Sông Kim Ngưu cổ

Sông Kim Ngưu cổ

Hà Thị Kim Dung

Hà Thị Kim Dung

Thứ 4, 06/03/2019 14:00

Nhị Hà quanh bắc sang đông Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này Nhị Hà là tên khác của sông Hồng chảy ở phía bắc và phía đông kinh thành Thăng Long. Còn Kim Ngưu, Tô Lịch là 2 con sông nhỏ hơn chảy từ phía tây quặt xuống phía nam Thăng Long.

Kim Ngưu có nghĩa là trâu vàng. Theo truyền thuyết dân gian, trâu vàng ở Trung Quốc khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam tưởng là tiếng trâu mẹ gọi liền chạy sang. Trên con đường nó chạy, vết chân lún xuống biến thành sông Kim Ngưu.

Văn hoá - Sông Kim Ngưu cổ

Sông Kim Ngưu.

 Đến phía tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới tung đất để tìm mẹ và chỗ đất bị nó xới chính là hồ Tây ngày nay. Hiện ở gần phủ Tây Hồ (thuộc phường Quảng An) có đền thờ Kim Ngưu. Sông Kim Ngưu cổ là chi lưu của sông Tô Lịch. Xưa có 2 nguồn nước cung cấp cho Tô Lịch là sông Hồng ở cửa Hà Khẩu (tương ứng với đầu phố Hàng Buồm hiện nay) và từ sông Thiên Phù. Sông Thiên Phù cũng lấy nước sông Hồng bắt đầu cửa Nhật Tân chảy qua các phường Xuân La, Xuân Đỉnh đến khu vực chợ Bưởi ngày nay thì cấp nước cho Tô Lịch.

Sông Thiên Phù nay không còn, nó bị bồi lấp từ nửa đầu thế kỷ 18. Từ khu vực chợ Bưởi, Tô Lịch bám theo chân thành Thăng Long chảy ra Cầu Giấy sau đó chảy qua phường Yên Hòa, Láng, Lủ… Sông Kim Ngưu là chi lưu của Tô Lịch hay nói cách khác nó được tiếp nước từ Tô Lịch ở ô Cầu Giấy. Từ đây, sông chảy theo hướng tây-đông tới phố Đội Cấn ngày nay nó lại lấy nước từ Tô Lịch khi con sông này chảy qua Thụy Chương (nay là Thụy Khê), sau đó chảy theo hướng bắc-nam (đoạn này xưa gọi là sông Ngọc Hà), qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở rồi hợp lưu với Tô Lịch ở Văn Điển.

Trên dòng chảy, Kim Ngưu lại có các phân lưu là sông Trung Liệt (tách ra tại Hào Nam), sông Sét và sông Lừ (đều tách khỏi Kim Ngưu tại khu vực Kim Liên, Phương Liệt ngày nay)... Sông Kim Ngưu xưa không chỉ là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng mà còn có chức thoát nước cho kinh thành Thăng Long và sau này là nội đô Hà Nội. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đoạn từ chỗ phân lưu với Tô Lịch đến ô Đông Mác vẫn còn khá rộng, vào mùa khô nước khá trong.

Ở khu vực này có cây cầu, đầu cầu có trạm gác và lính Pháp chặn không cho người ăn mày vào nội đô ăn xin. Ở khúc này có bến tắm (tương ứng với đầu phố Bạch Mai hiện nay) dành cho người lao động. Tuy nhiên, đô thị hóa trong nửa đầu thế kỷ 20 diễn ra quá nhanh khiến khúc sông này hẹp dần và trở thành con mương thoát nước thải. Thập niên 80, 90 được cống hóa và kè bờ. Nay, đoạn cuối của nhánh sông Kim Ngưu này bắt đầu từ phía tây Kim Ngưu còn khá rộng.

Từ đây tới Yên Sở được kè bờ, làm hàng rào từ cuối thập niên 90 để chống lấn chiếm và trồng liễu 2 bên bờ. Hai bên bờ sông ở đoạn này còn được làm đường giao thông, đó là các đường Đông Kim Ngưu, Tây Kim Ngưu, Tam Trinh... Ngoài kè bờ, người ta còn tích cực nạo vét để tăng cường khả năng thoát nước và nắn dòng chảy của sông tại Yên Sở để cho hai phần ba lượng nước của sông Kim Ngưu đổ vào hồ điều hòa Yên Sở. Một phần ba lượng nước còn lại theo đoạn từ gần công viên Yên Sở tới Văn Điển đổ lại vào Tô Lịch (cạnh thôn Văn thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Đoạn cuối cùng này không được cải tạo nên lượng nước lại còn ít và bị lấn chiếm và đổ phế thải khiến lòng sông chỉ là mương thoát nước. Tiếc cho con sông đậm màu truyền thuyết.

N.N.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.