Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trong ngày 9/8 sông Nhuệ tràn bờ tại các vị trí: bờ hữu sông Nhuệ xã Hữu Hòa (huyện Thanh Oai), phường Phúc La (Hà Đông), bờ tả sông Nhuệ đoạn xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), đoạn qua địa bàn xã Tây Mỗ. Tình trạng sạt, lún bờ hữu đê sông Nhuệ cũng xuất hiện tại xã Thụy Phương (huyện Từ Liêm) với hai cung lún, sạt. Các điểm tràn nước từ sông Nhuệ làm ngập sâu khu vực đường Phan Trọng Tuệ, cầu Bươu (huyện Thanh Trì), Sở GTVT Hà Nội phải huy động nhiều ôtô tải chở xe máy và người dân qua đoạn ngập.
Trẻ em trên phố Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội) bắt cá ngay trước sân nhà
Đưa nước vào nội thành để cứu... ngoại thành
Trong đêm 8 và ngày 9/8, nước sông Nhuệ lên cao khiến nhiều vị trí đê bị nước tràn qua làm ngập nhiều nơi ở khu vực Hà Đông, Tả Thanh Oai, tuyến đường 70...
Cùng với việc huy động quân đội đắp đê, gia cố các điểm sạt lở, chiều qua cơ quan chức năng của Hà Nội đã quyết định mở đập Thanh Liệt, đưa nước từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch trong nội thành để chuyển nước vào sông Lừ, sông Sét ra trạm bơm Yên Sở, rồi bơm ra sông Hồng.
Trước lo ngại về việc để nước chảy ngược vào nội thành, nguy cơ ngập úng, ông Đỗ Đức Thịnh - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội - cho biết lượng nước đưa từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch đều được tính toán và điều tiết, đập Thanh Liệt chỉ mở 20% nên không có khả năng gây ngập ngược trở lại nội thành.
Rạng sáng 9/8, nhánh sông Nhuệ đoạn cầu Ngà (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) đã bị nước tràn bờ khoảng 600m. Đoạn bị tràn nhiều nhất là từ cầu Ngà tới cầu Sắt (dài khoảng 500m).
Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh thủ đô đã huy động khoảng 380 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ đắp đê chống tràn, xử lý các điểm đê bị nước tràn, xói lở. Tuy nhiên, đến chiều lại tiếp tục xuất hiện một điểm sạt lở khu vực cầu Sắt, bộ đội, dân quân và nhân dân phải tiếp tục khắc phục sự cố.
Riêng cầu Ngà được đắp bờ bao ở hai đầu cầu để ngăn nước tràn ra quốc lộ 70, dẫn đến việc giao thông từ đại lộ Thăng Long qua cầu Ngà lên Nhổn bị chia cắt.
'Vượt sông' giữa phố (ảnh chụp ngày 9/8 tại phố Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Nhiều điểm ngập tới 1m
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết về cơ bản các điểm ngập úng trong khu vực nội thành Hà Nội đã rút hết nước, tuy nhiên tại một số khu vực đường vành đai như Phạm Hùng (huyện Từ Liêm), Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì) lại rơi vào tình cảnh ngập nặng, có nơi ngập sâu tới gần 1m.
Theo ghi nhận trên tuyến đường Phạm Hùng, gần như cả hai chiều đường từ bến xe Mỹ Đình tới trước trung tâm hội nghị quốc gia nơi nào cũng thấy nước, trong đó điểm ngập nặng nhất là khu vực tòa nhà Keangnam bị ngập sâu tới 40-50cm, có nhiều đoạn hơn 1m. “Tối qua tôi đi qua nhà bạn ở quận Hoàn Kiếm, về đến nhà là lúc gần nửa đêm thì đường vẫn chưa bị ngập, không hiểu sao chỉ qua một đêm mà sáng nay nước đã mênh mông” - chị Lê Thị Vân (cư dân tòa nhà Keangnam) cho hay.
Một số tuyến đường như Dương Đình Nghệ, Trần Bình (huyện Từ Liêm) giao thông bị cắt khúc. Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến có nhiều đoạn nước sâu gần 1m khiến các phương tiện giao thông không thể đi qua. Công ty Thoát nước Hà Nội đã cử hàng chục công nhân và máy móc đến hiện trường giải quyết tình trạng ngập úng. Hàng chục chiến sĩ Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cũng có mặt tại hiện trường điều tiết giao thông qua khu vực ngập úng.
Lợi dụng ngập, các dịch vụ cũng nở rộ. Tại những điểm ngập sâu trên đường Dương Đình Nghệ xuất hiện hàng loạt dịch vụ vận chuyển xe thuê với giá 50.000 đồng/xe máy, sửa xe hỏng 30.000-50.000 đồng tùy từng loại xe. Tại các điểm ngập úng nặng trên đường Phạm Hùng có hàng trăm ôtô, xe máy bị ngập nước, chết máy. Dịch vụ làm khô bugi xe với giá xe máy 50.000 đồng/lượt, ôtô 200.000-300.000 đồng/lượt.
Đến 17h cùng ngày, các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển vẫn xảy ra ùn tắc kéo dài cả cây số do nước vẫn chưa rút hết khỏi một số đoạn đường. Ở các huyện ngoại thành nước vẫn chưa rút hết, các công ty thủy lợi phải vận hành 193 trạm bơm với 1.004 máy bơm để tiêu thoát.
Cần công bố bản đồ ngập
Mặc dù tình trạng ngập úng trên các tuyến phố tại Hà Nội kéo dài nhiều năm qua, nhưng những chỉ dẫn về các điểm ngập chưa được công bố. Thực tế cho thấy tại tuyến đường Liễu Giai, Huỳnh Thúc Kháng... khi xảy ra tình trạng ngập úng, phần lớn người dân đi lại đều rơi vào tình cảnh dò đường để tránh các điểm ngập trong nội thành.
Trước ý kiến người đi đường thiếu thông tin về vị trí các điểm ngập úng, ông Trần Trọng Văn, phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, cho rằng bản đồ ngập úng chính là danh sách các điểm còn tình trạng ngập úng được công bố hằng năm. Theo ông Văn, năm 2013, sau khi được đầu tư tu bổ hệ thống thoát nước trong nội thành, Hà Nội vẫn còn 22 điểm ngập úng khi có mưa trên 100mm.
“Chúng tôi đã công bố rộng rãi về 22 điểm ngập này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt. Còn khi có mưa lớn dẫn tới ngập úng, ngoài nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, mở hố ga để nước rút nhanh, lực lượng công nhân làm nhiệm vụ còn được giao hướng dẫn người đi đường tránh các điểm ngập ở những vùng lân cận. Những chỗ đi được thì công nhân cũng phải làm cọc tiêu hướng dẫn người qua đường. Lúc đó chỉ hướng dẫn trực tiếp, còn công bố các điểm ngập úng chúng tôi đã thông tin tới tất cả phương tiện đại chúng rồi” - ông Văn lý giải.
Hà Nội có 22 điểm ngập úng khi mưa trên 100mm Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, với lượng mưa trên 100mm/giờ, trên địa bàn TP sẽ có 22 điểm bị ngập úng gồm: điểm giao cắt Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Tôn Đản - Lê Lai, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, Điện Biên - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Thái Hà - Tây Sơn, Bà Triệu - Nguyễn Du, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các phố Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội), Đội Cấn, Trương Định (ngõ 521 đến cầu Sét), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Khuyến, Quán Thánh, Ngọc Khánh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng. |
Theo Xahoi.com.vn