Theo ông Trần Tuấn Anh đại diện công ty CP Quy hoạch R&D Planners (đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng) cho biết: “Hiện nay, sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.
Đồng thời, lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao 2-3m so với đáy sông gây ô nhiễm không khí nặng.
Qua đó, R&D Planners đã xây dựng phương án cải tạo lại môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000m2, chiều dài hơn 1,2km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động, trong tương lai sẽ hoàn thành toàn tuyến 3km nối với trạm bơm Yên Sở.
Việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt.
Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ (TMDV) phát huy yếu tố công cộng. Ngay sau khi ý tưởng được đề xuất, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều khác nhau và cho rằng, ý cải tạo cần phải được tính toán kỹ lưỡng.
Trước ý tưởng trên, PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng: “Dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu, nếu chỉ cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại”.
“Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”, ông Nguyên chia sẻ.
Cũng theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, hiện tại cả bốn con sông: Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Lồ, sông Sét không chỉ đơn giản là hệ thống tiêu thoát nước của Thủ đô mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa môi trường đô thị.
Vì vậy, việc chỉnh trang sông Kim Ngưu cần được ứng xử như một công trình lịch sử, nghĩa là việc cải tạo phải trả lại hình ảnh nguyên bản ban đầu, không phải đập bỏ, cống hóa như “bể cảnh” khiến môi trường đô thị của Thủ đô ngày càng bị “biến dạng.
Hiếu Anh