Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình có nguồn gốc từ xa xưa, xuất phát từ hội bơi đua của làng quê Lệ Thủy.
Tương truyền rằng ngày trước, vào mỗi dịp hè, dòng sông Kiến Giang lại khô cạn nước, trơ cả đáy do hạn hán. Tuy nhiên cứ đến tháng 8 hàng năm, nơi đây lại có mưa lớn, nước sông cứ thế dâng lên đầy ắp, ruộng đồng ngập nước, công việc đồng áng cũng trở nên thuận lợi hơn. Nước mưa lũ cũng cuốn trôi sâu bọ đi, mang phù sa đến bồi đắp cho mùa vụ. Chính vì vậy, người dân khắp nơi hân hoan mở hội đua thuyền để ăn mừng. Đồng thời cũng là dịp để trai gái thi thố tài năng, rèn luyện sức khỏe và cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Sau thắng lợi Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, vào ngày 02/09/1946, người dân Lệ Thủy đã tổ chức lễ hội đua thuyền quy mô cấp huyện để ăn mừng Tết Độc Lập. Và cứ thế vào dịp Quốc khánh hằng năm, dòng sông Kiến Giang lại vang dội tiếng hò reo, tiếng đánh trống, gõ mõ của cổ động viên với những màn đua thuyền quyết liệt.
Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình hình thành từ đó và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân nơi đây.
Hơn một tháng trước mùa hội, làng nào trong huyện cũng gác lại công việc để tập trung chuẩn bị cho mùa đua. Việc làm mới hay tu sửa đò bơi, thuyền đua sẽ được thực hiện song song với chọn người bơi và tiến hành luyện tập.
Những nghệ nhân lão thành sẽ đảm nhận việc đóng thuyền. Từ các thân gỗ lớn, dưới sự chăm chút công phu của các nghệ nhân, thuyền được đo đóng, cân chỉnh để làm sao khi bơi nhẹ nhàng, đủ nổi trên mặt nước, dễ dàng lao nhanh về phía trước.
Đội hình bơi đua phải được tuyển chọn nghiêm ngặt, phải là những thanh niên khỏe mạnh, dẻo dai và dạn nước. Trong quá trình luyện tập, người nào phô diễn được kỹ năng khéo léo sẽ được tuyển chọn vào đội thi đấu chính thức.
Lễ hội năm nay có 24 thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ với hơn 1.500 vận động viên, tranh tài trên đường đua dài 24km (đối với thuyền bơi nam) và 18km (thuyền đua nữ).
Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), lễ hội là cơ hội tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc, gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp mảnh đất, con người Lệ Thủy.
Từ một hoạt động tín ngưỡng độc đáo của người xưa đến nay, đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang là hoạt động văn hóa thể thao có quy mô lớn về số lượng, kinh phí, nhân lực nhưng không sử dụng ngân sách nhà nước. Tất cả đều từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân trong huyện, hỗ trợ của các mạnh thường quân và tình cảm hướng về quê nhà của con em Lệ Thủy trong, ngoài nước.
Sau một buổi đua tranh quyết liệt, sôi động và đoàn kết, Ban tổ chức Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy đã trao các giải cho các thuyền bơi nam các bảng A, B; thuyền đua nữ đạt thành tích cao trong lễ hội dân gian giàu tính thượng võ này.