Xưa – Sông Lam Nghệ An hừng hực lửa, mỗi trận đấu là một trận chung kết. Trên thánh địa Vinh, mỗi khi chủ nhà thi đấu là một sự kiện lớn của tỉnh nhà. Người từ khắp các huyện đổ về, chẳng cần phải băng rôn quảng cáo trận đấu, chẳng cần loa phóng thanh trên xe chạy các ngả đường. Nắng, gần 3 vạn người chen chúc, mồ hôi nhễ nhại như tắm, thành ra mát mẻ. Mưa, người ướt nhòem nhọep, hơi nước bốc lên theo nhiệt độ cơ thể người, cứ như mây mù, thành ra ấm áp…
Xưa – CĐV leo thang trên bờ tường màu vàng cũ kĩ, bám cây để vào cho bằng được khán đài để xem cho bằng được SLNA thi đấu. Mặc cho chỗ ngồi là nền xi măng ướt át hay rêu cáu bẩn, mặc cho người đứng trước cao hơn vài cái đầu nhưng cốt là để say và bùng lửa với SLNA, dù cho đôi lúc chẳng được chứng kiến bàn thắng…
Nay, SNLA hiện đại hơn, quy củ hơn và cũng phải lo toan nhiều theo thị trường. Nhưng cái tên Sông Lam Nghệ An vẫn vững nguyên dù cho nhiều đội bóng khác phải kèm tên nhà tài trợ trước tên húy. Và rồi, cái máu lửa xứ Nghệ lại bùng lên mạnh mẽ với tần suất và cường độ hơn trước. SLNA đã quy tụ được những người con sẵn sàng chịu thiệt một tí để được cống hiến cho đội bóng quê nhà, được khoác lên mình màu áo vàng truyền thống. Xét về thương hiệu thì Sông Lam Nghệ An là thương hiệu bền và là đặc sản xứ Nghệ.
Nay, CĐV lại leo thang lên bức tường màu vàng cũ kĩ, bám cả dây điện, cột cờ, cổng thành, ngọn cây để xem cho bằng được đội nhà thi đấu. Dẫu cho họ có thể ung dung ngồi quán cà phê và xem trên truyền hình. Nơi khác, người khác có thể làm vậy, nhưng với người Nghệ thì không. Thế nên, tình yêu bóng đá nơi xứ Nghệ phải gọi là không có đối thủ.
Nay, mạng xã hội phát triển, bằng điện thoại cũng có thể tải hình, đăng ảnh. Thế nên, hình ảnh SLNA được truyền qua tay hàng triệu người hâm mộ. Và sắc vàng không chỉ hiện hữu trên sân cỏ mà còn nhuộm vàng cả thế giới ảo, khiến cho nhiều màu sắc khác cũng kính nể nghiêng mình.
Xưa – Sông Lam Nghệ An. Nay – Sông Lam Nghệ An. Vẫn là niềm tự hào của người Nghệ.
Bình Nguyên