Bí mật tiêu tiền của phụ nữ có một hệ số căn bản như sau: Ít tiền thì đầu tư ngoại hình trước, tất cả những gì đập ngay vào mắt người khác, như quần áo, son, mái tóc, túi xách, dây chuyền và điện thoại. Nhiều tiền hơn thì tiêu như điên vào những thứ mắt thường không nhìn thấy, như nước hoa, spa, yoga, du lịch nước ngoài, sưu tầm quán ăn ngon, học khiêu vũ, đọc sách xem phim, nấu ăn, thậm chí đồ lót, thú cưng, đi phẫu thuật thẩm mỹ.
Có lần ngồi dự tính cơ hội tiêu thụ của thị trường mỹ phẩm Việt Nam với một nhãn hiệu mỹ phẩm mới của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi cùng dựng lên một khung chi tiêu của phụ nữ Việt. Kết quả thật là khả quan, phụ nữ các nước kinh tế phát triển của châu Á như Nhật – Singapore nói chung dành chỉ 2% thu nhập cho mỹ phẩm, và rất trung thành với nhãn hiệu mỹ phẩm nào đó. Phụ nữ Việt lương chỉ ba triệu cũng sẵn sàng mua ngay một bộ mỹ phẩm liên doanh giá triệu rưỡi, nếu nàng ưng cái quảng cáo khéo mồm! Dù sau đó phải nhịn đi một số niềm vui như gọi điện thoại buôn chuyện, ăn một bữa ra trò, nhịn một cuốn sách hay và bộ phim mới ra, ăn sáng trong phạm vi năm nghìn đồng, mặc cố bộ đồ lót và đôi giầy cũ. Thậm chí, nàng luôn có xu hướng sẵn sàng thay đổi sang nhãn hiệu mỹ phẩm mới, đắt tiền hơn. Điều ấy không tốt cho sức khỏe, nhan sắc cũng như cái túi tiền. Dù làm nhà đầu tư nước ngoài rất lạc quan.
Rất nhiều phụ nữ Việt đã lầm lẫn rằng, đắt tiền là tốt nhất. Cũng như quên mất rằng, giàu không có nghĩa là chất lượng sống tốt. Và một phụ nữ nhiều tiền cũng không hẳn là nàng sẽ biết cách chăm sóc bản thân hơn, hoặc sẽ chăm sóc bản thân tốt hơn.
Có một diễn giả người nước ngoài đã nói chuyện trong một chương trình truyền thanh tư vấn phụ nữ làm giàu, rằng, phụ nữ lương ít cũng làm giàu được. Với điều kiện, nàng buộc phải dành 30% thu nhập hàng tháng để tích lũy, đầu tư, để dành, trả góp mua bất động sản, hùn vốn bán cà phê với bạn bè v.v… Ba mươi phần trăm “cứng” ấy là để dành cho tương lai, không được tiêu lạm vào đó dù với bất kỳ lý do gì. Càng không được để nó nằm im không sinh lời, kiểu như cho bạn bè vay không lấy lãi vì chỗ quen thân, mua tặng em trai cưới vợ một cái tủ lạnh mới (dù tất nhiên sau đó, có thể vài năm sau, em mình sẽ tặng mình cái tủ lạnh còn to hơn!).
30% tiếp theo dùng để chăm sóc bản thân. Thật thế, làm đẹp, mua quần áo, học múa cột và đi bar tán tỉnh đàn ông đều được quy vào lĩnh vực nâng cao chất lượng sống của một phụ nữ. Ngay cả đi viện, trả viện phí hay… tình phí. Một cuốn sách mới rất hay, giá chỉ vài chục nghìn, nhưng nếu đã lỡ tiêu hết 30% lương tháng này, xin nàng hãy chờ tới tháng sau… mua mà đọc!
30-40% thu nhập còn lại để dành cho chi tiêu cá nhân, tiền ăn, tiền nhà, sinh hoạt phí, cước điện thoại. Những sinh hoạt phí ấy chỉ nên tiêu đúng trong phạm vi thu nhập của mình. Cho dù người phụ nữ đang độc thân hay đã có gia đình phải nuôi một đàn con và ông chồng lương ít. Nói đơn giản, nếu cái khoản 30% này phình ra, bạn ăn hết miếng bánh của tương lai, ăn thêm miếng bánh chất lượng sống bản thân bạn nữa, thì bạn khác gì con cua, làm được bao nhiêu đút cả vào mồm. Bạn muốn tương lai sống như cua hay sống như một con người?
