Tôi quê miền Trung, sống thời tuổi trẻ ở miền Bắc, cũng rất nhiều sông, từng đò ngang đò dọc cũng nhiều, nhưng tới khi vào miền Tây mới biết, mới hiểu, mới tỏ sông nước với người miền Tây nó gắn bó tới như thế nào?
Ngay cái cách đi ghe thuyền cũng khác. Người miền Tây điều khiển những cái vỏ lãi như điều khiển... xe máy trên đường bộ, điều tôi chưa từng thấy ở miền Bắc và miền Trung. Vỏ lãi luồn lách, quẹo phải quẹo trái, thậm chí lùi như trên bộ, và lao vun vút. Chưa hết còn những con tàu đò lừng lững hàng trăm khách, như những cái xe khách loại lớn trên bộ.
Và nữa, tất cả các căn nhà đều quay mặt ra sông, như trên đất liền nhà quay mặt ra phố. Mọi giao lưu, giao thương, buôn bán, sinh hoạt của con người... đều trên sông. Nhà có mặt tiền... sông là nhà có điều kiện, thuộc loại xịn như nhà mặt phố ở các đô thị.
Và các chợ nổi trên sông ra đời như thế.
Nó như các chợ trên bờ thường cũng ở trung tâm, ở các ngã ba, chỗ thuận tiện nhất. Thực ra chợ trên bờ cũng không hẳn là chỗ thuận tiện nhất, là ngã ba ngã tư..., nhiều khi nó ở một gốc cây nào đó, một góc khuất nào đó, mà người dân thấy yên tâm buôn bán. Còn chợ nổi, chắc chắn nó phải là nơi hợp lưu của các dòng sông, ngã ba ngã năm ngã bảy... là thế.
Nó chính là đặc sản của miền Tây sông nước.
Giờ, có một cái hội thảo trên tàu chủ đề “để chợ nổi không... chìm”.
Chứng tỏ là hiện tại, chợ nổi đang chìm, tức đang có hiện tượng... chết, có người hỏi: Có nên để nó chết một cách vẻ vang không?
Thì bởi nó sinh ra từ nhu cầu đời sống, giờ đời sống khác rồi, nó không còn thích hợp nữa. Đời sống bây giờ là đường bộ thông tuyến tới tận thôn ấp, đường cao tốc dẫu chưa bằng phía Bắc nhưng đã rất thuận tiện cho đi lại và đặc biệt là thông thương hàng hóa.
Chợ nổi chính là nơi thông thương hàng hóa, là chợ đầu mối thời đường bộ chưa có. Xe đạp không có nhưng mỗi nhà người miền Tây phải có một cái ghe.
Nhưng, vâng, lại nhưng, du lịch cũng là đời sống?
Và du lịch cần có cái để giới thiệu với du khách.
Và nữa, du lịch đang là mũi nhọn của các tỉnh có tiềm năng du lịch, là cách thu tiền để làm giàu nhàn nhã và sang nhất.
Và thế là... mâu thuẫn.
Ví dụ chợ nổi là phải ở các ngã ba ngã năm ngã bảy, giờ có luật giao thông, sẽ chả ai dám cấp phép cho các chợ nổi án ngữ giữa ngã ba như thế.
Chợ là phải có mua và bán. Giờ mấy ai mang hàng xuống chợ nổi bán, và cũng như thế là người mua. Các chợ trong phố to lớn hiện đại, chưa kể hệ thống bán lẻ tới từng nhà.
Lâu rồi, có những người mua hàng ở vườn rồi cưỡi xe máy tới từng nhà bán, rồi lưu số điện thoại, hôm nay cần ăn gì, alo phát, có người mang tới tận nhà, thịt cá rau dưa..., có hết. Chưa kể còn mua/ bán hàng online, cũng ship tận nhà.
Rồi vấn đề môi trường, vấn đề dân sinh. Chợ nổi ngày xưa làm sông ô nhiễm rất nặng bởi tất cả mọi thứ đều thải xuống đấy. Nhưng tôi lại nghe một doanh nhân cam kết, xử lý việc ấy rất dễ. Ông cho đặt những cái máy ép rác hữu cơ, vỏ dừa bã mía vỏ cam quýt... vất hết vào đấy thành những loại phân hữu cơ, làm giá thể rất tốt, ví dụ thế.
