Sống ổn với nghề... bán lá tươi

Sống ổn với nghề... bán lá tươi

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Có một nghề được coi là khá lạ ở các chợ đầu mối tại Hà Nội vào đêm, đó là nghề bán lá để tạo sự tươi ngon cho các loại hoa, quả. Nghề này mới xuất hiện và thoạt nhìn, ai cũng ngỡ, nó không cần vốn, chỉ cần sức khỏe, chịu khó là thu siêu lợi nhuận. Thế nhưng, nó là "nghề nguy hiểm" cho sức khỏe và tính mạng.

Nghề "không vốn thu bốn lời"

Mấy năm trở lại đây, cùng với yêu cầu "ngon và đẹp" cho nhiều sản phẩm thì mặt hàng hoa, quả tươi cũng không nằm ngoại lệ. Ngoài đòi hỏi hoa quả phải có chất lượng an toàn, tốt ra thì sự tươi ngon cũng là một tiêu chí để người tiêu dùng chọn mua. Nghề bán lá tươi ra đời nhằm mục đích làm cho các sản phẩm hoa quả trở nên "bắt mắt" hơn. Mới nghe thì có vẻ như cái nghề này hơi kỳ lạ, nhưng nó đúng là một nghề "không vốn bốn lời" mà nhiều người đang rỉ tai nhau thực hiện.

Xã hội - Sống ổn với nghề... bán lá tươi

Lá xà cừ được trang trí cho hoa quả tươi.

Tại chợ đầu mối Long Biên - nơi trung chuyển hoa quả lớn nhất Hà Nội, nghề bán lá tươi rất thịnh hành. Ngay lối vào cổng chợ chính, có hàng chục điểm bày bán các loại lá cây tươi, giá chỉ vài nghìn đồng/bó - tùy loại. Người mua, kẻ bán tấp nập. Người buôn hoa quả nào cũng mua ít thì vài ba bó, nhiều là cả chục bó trở lên mà chẳng bao giờ có chuyện mặc cả thêm bớt. Vì với tâm lý mong "thuận buồn xuôi gió" cho buổi bán hàng ngày hôm ấy nên người mua cũng rất thoải mái, ít khi bớt một thêm hai khi mua lá tươi trang trí cho hoa, quả. Nhiều người bán mặt hàng này ở chợ cũng cho biết, bán lá tươi, ít khi ế, chỉ có lãi nhiều hay ít mà thôi. Càng trời mưa, thì càng bán được nhiều, bởi lúc ấy lượng lá mới tươi, chủ hàng hoa quả càng ưa chuộng.

Chị Trần Thị Mai (ở Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Tôi làm nghề này được 3 năm rồi. Tôi đến với nghề bán lá tươi rất tình cờ. Lần ấy, tôi đi bán hàng rong, qua mấy sạp bán hoa quả, nghe mấy chị bán hàng nói là nếu biết nơi nào cung cấp lá tươi bán để trang trí cho hoa quả đẹp, ngon hơn thì giới thiệu. Thế là tôi bắt tay vào làm nghề. Nhiều người chẳng biết, tôi hái lá tươi ấy để làm gì. Nhưng nó đúng là mặt hàng cần thiết cho hoa quả tươi em ạ".

Theo tính toán của chị Minh Anh, ở Thanh Trì, Hà Nội thì: "Một hàng hoa quả trung bình một ngày cần 3 đến 5 bó lá tươi. Cứ xếp lá từ 7h sáng, đến 1h chiều lại thay. Hôm nào nắng gắt thì thay lá thêm một lần nữa, nếu chịu khó và khéo miệng thì mỗi ngày tôi cũng bán được 200 bó lá, tùy loại to nhỏ. Ngày rằm, mùng một hàng tháng, hoa quả về chợ đầu mối nhiều, dân buôn mua lá tươi với khối lượng lớn. Vì thế, nhu cầu dùng lá cây "trang điểm" cho hoa quả cũng tăng lên. Những hôm như thế, tôi có thể bán tới 500 bó. Nếu chịu khó, mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 đồng - số tiền đủ để tôi trang trải cho đứa lớn học đại học và hai đứa nhỏ đang học cấp 2".

