Cuộc vật lộn mưu sinh
Như thường lệ, nhà biên kịch Nguyễn Qúy Dũng chọn góc quán cà phê tĩnh lặng để sáng tác. Dạo trước, anh thường lang thang trên khắp phố phường, la cà với bạn bè tứ chiếng. Tính anh suồng sã nên được nhiều người mến mộ. Những buổi chiều tản mạn bên bờ kênh, anh thường trông thấy tốp nhỏ bày tiệc chè chén liền sà vào làm đôi ly rồi mới đi. Thành thử cuộc sống vô vàn được gói gọn trong đôi mắt tinh tường của anh tự bao giờ không hay. Anh Dũng cười nói: "Cái việc phải đi, đi nhiều nó gắn với tôi ngay từ khi còn nhỏ. Tôi sinh năm 1962 tại Gia Lai, nhưng lại lớn lên ở Quảng Ngãi, rồi sinh sống học hành thời phổ thông ở Long An. Và cuối cùng thì tôi lập nghiệp và định cư ở TP.HCM này".
Nguyễn Quý Dũng khi còn ở Long An đã nổi khắp trường làng từ khả năng dàn dựng một vở diễn về chị Võ Thị Sáu. Vở diễn ấy đi theo Quý Dũng suốt những năm học phổ thông nhưng chưa khi nào anh nghĩ sẽ làm nhà biên kịch sau này. Anh nói: "Tôi khoái vẽ, tôi vẽ cũng rất đẹp. Sau năm 1975, cha tôi có kêu vào Sài Gòn sống thì tôi đã lên ngay kế hoạch là sẽ thoát ly gia đình và sống bằng nghề vẽ panô xinê. Vì thế, sau này, tôi vẫn chọn theo học đại học Kiến trúc".
Cuộc sống run rủi, đẩy đưa khiến Nguyễn Quý Dũng nhiều lần vỡ kế hoạch. Ước muốn là trở thành một bác sĩ, nhưng lại yêu thích vẽ, rồi lại đi học kiến trúc đã là những điều không ngờ ở cuộc đời anh. Anh cho biết: "Tôi muốn làm bác sĩ là vì ngày tôi được sinh ra rất kỳ lạ. Tôi khác những đứa trẻ khác khi sinh ra nặng tới 5,5kg. Mà cái thời đó, việc sinh như vậy coi như báo hiệu một cuộc sống bệnh tật. Quả đúng không sai, chỉ ba tháng sau, trên đầu tôi đã mọc một cục mụn rất to. Y tế khi ấy chưa đủ điều kiện nên cha mẹ đành khóc ròng mang tôi về nhà trong khi tôi đã chết lâm sàng. Khi về nhà, kỳ lạ thay, tôi sống lại. Và từ bấy đến nay khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì".
Nguyễn Qúy Dũng trong vai diễn một bộ phim
Bây giờ, nhìn Nguyễn Quý Dũng chẳng ai tin là anh từng có một cuộc vật lộn mưu sinh khắp Sài thành. Anh kể lại: "Tôi làm cò xe, buôn bán hàng Liên Xô (cũ), làm mẫu chai rượu, tiếp thị rượu, vẽ tranh, đánh đàn, hát... làm mọi thứ để có tiền học hành. Thế nhưng, cũng phải cảm ơn cái cuộc vật lộn mưu sinh ấy. Nhờ vậy mà tôi biết được nhiều nghề, nhiều người, thấu hiểu được cuộc sống muôn màu. Cho đến sau này, nhiều lúc tôi chẳng thể ở yên trong nhà, cứ phải lang thang khắp nơi, để cảm nhận những số phận con người với nghề nghiệp. Vì thế, người trên đỉnh cao, tôi cũng làm bạn, người dưới đáy xã hội, tôi cũng chơi, vì đó là cuộc sống".
Cuộc vật lộn mưu sinh đẩy Nguyễn Quý Dũng đi làm hoàn toàn trái nghề. Học kiến trúc nhưng anh lại đi làm báo. Đó cũng bởi anh quen nhiều và cũng nhiều tài. Dũng kể lại: "Tôi có hơn 10 năm làm báo bên mảng phóng sự, điều tra. Những người đã hướng tôi đến với con đường này là các anh Trần Tử Văn, Cao Huy Vĩnh, Kim Thẩm, nhà thơ Phạm Mạnh Hiên, nhà thơ Phương Tấn… Họ đã giúp đỡ rất nhiều bằng cái chân minh họa cho báo như các bài quyền, lá thuốc nam... Sau này ,tôi mới làm phóng sự nhiều, đi viết về các vấn đề xã hội. Tôi còn nhớ, các bài viết có thể nói là bước ngoặt của tôi như: "Nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại sống ra sao?", "Võ lâm ngũ bá ở Chợ Lớn"...