Rất nhiều chuyện đặt ra mà nếu không đi, không nghe, không thấy những điều cụ thể ấy, sẽ rất lơ mơ.
Ví dụ, các tour du lịch toàn “lùa” khách của mình ra chợ nổi lúc 3-4 giờ sáng. Ơ có bao giờ chợ nổi hoạt động vào giờ ấy đâu. Tối muộn mới tới nhận phòng, rồi ăn uống, nhậu nữa, 3-4 giờ bắt dậy để đi, có đi cũng rất uể oải, không đủ sự hưng phấn, không đủ năng lượng để trải nghiệm.
Nhưng nó đã như một cái barem như thế, dù chính dân chợ nổi thứ thiệt, giờ ấy họ cũng... ngủ chưa dậy sau cuộc buôn bán mưu sinh tới nửa đêm mới đóng ghe.
Đấy chính là đời sống nó diễn ra, còn dựng chợ nổi cho nó nổi như lâu nay là cách làm du lịch thời... ăn xổi.
Tôi ấn tượng với câu chuyện của tiến sĩ, nhà văn Lê Kiên Thành khi ông kể sang một nước Châu Phi du lịch, họ đưa ông tới một ngôi làng cổ và cũ, hết sức nghèo, không có nước, chính xác là rất sức ít, nhà bé tẹo và làm bằng... phân bò, nước không đủ để trộn với đất làm tường.
Những người dân rất nghèo, sáng họ cắm ống hút vào mạch máu con bò, hút máu bò rồi đi làm. Con bò được băng lại, mai lại hút con khác, như kiểu vắt sữa bò, sữa dê tươi để uống hàng ngày thế. Thế là đi xem sự nghèo khổ à? Bắt những người có cuộc sống khá hơn mua vé du lịch để đi xem những người sống khổ thế à? Đấy là kiểu du lịch thực dân vân vân...
Tôi cứ nhớ những kỷ niệm về sông miền Tây trong trẻo khi lần đầu tới miền Tây. Những con sông hiền hòa trôi, trên sông đầy lục bình, nó cũng lững đững xuôi cùng những con tàu, ghe, vỏ lãi, những tiếng hò là đà mặt sông...
Rồi mươi năm sau, về lại, cũng đi trên chính những con sông ấy, thấy bờ lở ùm ùm, có nơi lở sâu vào cả vài chục mét. Có nhiều lý do, nhưng không thể loại 2 lý do là hút cát và tàu tốc độ cao chạy xé gió hàng ngày.
Nhiều ngôi nhà bà con xây rất kiên cố, giờ đổ xuống sông dù bà con cũng đã lường trước quy luật của việc sông bồi sông lở. Mà ở miền Tây, xây được ngôi nhà như thế là sự kiện rất lớn, bởi bao đời, nhà với họ là những mái lá, là sàn tre quay mặt ra sông, ghe cập ngay cửa, đi đâu leo lên giật máy là phi đi.
Còn rất nhiều điều để nói nữa, về các con sông miền Tây, như xâm nhập mặn, như lũ không về, miền tây mà lũ không về thì tức là đói, như hiện tại, ở bên/ trên sông mà thiếu nước ngọt, nên ngay trong cái hội thảo tôi dự, mọi người đang chuyền nhau cái Qr Code tài khoản để chuyển tiền giúp bà con mấy vùng hạn nặng mua... nước.
Một tờ báo đưa tin: “Theo dự báo, sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 22 đến 28-4 và ngày 7 đến 12-5). Hai đợt này dự báo sẽ vẫn còn tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Các dòng sông, nhất là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dự báo xâm nhập mặn vào sâu 80 - 100km. Còn hệ thống sông Tiền, sông Hậu vào sâu khoảng 45 - 55km”.
Ở bên, trên sông mà thiếu nước là như thế.