Tiếng hát dân dã
Với tính dân dã và đại chúng, nét văn hóa lô tô không còn xa lạ với người Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này có nguồn gốc từ trò bingo của Ý, xuất hiện vào thế kỷ XVI. Khoảng thập niên 1980 của thế kỷ XX, hát lô tô phát triển cực thịnh ở nước ta, theo các đoàn hội chợ đi tỉnh, nhất là Nam bộ. Đặc biệt vào dịp năm mới, các đoàn hội chợ, lô tô hoạt động khá mạnh.
Với lô tô, ngoài sự thú vị của yếu tố may mắn thì cách rao con số cũng là một nghệ thuật vô cùng độc đáo. Từ những thể loại âm nhạc khác nhau, người hô sẽ biến tấu ca từ phù hợp để có thể diễn tả con số sao cho có vần, có điệu một cách duyên dáng. Cứ như thế, văn hóa lô tô nhẹ nhàng đi vào lòng người và trở thành một giá trị đẹp gắn liền với ký ức của nhiều người.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát lô tô không đơn thuần là một hình thức giải trí mà chứa đựng những giá trị nhất định. Thông qua lời ca, tiếng hát, người rao có thể châm biếm những thói hư tật xấu của đời sống hằng ngày... bằng tư duy sáng tạo linh hoạt.
Nói về lô tô, cố GS.Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Bài chòi và lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ tục ngữ, ca dao, bài vè - được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc khỏi bị mai một”.
Khách mua tờ vé lô tô không phải để mong mình được trúng giải thưởng mà chỉ muốn được nghe các câu rao (câu thai) được đặt tinh tế, lời đậm chất văn học như những bài thơ bốn chữ, sáu chữ, lục bát. Câu thai có khi như tự khen về tiếng rao của mình: “Thương chàng chi lắm chàng ơi, nhớ miệng chàng nói nhớ lời chàng rao, nhớ chàng như nhớ lạng vàng khát khao vì nết, mơ màng vì duyên, nhớ chàng như bút nhớ nghiên, như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông, nhớ chàng như vợ nhớ chồng, như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”.
Hoặc câu thai khái quát về một vị anh hùng dân tộc, một sự kiện lẫy lừng trong sử sách, có nội dung giáo dục truyền thống cho lớp trẻ: “Ông Đinh Bộ Lĩnh, thưở thiếu thời, bày trận ham chơi, đến khi khôn lớn, gan dạ vô vùng, chiêu mộ anh hùng, đánh Nam dẹp Bắc, nước nhà yên giặc, ông lại xưng vương, lấy hiệu Tiên Hoàng, ở động Hoa Lư”.
Hồi sinh giữa thành phố hoa lệ
Một thời, nhiều người “gắn mác” cho lô tô và người làm nghề với những từ phản cảm, phi nghệ thuật... Nhưng gần đây, một thế hệ nghệ sĩ lô tô trẻ đang vực dậy loại hình giải trí này với khát khao khẳng định giá trị. Loại hình nghệ thuật này xuất hiện nhiều trong các gameshow, điện ảnh đến những gánh hát lô tô bài bản, chuyên nghiệp tại quán cà phê, khu vui chơi giữa TP.HCM khiến nhiều người thích thú.
Từ khi phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được ra mắt, rồi đến phim điện ảnh Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh công chiếu, hát lô tô đã trở nên thu hút hơn, nhất là với giới trẻ. Gần đây, loại hình này bắt đầu xuất hiện trở lại và phát triển với một vài tụ điểm tại trung tâm TP.HCM. Trong đó, 2 đoàn lô tô đang được chú ý là Sài Gòn tân thời và Hương Nam. Phần lớn các nghệ sĩ kêu lô tô ở 2 đoàn đều thuộc thế hệ 9X. Dẫu giọng hát, cách trình diễn vẫn chưa thực sự nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp như thế hệ đàn anh, đàn chị nhưng họ đã ghi điểm với khán giả nhờ dấu ấn riêng như khiếu hài hước, cách giữ nhịp sân khấu khá tốt...
