Khác với những người Bắc vào Nam lập nghiệp với tư tưởng làm 10 đồng xài 3 đồng, để tích lũy 7 đồng, thì chị bạn tôi lại khác. Giám đốc một công ty sách, được xếp vào mức thu nhập cao, nhưng chẳng bao giờ có khái niệm tích lũy. Tuần này hứng lên, có thể có mặt ở Thái Lan, tuần tới có khi xin nghỉ phép, sang trời Âu đi du lịch. Ăn thì cứ phải quán sang, quán đẹp và đắt tiền. Mặc thì toàn đồ hiệu trend mới nhất. Và đi làm, thì chắc chắn là taxi. Hỏi sao xài hoang thế, chị gọn lỏn: “làm ra tiền thì để tiền nó hầu hạ mình, chứ không lẽ một lần nữa thành nô lệ của nó?”
Rồi chị vạch ra một loạt những lý do mà chị ít tích lũy: Nếu lấy chồng, cả hai vợ chồng cùng làm, cùng hưởng. Tiền làm ra hàng tháng thì mua bảo hiểm theo gói, xem như chẳng lo toan nhiều ở thì tương lai. Nhà mua cũng được, không mua cũng chẳng sao, nhưng quan điểm của chị là thà ở thuê mà gần còn hơn có nhà mà ở xa, mất thời gian, bực bội vì kẹt xe. Tài sản không nên để nhiều đề phòng cướp bóc, tệ nạn. Nếu có con thì lớn lên nó tự lập mà sắm sanh, chứ không cho nó cái tư tưởng ỷ lại vào tài sản của cha mẹ, không sớm thì muộn nó cũng sa lầy, mình tội một, đời nó tội mười. Với lại, thời này sống chết không biết ra sao, dồn sức dồn lực mà mua, bệnh lăn đùng ra chết, tài sản có cũng vô nghĩa…
Nghe chị nói, tôi cũng chợt giật mình. Chị bà con của tôi cũng là giám đốc một doanh nghiệp, rất thành đạt. Cả tuổi trẻ cháy mình cho công việc đến khi tuổi trẻ qua, quên mất là mình chưa yêu ai. Cuối cùng, dính vào một ông nhạc sĩ đã có vợ, nhưng một ngày vỡ mộng vì chàng không đẹp như những nốt nhạc của chàng mà chàng là “thợ mỏ” chính hiệu. Tiễn được chàng xong, chị lại lao vào công việc. Một ngày chị thấy mình bất ổn, đi khám mới hay đã…ung thư. Khi chị chết, đám anh em bà con xúm xít, thương xót thì ít mà tham lam chia tài sản thì nhiều. Nhiều người tiếc cho chị, sao mà không biết tận hưởng cuộc sống để rồi phải rời xa nó trong sự mệt mỏi, vô vọng…
Tôi cược rằng hiện nay, 10 phụ nữ Việt Nam thành đạt thì đến 8 người luôn có tư tưởng: làm để gia tài cho con. Điều này khác xa với phụ nữ ở các nước văn minh, làm, để cho con đi học. Con học những kỹ năng phát triển tư duy, trí tuệ, tâm hồn. Con học tính tự lập để đến một tuổi nào đó, con tự lo cuộc sống và sự nghiệp của nó chứ không phải con ỷ lại vào đống tài sản kếch xù của cha mẹ. Để rồi, cha mẹ đi du lịch, làm từ thiện, tận hưởng một cuộc sống lành mạnh bằng tài sản mình có, chứ không phải nhịn ăn nhịn mặc nhịn xài và nhịn cả công tác xã hội chỉ vì cho con hết số tài sản mình có. Và cũng chỉ có ở Việt Nam, mới có nhiều “thiếu gia”, “đại gia con” đến thế. Chúng chưa kịp lớn thì thành tích ăn chơi, thành tích “cặp” với “hot boy, hot girl” còn nổi tiếng hơn một diễn viên nổi tiếng của Việt Nam!
Tôi không nằm trong danh sách fan của ca sĩ Đức Tuấn nhưng tôi lại thích cách sống (được thể hiện trên báo) của anh. Rằng, anh có thể mượn tiền ngân hàng nếu chưa đủ tiền, để được sở hữu cái xe “xịn”. Anh có thể tích lũy ít hơn để được đi du lịch nhiều hơn và có thể tận hưởng cuộc sống của mình một cách văn minh hơn những gì trước đây anh chưa được tận hưởng.
