"Chôn chân" giữa lòng dự án
Thời gian gần đây, báo điện tử Người Đưa Tin phản ánh các bài viết Quảng Ngãi: Nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển Dung Quất và Môi trường biển sẽ ra sao nếu nhận chìm 15 triệu khối vật chất xuống biển? thể hiện những trăn trở của dư luận và sự cảnh báo của các chuyên gia về vấn đề nhận chìm số vật chất "khủng" xuống biển Quảng Ngãi.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ giới chuyên môn và đặc biệt là người dân Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - nơi dự án gang thép Hòa Phát - Dung Quất tọa lạc. Cho đến nay, những lá đơn cầu cứu của người dân vẫn tiếp tục được gửi về TS báo Người Đưa Tin, nói lên những tâm tư, sự khốn khổ của người dân vì ảnh hưởng của dự án.
Tháng 5/2019, theo thông tin từ những lá đơn của người dân gửi về, PV báo điện tử Người Đưa Tin lên đường “đột nhập” vào đại công trường 39ha thuộc dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất, nằm tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của CTCP Thép Hòa Phát - Dung Quất.
Một ngôi làng với cả trăm nhân khẩu nằm lọt thỏm giữa công trường đá sắt, khói bụi đập vào mắt, khiến PV không khỏi chạnh lòng. “Làng chúng tôi giáp biển, xưa giờ an bình cuộc sống trôi đi trong êm đềm. Từ ngày thép Hòa Phát về mở dự án chúng tôi nhường đất cho họ để đi tái định cư. Vì sự phát triển chung nên ai ai cũng vui vẻ chấp nhận. Nhưng rồi, khi đã giao đất thì chúng tôi lại chẳng được di chuyển đi vì quỹ đất tái định cư đã hết. Cái lý do vô cùng vô lý ấy đã chôn chân chúng tôi ở đây ròng rã năm trời”, một người dân bức xúc.
Dẫn PV vào căn nhà cấp 4 của mình, ông Lê Tỷ, trú thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông thở dài đầy ngao ngán khi chỉ vào những đồ vật bám đặc bụi bẩn. Chỉ cần dùng đầu ngón tay kéo dài trên mặt đồ vật cũng cảm nhận độ nhám của bụi. Xung quanh nhà ông Tỷ cũng như khoảng 40 hộ dân là khói, bụi từ công trường Hòa Phát.
“Chúng tôi như bị cô lập giữa lòng dự án Hòa Phát. Muốn ra vào làng phải băng qua cả công trường. Chưa kể, bụi bặm ô nhiễm quá hồi sinh bệnh hết. Nước không uống được, nhà cửa nhơm nhớp. Vợ tôi đổ bệnh vừa ra Đà Nẵng chữa trị”, ông Tỷ ngao ngán nói.
Để chống lại cái bụi bặm, ồn ào, ô nhiễm khi sống “chui” giữa công trường, người dân địa phương căng bạt, mành rèm tứ phía quanh nhà. Tuy nhiên, cách làm tạm bợ chả giải quyết được là bao, mà càng trông cái xóm nhỏ trở nên điêu tàn.
Chưa hết, không chỉ khốn khổ vì ô nhiễm, việc bị "cô lập" giữa vùng dự án cũng khiến nhiều hộ dân suýt chút nữa đánh đổi cả mạng sống. Như trường hợp của bà Lê Thị Nhàn, trú thôn Tân Hy 2 là ví dụ mà đến nay khi kể lại nhiều người vẫn còn khiếp vía.
"Do bị cô lập nên đợt mưa lũ năm rồi nước không thoát được. Tôi đang ngủ thì nước tràn vào nhà rồi ngập lênh láng. Nước ngập lên ngực rồi cổ, còn tôi chỉ biết hoảng sợ, la làng. May thay có người đến cứu kịp... Sợ quá, tôi bỏ nhà đi thuê trọ ở mà đắt đỏ quá chịu không nổi. Mùa này nắng nên tôi về lại nhưng cũng khốn đốn vì bụi, ồn. Chắc sớm ung thư mà chết", bà Nhàn đắng cay chia sẻ.
Trách nhiệm của chủ đầu tư?
Trao đổi với PV, vị cán bộ địa chính xã Bình Đông thừa nhận đúng là có nhiều hộ dân thôn Tân Hy 2 đang chịu cảnh ô nhiễm do dự án thép Hòa Phát gây ra.
Theo vị này, lý do chưa thể tái định cư cho các hộ dân là vì khu tái định cư Cà Ninh chưa hoàn thiện hạ tầng. “Những gì mà người dân nói là rất chính đáng. Ở làng Tân Hy 2 này giờ ô nhiễm, bụi bặm kinh khủng. Một số hộ xin đổi từ khu Cà Ninh sang khu Bình Đông mở rộng vì khu này đã xong hạ tầng. Nhiều hộ đã viết đơn lên xã để phản ánh sự việc. Xã sẽ tập hợp các ý kiến để trình bày lên cấp có thẩm quyền”, vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sẵn, Giám đốc Khai thác quỹ đất khu Kinh tế Dung Quất cho biết, việc bố trí tái định cư sớm cho các hộ dân thôn Tân Hy 2 là điều bức thiết vì khu vực này quá ô nhiễm.
“Hiện, vẫn có hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cho những hộ dân này thuê nhà để ở chờ tái định cư. Nhưng, thực tế họ không thể thuê được nhà vì giá thuê ở vùng này rất cao 8 -10 triệu đồng/nhà. Giá cao là do công nhân tứ xứ đổ xô về khu kinh tế này làm việc”, ông Sẵn nói.
Cũng theo vị này, đúng ra cơ chế bố trí tái định cư phải do tập đoàn Thép Hòa Phát thực hiện và chịu trách nhiệm. Ở đây, Thép Hòa Phát “mượn” khu tái định cư Cà Ninh ở tỉnh Quảng Ngãi cho người dân. Sau đó, phải hoàn trả vốn lại cho Nhà nước. Nhưng khu Cà Ninh chưa xây dựng xong, khiến người dân chịu cảnh vất vưởng, tạm bợ như vậy.
Cũng liên quan đến đại công trình liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi, PV còn nhận được nhiều phản ánh về việc khai thác tận thu đá trong quá trình cải tạo mặt bằng dự án có một số khuất tất. Ban đầu, lãnh đạo sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, tính pháp lý trong vấn đề này chưa đảm bảo, và Sở đã kiến nghị truy thu thuế hàng tỷ đồng. Nội dung này như thế nào, PV sẽ điều tra và chuyển đến bạn đọc ở bài viết khác.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!