Hơn thế, với tư duy của những người trẻ, họ đã tạo được những nét riêng từ trong một loại hình giải trí vốn đã quá quen thuộc với người dân. Từng đêm diễn, ở 2 đoàn Sài Gòn tân thời và Hương Nam đều được thực hiện theo những chủ đề nhất định như: Chiếc áo bà ba, Giai điệu 3 miền, Mẹ, Đêm Vu Lan, Đêm thần tượng, Thế giới V-pop giai đoạn 2000, Thế giới cổ tích,... Nghệ sĩ kêu lô tô hóa trang theo đúng chủ đề với trang phục, cách trang điểm đặc trưng. Đan xen vào những màn xổ số, họ có những tiết mục ca nhạc, tấu hài nhằm lôi cuốn khán giả trong suốt khoảng 3 giờ diễn ra chương trình.
Đặc biệt, ở một số đêm diễn, trích đoạn cải lương, nhạc cụ dân tộc, múa bóng rỗi cũng được đưa vào. Nhằm tạo sự liên kết với người chơi, các đoàn lô tô trẻ cũng mời khán giả lên sân khấu để cùng rao những con số. Sự tổng hoà của những yếu tố đó giúp nét văn hóa lô tô khởi sắc trong thời gian qua tại TP.HCM. Sân khấu Rubik (nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, quận 1) luôn sôi động vào những ngày cuối tuần với hàng trăm lượt khách mỗi đêm theo dõi đoàn Sài Gòn tân thời. Thời điểm đầu mới thành lập, mỗi đêm diễn chỉ vài chục khách. Trong khi đó, đoàn Hương Nam hoạt động chủ yếu tại một quán cà phê ở quận 10 cũng luôn đông khách. Ngoài ra, 2 đoàn khá đắt show đi tỉnh, biểu diễn ở các sự kiện nên đời sống của anh chị em trong đoàn được cải thiện đáng kể.
Nghệ sĩ Lâm Quốc Khải, Trưởng đoàn lô tô Sài Gòn chia sẻ: “Tiêu chí của chúng tôi là trang phục phải thật đẹp, sang trọng, chỉn chu và kín đáo. Chúng tôi tuyệt đối không biểu diễn phản cảm kiểu “thừa da thiếu vải”. Cách nói chuyện, đi đứng và giao tiếp với khán giả cũng phải chuẩn mực, vui vẻ nhưng không tùy tiện, tuyệt đối không nói tục, phản cảm”.
Lô tô đã thực sự trở lại và có những tín hiệu vui khi được khán giả đón nhận. Tuy nhiên, để bộ môn này được thừa nhận giá trị, theo mặt tích cực nhất có thể, vẫn là câu chuyện của tương lai. Trong đó, sự nỗ lực thay đổi của các đoàn lô tô đóng vai trò quan trọng.
“Lô tô là một loại hình văn hoá rất hay là sự tổng hợp của nhiều loại hình (thơ, vè, bolero, hồ quảng, cải lương...), sự tương tác của nghệ sĩ trình diễn và khán giả, cái duyên của người dẫn dắt giúp chúng hết sức độc đáo và thu hút. Về định hướng mới, đoàn Sài Gòn tân thời sẽ cố gắng mang đến nhiều buổi trình diễn đa dạng về nội dung, thay đổi chủ đề liên tục nhằm hướng đến số đông khán giả, không chỉ là khán giả trẻ mà còn là gia đình, trẻ em, người lớn tuổi hay người ngước ngoài. Đoàn sẽ thực hiện mục tiêu này thông qua việc dẫn show song ngữ, thay đổi cách công bố con số, đầu tư trang phục văn minh, hiện đại, nhưng vẫn hợp văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại là chi phí duy trì khá lớn”, nghệ sĩ Lâm Quốc Khải cho biết.
Sự cố gắng của lớp người trẻ để lô tô trở lại, được khẳng định giá trị và được thừa nhận như một môn nghệ thuật đang từng ngày được thực hiện. Trên sân khấu, các thành viên miệt mài tung hứng nhau với những ca khúc, tìm tòi làm mới những câu kêu “cờ ra con mấy”. Dưới khán giả, họ sẵn sàng ào đến tận nơi khi có một cái ngoắt tay mua vé, họ làm trò mua vui để chụp ảnh cùng mọi người. Họ mang đến những tiếng cười, những niềm vui mỗi đêm sau giờ làm việc, học tập căng thẳng. Sức sống của loại hình giải trí bình dân dường như đã được phục dựng qua cách làm sáng tạo của những người trẻ yêu nghề ấy.
Hà Nhân