Sống trong 'hộp diêm', đi vệ sinh giẫm phải bố chồng

Sống trong 'hộp diêm', đi vệ sinh giẫm phải bố chồng

Thứ 2, 28/01/2013 13:48

“Trước cửa nhà tôi phải treo một cái quạt để xua mùi hôi, mùi khai từ dãy nhà vệ sinh tập thể bốc ra. Khốn khổ nhất là mùa hè, cái mùi ấy nồng lên muốn điên người. Mưa thì không nấu nướng được vì bếp nhà tôi để ngoài đường đi, có gì ăn nấy, không thì ra ngoài hàng mua. Cũng có một thời gian phải đội nón nấu cơm, ướt lướt thướt như chuột”.

Chỉ vẻn vẹn 5m2 nhưng đại gia đình ông Trần Văn Lợi (80 tuổi, số 4 Hàng Gà) có đến ba thế hệ với sáu người ở: hai vợ chồng ông, vợ chồng người con trai với hai đứa cháu nội. Nhà nhỏ lại đông người nhưng ông không thể làm thêm gác xép vì phía trên là gia đình người khác ở, tường nhà lại thấp. Chiếc nệm đôi trải trên sàn nhà là nơi diễn ra tất thảy sinh hoạt của gia đình anh Cường - con trai ông. Buổi tối, ông Lợi trải chiếu nằm ngủ gần... cửa ra vào. Bà Bốn - vợ ông - nằm chiếc giường một lọt thỏm ở góc trong cùng sát tường. “Ban đêm muốn đi vệ sinh bước ra cửa chỉ sợ giẫm phải bố chồng” - chị Quách Thị Quyên, con dâu ông Lợi, bảo.

Gia đình ông Lợi không phải là trường hợp duy nhất ở số 4 Hàng Gà này. Gia đình cháu họ ông, anh Trần Hải Anh (40 tuổi) cả thảy sáu người (bố anh Hải Anh, vợ chồng anh và ba đứa con nhỏ) sống trong căn nhà bề ngang 1,91m, dài 2,82m, tính ra được 5,4m2. “Tôi cho hai đứa lớn học bán trú cả ngày, tối cho học thêm đến 19g, 19g30 - anh Hải Anh nói - Hôm nào không học thêm thì ra công viên chơi tí là về ngủ để mình có thời gian rảnh làm việc và trông đứa út. Với lại nhà cửa bé tẹo thế này, về thì ngồi ở đâu. Tối thứ sáu cho hai đứa lớn về ngoại ở Gia Lâm, tối chủ nhật đón ra”.

“Trước cửa nhà tôi phải treo một cái quạt để xua mùi hôi, mùi khai từ dãy nhà vệ sinh tập thể bốc ra. Khốn khổ nhất là mùa hè, cái mùi ấy nồng lên muốn điên người. Mưa thì không nấu nướng được vì bếp nhà tôi để ngoài đường đi, có gì ăn nấy, không thì ra ngoài hàng mua. Cũng có một thời gian phải đội nón nấu cơm, ướt lướt thướt như chuột”.

Nhà anh Hải Anh có gác xép nhưng thấp thảm hại, thấp đến mức leo lên phải bò vào chứ không thể ngồi. Vậy mà căn gác xép ấy chính là phòng tân hôn của vợ chồng anh. “Ngày đó nó còn là cót ép cơ. Tôi cũng trang trí hoa hoét cho đỡ buồn. Vợ tôi tủi thân lắm vì nhà bố mẹ có gần 3.000m2 đất, lấy chồng lại chui rúc vào cái nơi chả ra nhà thế này. Đêm tân hôn vợ tôi khóc ròng, cho đến lúc sinh con đầu lòng một năm. Khi vợ tôi có thai, cô ấy vẫn phải ở trên gác xép vì dưới này không có chỗ ngủ, cứ bò lên bò xuống cái cầu thang dựng đứng nhỏ tí teo này” - anh Hải Anh kể.

Căn nhà nhiều đinh nhất

Căn nhà dài 2,1m, rộng 1,7m với diện tích 3,75m2 ở trong ngõ số 8 Phát Lộc là nơi ăn ở của năm con người: một bà mẹ già, một người anh trai 45 tuổi chưa lập gia đình, một cô em gái ly dị chồng nuôi hai con. “Thật ra nhà tôi còn có hai người nữa. Anh cả tôi lấy vợ rồi ở rể. Chị gái đi xuất khẩu lao động” - anh Lê Anh Dũng, một thành viên trong nhà, giới thiệu.

> Đọc thêm: Đêm sống thử 'đủ mùi vị' ở phố cổ Hà Nội

Xã hội -  Sống trong 'hộp diêm', đi vệ sinh giẫm phải bố chồng

Cầu thang dẫn lên căn gác xép của vợ chồng bà Kim Nga (20 Hàng Bè). Mỗi lần muốn lên căn gác xép, người trong nhà phải khom lưng, cúi đầu bò vào - Ảnh: My Lăng

Căn nhà chưa đến 4m2 này vốn là nhà bếp của bà ngoại anh Dũng. Và đó là phần trong di chúc mà bà để lại cho mẹ anh. Có lẽ đây là căn nhà có nhiều đinh nhất Hà Nội. Tất cả vật dụng đều được treo lên tường hoặc gom vào bao nilông máng vào đinh. Sách vở của mấy đứa nhỏ treo để trên gác. Bát đĩa để trong cái tủ nhôm con con treo ngoài tường. Tủ quần áo cũng phải treo dọc bức tường. Nồi niêu treo ở gờ tường bên ngoài, bị mất trộm mấy lần.

