Sống tử tế

Sống tử tế

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Nắng thu vàng rượm, tôi dẹp máy tính sách vở đi dạo. Giờ này là trưa thứ tư, người ta đi học hoặc đi làm cả. Con đường mòn tôi thường đi dạo dường như đang ngủ trưa. Hoặc nghỉ ngơi cho lại sức, chuẩn bị trần mình dưới hàng trăm gót giày trong vài tiếng đồng hồ nữa.

Một mình đi dạo lúc này có thể lẩm bẩm hát nghêu ngao hay hát vang lên, có thể nhún nhảy hay sàng qua sàng lại, có thể đi nghênh ngang giữa đường hay dẫm lên bờ cỏ phủ đầy lá khô vàng cam đỏ nâu. Thậm chí có thể vừa nhắm mắt vừa đi.

Mũi giày không có mắt, đang đi nó vấp vô cái gì đó khiến tôi chúi nhủi suýt dập mặt xuống đất. May mà kịp bơi hai tay trong không trung lấy lại thăng bằng. Tôi cũng nhanh chóng lấy lại bình tình đi tiếp.

Trong đầu tôi đang có một ý tưởng quan trọng và tôi không muốn gián đoạn suy nghĩ vì bất cứ cái gì. Nhưng được vài bước tôi đứng lại, ngoái nhìn coi cái gì vừa khiến mình suýt vấp té. Chỉ là một cành cây khô. Nó không nằm chình ình giữa lối đi để đập ngay vô mắt người ta, để người ta thấy mà tránh. Nó nằm chìm phần lớn trong bụi cây , chỉ thò ra lối mòn một khúc chừng hơn gang tay như gài bẫy kẻ thơ thẩn.

Tôi có thể nhún vai đi tiếp. Sá gì. Nhưng tôi quay lại, kéo khúc cây lên. Hóa ra nó cũng nặng, nhánh nhóc dềnh dàng, khiến tôi hì hụi một lúc mới đẩy được nó vô mé rừng, cách lối mòn chừng một thước.

Xong, phủi vỏ cây, bụi đất, rong rêu bám áo quần, rồi phủi tay, đi tiếp. Một hành động không có gì ghê gớm cả. Nếu cái bẫy cành cây còn đó thì ắt có thêm dăm ba người khác sau tôi vấp té, chúi nhủi như tôi, tệ hơn thì lỗ mũi ăn trầu cái đầu hút thuốc, nhưng chắc không đến nỗi mất mạng. Nếu tôi không dẹp cành cây thì người nào đó đi sau tôi ắt sẽ làm, có nhọc nhằn khó khăn gì đâu!

Pháp luật - Sống tử tế

Lẽ ra tôi nối lại suy nghĩ về ý tưởng lớn lao của mình khi chân bước tiếp trên lối mòn, chuyện nhỏ vừa rồi coi như không. Nhưng tôi phải thành thật với chính mình. Rằng một cảm giác lâng lâng, êm dịu thôi, lan tỏa từ cái đầu như có gió thổi qua trái tim kín đáo tăng nhịp đập đến đôi chân bước nhẹ nhàng như khiêu vũ.

Về mặt sinh học thì một động tác cúi xuống nhấc một cành cây lên kéo nó qua một bên, trong vòng vài phút, chắc không là một hoạt động tăng cường dopamine. Nguyên nhân của cơn hưng phấn nho nhỏ này hẳn là tâm lý. Tôi, tưởng mình đã ngộ câu chuyện ông sư cõng cô gái qua suối rồi bỏ cô ta và việc làm của mình bên bờ suối mà vô tư đi tới, nhưng vẫn mang theo chút hoan lạc phát sinh từ một nghĩa cử.

Theo nền đạo lý của xã hội chúng ta đang sống, hành động như dẹp cành cây để tránh tai họa cho người khác là một nghĩa cử, tuy không tạo ấn tượng mạnh như nhảy xuống thác cứu người bị dòng nước xiết cuốn trôi, hay hao tốn tiền bạc như tặng chăn áo ấm cho kẻ vô gia cư cầm cự qua mùa đông.

Vị tha, bác ái, hay lòng tử tế là chất keo kết nối để một xã hội văn minh tồi tại. Không cần rao giảng, người bình thường cũng hiểu là nếu mọi người đều vị kỷ, chỉ vơ vét cho bản thân mình, thì một xã hội dù được tổ chức theo thể chế lý tưởng nào đi nữa cũng hoại rã. Luật lệ sẽ chỉ ràng buộc những kẻ bất phục tùng bằng quyền lực kẻ mạnh hơn thôi.

Sống tử tế với người khác căn bản là hành xử tự nguyện của mỗi cá nhân. Một nghĩa cử, một việc thiện, có thể được ghi nhận và đền đáp bằng cách này hay cách khác: được trừ thuế, được nêu danh, được tán tụng, ghi công, được phước đức cho mình lẫn con cháu, được xá nghiệp hay cân bằng phước nghiệp, được phù hộ hay phán xử cuối cùng bởi thần thánh mà mình tin tưởng.

Các tổ chức xã hội, tôn giáo, thường dụ khị người ta làm từ thiện, khuyến khích lòng vị tha bác ái, bằng những phần thưởng tinh thần và hứa hẹn cao siêu. Nhưng có lẽ phần thưởng trần tục tức thì là niềm vui tự nhiên nảy sinh trong người mình.

Như vậy một nghĩa cử, dù hoàn toàn vô vụ lợi, hoàn toàn không tính toán, có hoàn toàn vị tha không? Hay nói cho cùng cũng vị kỷ? Thực tình khi quay lại dẹp cành cây, tôi nghĩ gì? “A, mày dám ngáng đường tao hả? Tao dẹp mày luôn cho biết tay!”

Hay “Mình dọn cành cây cho đường thông, như có người khác đấp đất lên chỗ đường lỡ, mỗi người ý thức giữ gìn lợi ích công cộng cho mọi người thì xã hội mới tốt đẹp.” Tôi không đến nỗi quá quắc “trả thù” cành cây, cũng chẳng phải công dân gương mẫu gì. Thực tình thì tôi đã không nghĩ ngợi gì cả.

Tôi chỉ nghĩ về phần thưởng cho nghĩa cử trong cuộc dạo chơi tiếp sau đó với tâm trạng thơ thới bất ngờ. Đó là tâm trạng tôi thường có được sau khi thỏa mãn với một việc gì đó: làm một bài thơ, viết một bài văn, đọc xong một cuốn sách, ăn một chén cháo trắng với hột vịt muối, về nhà đốt lửa trong lò sưởi sau chặng đường dài lội trong tuyết, thức dậy trong vòng tay của chồng mình.

Cho dù tâm trạng ấy được gọi bằng tên gì, thì tôi cũng biết chắc một điều là những giây phút thơ thới ấy đáng sống. Hay không chừng đó mới là thời gian sống thực sự của đời người.

Nhà văn Lý Lan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.