Nhưng đó vẫn là mơ ước của phụ nữ Việt. Trừ khi bạn lương tháng trăm triệu, còn thì, bạn khó mà không tiêu quá 30% cho sinh hoạt phí hoặc cho bản thân, một khi đời sống càng hiện đại càng vô số nhu cầu.
Vật giá leo thang cũng đồng nghĩa với việc, những thứ bị loại ra khỏi danh sách chi tiêu đầu tiên là những khoản chi trong mảng chăm sóc bản thân của một phụ nữ. Không mua sắm quần áo mới, cắt hẳn nước hoa và mỹ phẩm dưỡng da, chỉ mua son và phấn phủ cùng kem chống nắng. Đơn giản bởi mấy thứ đó đập vào mắt người đối diện, bớt ăn tiêu chứ không thể nhịn đánh son được.
Với thu nhập lương mười triệu của một kế toán, bạn tôi chỉ thuê nhà và ăn uống, xăng xe thôi, đã gần hết hai phần ba. Với thu nhập hai mươi triệu của một biên tập viên, cô bạn khác của tôi vẫn thấy sống quá chật vật, mỗi tháng chỉ dám mua một món quần áo và một thứ mỹ phẩm, đã thấy hụt phần tiền đi bơi chiều cuối tuần và hoàn toàn thiếu tiền để du lịch. Thật may, cô không phải tín đồ của spa như đồng nghiệp đã có chồng trong công ty. Khoản đầu tư cho tương lai cô đành… tiêu ngay trong hiện tại, vào lớp tiếng Anh nâng cao trong thành phố với tâm niệm rằng, thôi thì cũng là một cách đầu tư lâu dài.
Có một thống kê về nữ giới tiêu dùng trong các đô thị lớn tại Trung Quốc cuối năm 2009 được công bố trên mạng Globalsino cho thấy, khi phân tích thu nhập và khả năng chi tiêu của phụ nữ thành phố, họ thấy, lứa tuổi 20-30, những người phụ nữ thu nhập cao nhất lại chính là những người chi tiêu mất cân đối nhất. Thậm chí, những phụ nữ có mức thu nhập dưới 100 USD/tháng (như công nhân trong các khu công nghiệp) lại dành dụm được tỉ lệ lương tháng cao nhất, với ý thức “chi tiêu dè sẻn”. Họ có thể tính được mỗi tháng để dành ra bao nhiêu tiền. Còn những cô nàng nhân viên công sở có lương khá cao lại là những kẻ “ăn đong” chưa hết tháng đã hết tiền, thu nhập bao nhiêu cũng không đủ tiêu xài.
Bài học kinh nghiệm của tôi về quản lý tài chính cho phụ nữ gần như phá sản khi về Việt Nam. Rất nhiều phụ nữ không quan tâm việc nàng phải nhịn một thứ gì đó của bản thân để chạy theo “những chi tiêu theo quán tính đám đông”. Đám đông trọng ngoại hình và ăn mặc có thể khiến cô gái trẻ mua sắm những thứ theo thị hiếu đám đông phù phiếm chứ không phải bỏ tiền ra để sống theo cách nàng muốn sống.
Chất lượng cuộc sống không chỉ là những nhu cầu vật chất được thỏa mãn, nó còn bao gồm cả kế hoạch chi tiêu khoa học, sự hưởng thụ tinh thần và chăm sóc sức khỏe bản thân song song cùng những thứ ta đầu tư cho ngoại hình và công việc. Nếu bạn nghĩ có năm mươi triệu trong túi, ta sẽ đi mua túi LV, chứ không phải là đi khám sức khỏe toàn diện và mua bảo hiểm thân thể, hoặc đầu tư vào một hoạt động mang lại giá trị lớn hơn cho bản thân, bạn hãy coi lại bản thân xem, phải mình đang bắt đầu trở thành một tín đồ của sống lệch nơi đô thị.
Trang Hạ