“Trong nhà có cái tivi là đáng giá. Nếu trộm vào chỉ có nước giẫm lên người, chỗ đâu mà len vào” - anh Dũng cười bảo. Anh cho biết thêm: “Mẹ tôi bảo túng thì phải tính. Nhà chật nên mua tủ lạnh mini, mỏng, treo lên để chừa chỗ buổi tối cho mẹ tôi ngủ còn duỗi chân được. Vừa rồi đứa em gái lôi về cái tủ lạnh 150 lít, bà không duỗi chân được, phải nằm nghiêng, co chân”.

Tối, anh Dũng ngủ trên căn gác xép cao gần 60cm, ngồi nhổm là đã chạm đầu. Bốn người ở dưới đất phải xếp lớp nằm nghiêng. “Tất cả phải quay đầu ra ngoài cửa để hít khí trời cho thoáng, chứ quay đầu vào tường thì ngộp, bí không thở nổi. Nhà bé thế nhưng có tới bốn cái quạt cóc con con treo trên tường” - anh Dũng bảo. Gác xép của anh Dũng gần 4m2 nhưng một nửa đã chất đầy đồ đạc của cả nhà. Cái tivi cũ treo hơn 10 năm, chiều cao vừa khít trần gác xép! “Mùa hè tôi nằm trằn trọc đến 1-2g sáng mới ngủ vì nhà chật, nóng đến dại người. 5g sáng đã dậy, xuống cứ đi lang thang ngoài đường. Hôm nào cúp điện thì cả nhà dắt nhau đến nhà nghỉ thuê bừa một phòng ngủ, sáng mai mới về nhà” - anh Dũng tâm sự.

“2g sáng tôi đã dậy, không ngủ được vì bí quá, nằm không cựa quậy được. Tôi phải ra ghế dựa của tiệm cắt tóc ngoài đường nằm dựa lưng vào đấy, mệt quá chợp mắt ngủ rồi lại thao thức tỉnh dậy, cứ như thế cho đến sáng. Ban ngày cũng không muốn vào nhà, cứ ngồi ở đấy cho thoáng” - bà Nguyễn Thị Tỉnh (76 tuổi), mẹ anh Dũng, cho biết thêm.

Thuê nhà chỉ để tối về ngủ

“Nhà tôi chỉ ăn một bữa chính. Bữa trưa toàn bê ra ngoài đường ngồi. Ăn chia thành hai ca: trẻ con ăn trước, người lớn ăn sau. Nhà có cỗ thì một mâm đưa ra đường ngồi, một mâm ngồi trên giường. Trẻ con cho ra ngoài đường ăn hết” - bà Trần Thị Kim Nga (53 tuổi) ở số nhà 20 Hàng Bè cho biết.

Căn nhà của đại gia đình bà chỉ gói gọn 9m2 nhưng có đến hai gia đình với chín người ở. Các cháu nội tối đến được đưa về hết nhà ngoại vì không có chỗ nằm. Vợ chồng bà Nga có hai người con trai. Anh lớn chưa lấy vợ, cũng ở đây. Cũng như vợ chồng em gái bà Nga, người con trai út của bà sau khi lấy vợ phải ra ngoài thuê nhà. Ban ngày ở đây, tối về nhà thuê ngủ. Nhà bà Nga có chiếc đệm ban ngày được gấp lại thành ghế to, có thể dựng sát vào tường để tránh chiếm diện tích. Đó là nơi ngủ của ba người khi đêm xuống. Mảnh chiếu sát cửa là chỗ của hai thành viên khác. Trên gác là chỗ ngủ của bà Nga.

“Cái gác xép này ôtô đi qua cũng rung lên vì làm bằng gỗ ép mỏng. 12g đêm tôi mới ngủ được. Nhà sát đường, lại gần chợ nên 3-4g sáng đã thức dậy vì người ta đi chợ rất ồn ào. 5g sáng vợ chồng tôi đã đi tập thể dục rồi về tranh thủ đi vệ sinh, tắm rửa trước, đỡ phải xếp hàng. Ngủ phân chia đã đành, ngay cả những cái tối thiểu khác cũng phải chia giờ. Nhà 8-9 người chỉ có một nhà vệ sinh. Những người rỗi ở nhà thì tắm lúc 3-4g chiều, ưu tiên cho những người 6-7g tối đi làm về tắm. Đứa út nhà tôi phải dậy sớm làm vệ sinh cá nhân trước vì tắm rất lâu” - bà Nga chia sẻ.

“Đố phóng viên tìm được nhà nào có cầu thang di động như nhà tôi đấy” - ông Nguyễn Minh Cường, chồng bà Nga, chỉ vào chiếc cầu thang dẫn lên gác xép, mỉm cười bảo. Năm 2003, trần nhà bị sụp. Khi sửa lại nhà, ông đã nảy ra sáng kiến làm cầu thang có bánh xe trượt trên đường ray. Khi lên thì kéo cầu thang ra, tạo thành độ dốc đứng leo lên. Khi không sử dụng thì đẩy cầu thang chạy vào sát tường.

“Trẻ con không dám cho leo lên gác vì cửa đi vào gác xép chỉ cao 60cm, phải bò vào, đứng lên là đập đầu ngã ngay xuống đất!” - ông Cường cho biết. Rồi ông thở dài, nhìn đám cháu nội đang chạy rầm rầm trong con ngõ nhỏ bảo: “Đám trẻ con không có chỗ chơi, suốt ngày ra ngoài đường chơi vì vui hơn trong nhà. Kể cả mưa chúng nó cũng ngồi ngoài đường với ông bà ở quán nước chè. Mỗi lần mưa, bọn trẻ vào nhà ngồi phải xếp hàng theo thứ tự, không thì không có chỗ”.

Theo Tuoitre

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.