 trạm bẫy ảnh và tiến hành đánh giá mối đe dọa đối với đa dạng sinh học bằng công cụ SMART. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ VQG Vũ Quang thành lập và đưa vào hoạt động một đội tuần tra và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng với 5 thành viên. Các thành viên trong đội đã được đào tạo các kỹ năng cơ bản về tuần tra, gỡ bẫy, cứu hộ động vật hoang dã, quy tắc ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng nhận biết một số loại động vật thường gặp, kỹ năng nhận biết một số loài thực vật quý hiếm và kỹ năng sơ cứu và an toàn môi trường xã hội trong tuần tra bảo vệ rừng.
Nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã
VQG Vũ Quang được đánh giá là hệ sinh thái, thực vật hoang dã còn giữ nguyên sự hoang sơ, chưa có tác động của con người và nghành công nghiệp hóa. Bằng sự nỗ lực, lực lượng quản lý, nhà khoa học tại VQG đã quản lý, bảo vệ hết sức hiệu quả hơn 57.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn 3 huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Tỉ lệ che phủ rừng tăng lên theo từng năm tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động, thực vật đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào, trong đó, có những loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, như: Sao la, mang lớn, thỏ vằn trường sơn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, gà lôi lam đuôi trắng, ếch cây sần bắc bộ...
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, sự đa dạng khu hệ động, thực vật tại VQG Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ. Cụ thể, hệ thực vật nơi đây xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 202 họ. Trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Khu hệ động vật còn đồ sộ hơn khi ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ; 315 loài chim; 58 loài bò sát; 31 loài lưỡng cư; 88 loài cá xương; 316 loài bướm; 73 loài kiến và 28 loài nhện. Trong đó, có 46 loài thú; 21 loài chim; 20 loài bò sát; 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần được ưu tiên bảo tồn.
Việc phát hiện và công bố hàng loạt các loài mới cho thế giới trong thời gian qua như: Chà Ran tuyến (2016); trà hoa vàng Vũ Quang, trà hoa vàng Hà Tĩnh, dẻ Vũ Quang (2018); gừng Vũ Quang, tân bời lời Vũ Quang (2019); nhái lùn Vũ Quang, chắp danhkyii, chuồn chuồn danhkyii, mộc hương Vũ Quang (2021)… đã khẳng định cho sự giàu có, độc đáo và tiềm ẩn giá trị đa dạng sinh học chưa được khám phá, khai thác tại VQG Vũ Quang.
Năm năm qua, VQG Vũ Quang được các tổ chức, cá nhân lựa chọn là địa điểm tin cậy để phối hợp, giao nộp các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Từ năm 2019 – 2023, đơn vị này tiếp nhận, cứu hộ hơn 1.480 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 722 cá thể nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: Vượn đen má trắng, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, cu li, trăn gấm, các loài cầy… Cá biệt, một số cá thể như: Cò mỏ thìa, già đẩy java, vooc Lào chưa ghi nhận vùng phân bố tại VQG Vũ Quang, đơn vị đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng để bàn giao về vùng phân bố thích hợp.
Ngoài tiếp nhận, chăm sóc động vật hoang dã do tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh bàn giao, những năm qua VQG Vũ Quang còn phối hợp với các VQG trên địa bàn cả nước nhằm cứu hộ hiệu quả các loài, thả về đúng vùng phân bố, tạo môi trường sống tốt nhất cho chúng. Ngoài ra, VQG Vũ Quang còn tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, thậm chí, đến tận từng nhà hàng trên địa bàn đê tuyên truyền không thu, mua, giết thịt động vật hoang dã.