Những cuộc chia tay với các "cá mập"
Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) được thành lập ngày 10/12/2007, tiền thân là CTCP Chứng khoán Vincom (VincomSC) của Tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Đến đầu năm 2011, Tập đoàn Xuân Thành (tiền thân Thaigroup) của gia đình ông Nguyễn Đức Thụy đã mua lại phần lớn cổ phần của công ty rồi đổi tên thành CTCP Chứng khoán Xuân Thành ngay sau đó. Ông Nguyễn Đức Thụy cũng chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT của công ty.
Cũng trong năm 2011, công ty đã chuyển trụ sở từ toà nhà Vincom Center tại quận 1, Tp.HCM ra quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội.
Tuy nhiên, đến quý III/2012, với cú sốc từ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) khiến cả thị trường chứng khoán chao đảo đã cuốn phăng mọi nỗ lực của công ty này trước đó.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ông Thuỵ đã rút lui khỏi công ty chứng khoán này chỉ 2 năm sau khi thâu tóm VIX, vào tháng 3/2013. Thời điểm đó, ước tính ông Thuỵ đã thu về khoảng 200 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Năm 2014, công ty đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán IB (IBSC) và chuyển trụ sở chính về Toà nhà Gelex, số 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội. Sau hơn 10 năm hình thành, ngày 20/10/2020, công ty đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VIX như hiện tại.
Từ khi chuyển trụ sở chính về Toà nhà Gelex, sự hiện diện của nhóm này ngày một rõ nét hơn tại Chứng khoán VIX.
Khởi đầu là việc ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex, Chủ tịch HĐQT Viglacera giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX từ ngày 30/8/2014 – 23/5/2016.
Hơn 1 năm sau khi ông Tuấn từ nhiệm, chị gái ông là bà Nguyễn Thị Tuyết đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX từ 5/7/2017 – 5/8/2020, đến tháng 11/2022 bà được tái bổ nhiệm, tuy nhiên đến đầu năm 2023, bà có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Bên cạnh đó, bà đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VIX đến cuối năm 2022.
Sau khi làm lãnh đạo Chứng khoán VIX, ông Tuấn và những cá nhân liên quan cũng lần lượt rót vốn vào công ty này.
Thời điểm tháng 10/2021, ông Tuấn bắt đầu rót vốn khi thực hiện mua hơn 29 triệu cổ phiếu VIX trong đợt phát hành tăng vốn với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ông tiếp tục mua vào 52,47 triệu cổ phiếu VIX trong đợt chào bán khác với giá 15.000 đồng/cổ phiếu và cuối cùng nhận cổ tức bằng cổ phiếu để nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 15%, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Chứng khoán VIX.
Vợ ông Tuấn là bà Dương Thị Hồng Hạnh cũng liên tục mua vào cùng thời điểm. Sau nhiều lần gom, bà Hạnh đã nắm giữ tổng cộng 21,2 triệu cổ phiếu VIX, tương đương 3,64% vốn.
CTCP FTG Việt Nam – tổ chức có liên quan đến bà Nguyễn Thị Tuyết cũng liên tục mua vào tổng cộng 26,8 triệu cổ phiếu VIX để nâng tỉ lệ sở hữu lên 4,61% vốn công ty.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2022, nhóm cổ đông này đã đồng loạt thoái vốn khỏi VIX, cùng với lý do cơ cấu danh mục đầu tư. Tính theo thị giá tại thời điểm đó, ước tính ông Tuấn thu về khoảng 644 tỷ đồng, bà Hạnh thu về 156 tỷ đồng, FTG Việt Nam thu về 198 tỷ đồng.
Tổng số lượng cổ phiếu VIX 3 nhà đầu tư trên đăng ký bán là 135,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 23,27% vốn.
Sau nhiều lần bán ra, vào ngày 28/6/2024, bà Nguyễn Thị Tuyết cũng không còn là cổ đông lớn của VIX khi hạ tỉ lệ sở hữu xuống còn 4,98%, tương đương 33,36 triệu cổ phiếu. Dù vậy đến hiện tại, bà Tuyết vẫn là người nắm vốn VIX nhiều nhất.