Với những chia sẻ của chị Minh, nhiều người có mặt tại đó "ồ" lên vì ngạc nhiên về cái nghề lạ mà lại có thể lời đến thế. Chị Minh chia sẻ thêm: "Không phải ai làm nghề này cũng được. Bán được hàng cũng cần có duyên nữa. Tôi thức khuya dậy sớm quen rồi. Ngày nào nhà có việc, không đi bán được là chân tay khó chịu lắm. Lá để bán cho hàng hoa quả tươi cũng rất đa dạng, từ lá xà cừ, lá nhãn đến lá lim, lá vải đều được tận dụng".

Nghề... nguy hiểm

Nguồn lá tươi nhiều vô kể, tuy nhiên, sự nguy hiểm, việc trèo hái lá cũng gây cho người làm nghề này không ít phiền toái. Chị Trần Thị Mai kể: "Do nhà không có vườn nên tôi "hành nghề" bằng cách đi hái lá cây "chùa" trên các phố. Cây xà cừ thường to và cao, trèo lên hái được cũng là cả một quá trình. Lần ấy, tôi trèo lên một cây trên đường Láng, vì cây cao quá, lúc nhìn xuống đất, tôi sợ, thấy chóng mặt... Tôi thường rời nhà lúc 2h - 3h sáng, gặp cây nào ưng ý trên đường là trèo lên hái lá, đến 5h - 6h sáng, gom đủ số lượng là đem ra chợ bán. Có lần đang hái lá, tôi gặp đội dân phòng, cảnh sát 113, họ tưởng là trộm nên giữ lại hỏi han. Nhiều lần tôi phải giải thích mãi, họ mới hiểu và đi đến chợ thì đã muộn".

Còn chị Nguyễn Thị Nho (ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thì phản ánh: "Lá tươi tôi bán là lá lấy ngay trong vườn nhà nên từ chiều hôm trước, hai vợ chồng trèo lên cây hái. Nhiều hôm trời mua to, vẫn phải lên hái cho kịp buổi chợ. Có lần, do cây bị mưa mấy ngày liền nên chồng chị leo lên bị trượt chân ngã đến mức phải bó bột. Thế là trong một tháng ấy, một mình chị mưu sinh còn chồng ở nhà "dưỡng thương".

Ngoài những khó khăn và phiền toái mà nghề bán lá tươi đem lại thì những người làm nghề này có thể sống rất thoải mái với lợi nhuận của nó. Chị Minh cho biết, chị đang nghỉ việc ở công ty gạch, tình cờ phát hiện ra nghề mới này và thấy thu nhập của nó rất "ổn". Nếu chịu khó và có "duyên" bán hàng nữa thì mỗi tháng vợ chồng chị cũng bỏ túi 10 triệu đồng, một số tiền đáng mơ ước và gấp 3 lần ngày làm công nhân nhà máy gạch.

Hàng ngày len lỏi trên các con phố từ nửa đêm và kiên trì bán hàng đã tạo cho nhiều người bán lá tươi tính chịu thương, chịu khó. Họ đa phần là dân lao động từ các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh... về Hà Nội để mưu sinh. Vì không phải bỏ vốn, kiếm tiền lại khá dễ nên có người làm nghề bán lá cây ở chợ Long Biên đã được 6-7 năm.

Chị Hòa, chủ hàng hoa quả trên phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Để hoa quả trông ngon mắt hơn, chúng tôi thường mua lá tươi về trang trí. Các loại lá hay dùng là xà cừ và lim, vì lá này dày và có màu xanh đậm, tươi lâu. Bó to, tôi mua 5.000 đồng, bó nhỏ chỉ 2.000 đồng. Dân buôn hoa quả chúng tôi chẳng ngại bỏ ra 10.000 - 30.000 đồng để mua mấy bó lá để làm cho hoa quả đẹp mắt hơn, ngon hơn. Thực chất, lá tươi được bày vào hoa quả cho đẹp mắt, tăng sự hấp dẫn chứ chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng".

Đinh Lạc Thành


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.