Sau cái chết bí ẩn
Một buổi chiều năm 1996, Nguyễn Quý Dũng đi làm về qua rạp Xa Kê Tân Bình, chợt anh dừng lại tò mò với đám đông. Lúc ấy, người ta phát hiện xác một người đàn ông chết bị trói tay chân, nên kéo đến xem rất đông. Theo nghiệp vụ, anh cũng vác máy ảnh đến chụp hình và bắt đầu mường tượng đến những vụ án kinh điển. Anh Dũng kể lại: "Chụp hình xong, chợt trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ mơ hồ: "Có khi nào cái xác ấy chính là tay giám đốc?". Nguyên cả đêm hôm ấy, tôi trăn trở với những cuộc điều tra tưởng tượng. Tôi bắt đầu sáng tác truyện "Hạt nút" (phim "Vật chứng mong manh" sau này). Sau đó, tôi có đưa cho các đạo diễn là bạn tôi như Đỗ Quang Minh, Quốc Thịnh... xem và họ đều nói rất ấn tượng".
Từ khi ấy, bắt đầu có những lời đề nghị viết truyện "Hạt nút" thành kịch bản cho Nguyễn Quý Dũng, nhưng anh bỏ quên vì chưa từng nghĩ mình làm được. Anh Dũng kể lại: "Năm 2001, sau lần ghé nhà anh, đạo diễn Quốc Thịnh kêu: "Bán cho em đi, nhưng em không có tiền nhiều, anh viết tập nào em trả tập ấy". Nhưng lúc ấy, vợ chồng tôi rất "đói", không đủ tâm trí để ngồi viết. Sau đó, Quốc Thịnh mang cho tôi một tập kịch bản kỹ thuật "Dưới cờ đại nghĩa" của Tường Phương. Tôi đọc nhưng không hiểu gì, nên phải mua phim về coi. Ngay khi chẳng biết làm gì thì gameshow "Chứng khoán ảo" của Phương "khói lửa" mời tôi viết kịch bản cho chương trình, tôi mới bắt đầu bước vào nghề biên kịch".
Biên kịch gia Nguyễn Quý Dũng cười nói: "Vật chứng mong manh" đúng là mong manh thật. Mặc dù rất nhiều người săn đón nhưng phải rất lâu nó mới được làm phim. Ngay khi viết kịch bản xong đã có người đòi ký hợp đồng. Tôi thấy có lỗi với Quốc Thịnh lắm nên thầm nhủ sẽ viết cho Quốc Thịnh những kịch bản khác. Bán xong thì hãng phim lại nói không làm được vì không có đủ tiền; trong khi đó, tiền nhuận bút kịch bản tôi đã đưa hết cho vợ trả nợ. Theo lẽ thường, hợp đồng ấy tôi có quyền không trả tiền lại. Nhưng biết sao được, nên đành cầm cố, vay lãi để trả cho hãng phim ấy. Phải mất hai năm sau mới có người mua lại kịch bản. Trong khoảng hai năm ấy thì tôi đã cho ra một số kịch bản nổi tiếng không kém, đã được dựng thành phim như "Vườn đời", "Hoa xương rồng"...".
Sau thành công với những kịch bản "Vườn đời", "Hoa xương rồng", "Sáu mặt rubic", Nguyễn Quý Dũng bắt đầu viết nhiều hơn và chuyên tâm chỉ với kịch bản, biên kịch. Anh cho biết: "Tôi vẫn đau đáu với "Vật chứng mong manh", nhưng biết làm sao được khi mà hãng phim khó đầu tư. Tất cả các cảnh quay trong phim đều khó thực hiện và chi phí cao cho các màn võ thuật... Hãng phim Hành tinh xanh của anh Võ Ngọc phải mất ba năm mới dàn dựng thành phim được. Khi nó được trình chiếu, doanh thu vượt trội bất ngờ. Khi ấy, có rất nhiều đạo diễn tiếc nuối, còn tôi thấy hành trình "Vật chứng mong manh" đúng là gian nan, trắc trở".
Lại với "Vật chứng mong manh", có lần Nguyễn Quý Dũng bị khán giả chê bai tận mặt. Đó là một trong những chuyến hiếm hoi về Đồng Tháp của anh. Anh kể lại: "Kỷ niệm thì nhiều nhưng có một cái mà tôi không bao giờ quên. Đó là chuyến đi về Đồng Tháp, người ta nghe ông làm "Vật chứng mong manh" về chơi thì mừng lắm. Bà con làm tiệc khoản đãi. Họ coi phim đến thuộc cả lời. Có một bà đến hỏi: "Chú, phim hay quá à, mà sao ba tập cuối dở quá!", anh trả lời: "Tại tiến độ nên phải thế!". Nhưng bà ấy lại khẳng định: "Chắc không phải quá, chắc do người viết dở". Tôi sững cả người, đúng là người xem "có mắt". Thực chất, ba tập cuối tôi không viết, tôi chỉ viết 30 tập, nhưng có lẽ dư thời lượng nên mới thêm ba tập nữa, thành ra bị lạc".
Hoàng Minh