Sông Đáy, đoạn chảy qua địa phận xã Yên Sơn của huyện Quốc Oai và tiếp giáp với địa phận xã Quyết Tiến của huyện Hoài Đức (đoạn qua cầu vượt sông Đáy đại lộ Thăng Long, TP.Hà Nội) tình trạng ô nhiễm đang ở mức nghiêm trọng.
Theo người dân địa phương, nước ô nhiễm phần lớn được thải ra từ các làng nghề của huyện Đan Phượng. Mùa cạn, lòng sông trơ cạn đáy, có những đoạn có thế đi bộ ra gần giữa lòng sông.
Vì là nơi tiếp giáp giữa 2 huyện nên “cha chung không ai khóc”, các cơ quan thủy lợi của 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai “bỏ mặc” đoạn sông này khiến rác thải cũng như các bè bèo, rau muống trôi nổi gây ách tắc dòng chảy gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để ghi nhận tình hình thực tế của người dân địa phương, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai.
Trao đổi với PV, anh Hoàng Văn Quỳnh - người đã sống ven bờ sông Đáy đã 10 năm nay cho hay, cứ đến mùa mùa làm dong riềng (chủ yếu sản xuất miến phục vụ Tết nguyên đán) từ tháng 8 - 12 (âm lịch), nước thải từ các làng nghề từ phía huyện Đan Phượng đổ xuống dòng sông khiến mức độ ô nhiễm của con sông càng trở nên trầm trọng. Mùi hôi thối bốc lên nhất là ngày nắng nóng không khí nơi đây đặc quánh, không thể thở nổi.
Anh Quỳnh ngao ngán cho biết, hầu như năm nào anh cũng phải đưa 3 đứa con lên bệnh viện da liễu để khám và lấy thuốc vì da trẻ em rất nhạy cảm với nguồn nước bị ô nhiễm.
Cũng theo lời anh Quỳnh, dự án nước sạch của TP.Hà Nội chưa đến được với người dân Sơn Trung nên hầu hết các hộ gia đình ở đây vẫn sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm nên chỉ để tắm rửa và giặt giũ.
Nước để phục vụ ăn, uống gia đình anh Quỳnh phải đi xin các hộ trong làng may mắn có được nguồn nước sạch không bị ô nhiễm.
Không thể xin hàng xóm mãi nên gia đình anh lại cất công lên nhà ngoại cách đó khoảng 3km để xin từng can nước về sinh hoạt. Nước dùng để uống và nấu ăn gia đình anh đành phải mua loại nước bình 20 lít, giá giao động từ 15-18 nghìn đồng/bình.
Khi PV hỏi về việc cải tạo nguồn nước, anh Quỳnh liền dẫn chúng tôi đi xem bể chứa nước phía sau nhà. Anh cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng chỉ biết xây tạm bể chứa 2-3 khối nước để hứng nước mưa. Nếu bơm tạm nước giếng và khử phèn chua thì không thể hết được mùi hôi tanh, ô nhiễm.
Cùng chung tình trạng như gia đình anh Quỳnh, nhà bà Nguyễn Thị Tỵ cũng sống cùng sông Đáy ô nhiễm hàng chục năm qua.
Bà Tỵ cho biết, hàng năm ông bà đã quá quen với việc “sống chung với lũ”. Cứ bắt đầu đến tháng 6 - khoảng tháng 8 (âm lịch) hầu như năm nào gia đình ông cũng phải chạy lũ vì nước sông Đáy ngập lại tràn vào nhà. Đến mùa lũ gia đình ông bà phải dựng lều tạm lên khoảng đất cao hơn để ở.
Điển hình là vào mùa lũ năm 2016, nước sông Đáy dâng cao ngập nửa căn nhà cấp 4 ông bà Nở hiện đang ở.
Khi được hỏi về dòng sông Đáy trước đây bà Tỵ bùi ngùi kể: “Ngày trước dòng sông sạch và nhiều cá lắm nhưng giờ chỉ còn rô phi có thể sống được thôi, nước sông bẩn quá chẳng con cá nào sống được”.
Bà Tỵ còn cho biết thêm: “Có những năm nước bẩn cá chết trắng cả dòng sông, người dân đi với được hàng tấn cá chết về làm phân bón ruộng. Thỉnh thoảng vẫn có người đánh cá ở đoạn sông này nhưng chủ yếu bắt được cá rô phi, cá bắt được cũng không thể ăn, cho lợn ăn loại cá ấy cũng chúng sẽ bị tiêu chảy. Người ta bắt được cá về thả 1-2 ngày nếu cá không chết thì sẽ đem bán còn không thì họ đem đi làm phân bón ruộng”.
Khi được hỏi về nơi tiêu thụ cá sông thì ông bà nói cũng không được rõ về địa điểm tiêu thụ.
Mong muốn của gia đình anh Quỳnh và bà Tỵ cũng như hàng trăm hộ dân tại thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai là thành phố sớm triển khai đề án nước sạch về cho bà con nơi đây cũng như cải tạo dòng sông Đáy trả lại người dân dòng sông xanh sạch ngày nào.
Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn TP.Hà Nội không chỉ dòng sông Đáy mà còn nhiều dòng sông khác điển hình như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Lừ... cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm lên mức đáng báo động. Theo dự kiến, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, làm “sống" lại 4 dòng sông phía Tây thành phố, trong đó có sông Đáy. Những quyết tâm trong việc chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan chức năng nhằm đạt được mong muốn sẽ giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.
Địa phương không đủ khả năng khắc phục! Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: "Vấn đề sông Đáy ô nhiễm là vấn đề lớn cần phải được giải quyết nhưng do địa phương không đủ khả năng để khắc phục nên cũng đã phối hợp và báo cáo lên các cơ quan chức năng cấp trên để có phương án giải quyết. Để khắc phục vấn đề vệ sinh môi trường xã cũng đã có những chỉ đạo tuyên truyền và khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Hàng năm địa phương đã tổ chức phun hơn 400 lít thuốc khử muỗi cũng như cấp cho người dân bị ảnh hưởng hơn 200kg thuốc sát trùng". Mong muốn của ông Tuấn là hệ thống nước sạch sông Đà sớm được triển khai để mang nước sạch đến người dân Yên Sơn, hy vọng khi đó sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn cho đời sống của nhân dân. |
Bảo Thiện