Mặt khác, Gelex và VIX có một điểm khá "tương đồng" khi là hai cổ đông có tỉ lệ sở hữu lớn nhất tại Eximbank.
Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Eximbank công bố ngày 1/7/2024, CTCP Tập đoàn Gelex đang nắm gần 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn ngân hàng. Đây cũng là mức tối đa mà cổ đông tổ chức được sở hữu theo Luật các TCTD 2024.
Cổ đông lớn thứ hai là Chứng khoán VIX với tỉ lệ sở hữu 3,58% vốn Eximbank, tương đương 62,3 triệu cổ phiếu EIB.
Thành lập năm 1990, Tập đoàn Gelex sở hữu các doanh nghiệp như: Viglacera, Dây cáp điện CADIVI, Thiết bị đo điện EMIC, Máy biến áp THIBIDI… Tính đến cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ 8.515 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 52.400 tỷ đồng.
Khi những thương vụ lớn thay đổi cục diện
Về tình hình kinh doanh trong 3 năm đầu thành lập, VIX ghi nhận sự trồi sụt khi lãi 83 triệu đồng vào năm 2008, rồi bật tăng gấp nhiều lần lên hơn 35 tỷ đồng vào năm 2009, song lại giảm gần 80% về 7,5 tỷ đồng ở năm 2010.
Khi về tay doanh nhân Nguyễn Đức Thuỵ, năm 2011 VIX ghi nhận lãi hơn 6 tỷ đồng, trong khi hàng loạt công ty chứng khoán khác lúc bấy giờ đều thua lỗ.
Hai quý đầu năm 2012, VIX vẫn có lãi gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, biến cố của ông Nguyễn Đức Kiên diễn ra năm đó khiến thị trường chứng khoán chao đảo, các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng, trong đó có VIX khiến công ty lỗ hơn 51 tỷ đồng.
Từ năm 2016, khi ông Nguyễn Văn Tuấn và chị gái làm lãnh đạo, Chứng khoán VIX liên tục tăng trưởng qua các năm, doanh thu chạm mốc nghìn tỷ và lợi nhuận cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2016-2021, trừ năm 2019 ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm thì các năm còn lại VIX đều tăng trưởng tốt. Từ 187 tỷ đồng năm 2016, doanh thu của VIX đã bật tăng lên tới 1.596,5 tỷ đồng ở năm 2021. Lợi nhuận cũng tăng mạnh từ gần 54 tỷ đồng năm 2016 lên 736 tỷ đồng năm 2021.
Tuy nhiên vào năm 2022, thời điểm nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn thoái vốn thì VIX lại ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng. Cụ thể, doanh thu hoạt động giảm 24% xuống 1.187 tỷ đồng, lợi nhuận cũng "bốc hơi" 58% xuống 312 tỷ đồng.
Sang năm 2023, VIX ghi nhận kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu hoạt động của VIX tăng 37% lên 1.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần lên 966,4 tỷ đồng.
Đà tăng này tương đồng với các công ty chứng khoán khác khi VN-Index chứng kiến đà khởi sắc. Chứng khoán VIX cũng "kiếm đẫm" từ mảng đầu tư tự doanh và cho vay margin.
Tuy nhiên, cũng chính mảng tự doanh này đã bào mòn lợi nhuận của VIX trong 6 tháng đầu năm 2024 khi thị trường chứng khoán có những nhịp sụt giảm sâu trong tháng 4 và 6.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VIX giảm 23% xuống 739,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 50% xuống mức 285,7 tỷ đồng và mới hoàn thành được 27% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Riêng trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của công ty ghi nhận 378,8 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Biến động chủ yếu từ hoạt động tự doanh khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bốc hơi 52% xuống 222,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, công ty lỗ từ các tài sản chính FVTPL tới 159,4 tỷ đồng, cách xa khoản lãi hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ. Trừ đi, Chứng khoán VIX ghi nhận lãi thuần 63 tỷ đồng ở mảng này, sụt giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.