(Điều đó khác với hình ảnh 4 nhân vật được xếp vào “tứ đại keo nhân” của Việt Nam mà người viết bài này không tiện nêu tên, họ là những người rất nổi tiếng, một anh là ca sĩ nhạc trẻ đình đám một thời, một anh là ca sĩ nổi tiếng dòng dân ca, một anh là ca sĩ số 1 của dòng nhạc tình hiện nay, một chị là người mẫu nổi tiếng, gần như không bao giờ bỏ ra một đồng nào cho ai và cũng ít bỏ tiền ra chăm chút cho chính mình trừ phi được…chăm chút hộ)
Dĩ nhiên, người viết bài này không ủng hộ những tư tưởng hưởng thụ thái quá, hoặc nướng mình vào những thú chơi tệ nạn. Mình tận hưởng cuộc sống một cách bình tĩnh để cảm nhận được nó, hơn là phải quên mình trong những điều, những thứ có thể biến cuộc sống của mình thành địa ngục. Có tiền, sẵn đà chơi thì “chơi cho tới bến”; thấy đời thử sao mình không thử, thử một lần rồi nhiều lần, và thế là…tiêu đời.
Câu châm ngôn muôn đời vẫn đúng-“lửa càng che đậy càng rực nóng”. Trừ những trường hợp keo kiệt đến khi xuống mồ, hoặc vì hoàn cảnh mà phải tằn tiện chắt bóp, nhưng là phụ nữ, chẳng ai là không mong mình có những bữa cơm ngon, những chuyến du lịch thú vị. Tuổi trẻ gò ép để có được căn nhà, có được sự nghiệp mà quên hưởng thụ, về già ân hận nhảy vào cuộc thì bi đát thay, trông chả…giống ai cả. Thế nên, tại các vũ trường, có nhiều quý bà vốn thời trẻ “kiên trì chăm chỉ chịu thương chịu khó” để rồi khi về già lại chẳng giống ai, tô son trát phấn dày như diễn viên tuồng, mắt xanh mắt đỏ liến láu, nhảy nhót ầm ĩ, thấy trai trẻ thì như mèo thấy mỡ mà biết đâu, trong đám trai trẻ ấy, có người là bạn của con, thậm chí của…cháu mình.
Nhiều chàng trai cứ thắc mắc hoài một chuyện, là sao khi yêu, cô ấy khác, khi cưới một thời gian, cô ấy lại “dở chứng” như thế. Rằng là cô ấy không tằn tiện như xưa nữa. Rằng là cô ấy không thích ăn mặc như xưa, thuở hai đứa chở nhau đi trong hoàng hôn sến rện nữa…Mà chàng trai không hay rằng, một phụ nữ thành đạt thì không nên giữ những thói quen của một cô sinh viên khi còn ăn bám bố mẹ. Và tại sao chàng trai không chịu hỏi ngược lại: cả thế giới người ta khác, sao mình không chịu khác? Tư tưởng “đàn bà thì thế nào cũng được”, “Tôi yêu cô của ngày trước chứ không phải là cô của bây giờ” đã làm cho không ít người đánh mất hạnh phúc của mình và cũng là nguyên nhân tại sao ngày càng nhiều phụ nữ muốn nổi loạn đến thế.
Đúng là thời buổi khủng hoảng kinh tế, người ta đổ xô đi kiếm tiền; người ta lo sợ làm thế nào để đừng mất việc làm… là những thứ đáng quan tâm hơn là cách hưởng thụ cuộc sống. Nhưng khổ cho phụ nữ Việt Nam ta, chịu thương chịu khó cả ngàn đời, gánh vác trên vai nhiều thứ còn nặng nề hơn cả đàn ông thì cho đến hôm nay, những lo toan phần nào còn chưa vơi bớt. Lên máy bay rồi mà vẫn gọi điện về cho người giúp việc nhớ nhắc “chú” mặc áo lạnh vì trời đã có gió mùa, đón cháu đúng giờ, rồi “vào siêu thị mà mua thịt, thịt ở chợ không an toàn”…Khổ thế, cứ làm như người khác không có tay. Một bi kịch mang tên “lo toan truyền kiếp” đã tước đoạt tư tưởng tận hưởng cuộc sống mà bất cứ ai trong số họ cũng có quyền được hưởng.
Thế nên, ai có cảm động và khâm phục các chị các cô về sự chịu thương chịu khó, nhưng người viết bài này thì không cổ xúy. Đơn giản là sự gánh vác không chỉ có một mình họ. Và đơn giản là, đã đến lúc phụ nữ Việt Nam nên yêu con theo một kiểu khác, nên yêu chồng theo một kiểu khác. Bình đẳng và công bằng với chính bản thân mình hơn.
Theo Ngọc Anh/ Thế giới người nổi tiếng