Ở nhiều vùng biển hiện nay, việc các rạn, vỉa san hô ven bờ đang bị khai thác trái phép tác động xấu đến môi trường trước mắt cũng như lâu dài. Trải qua hàng triệu năm, san hô mới dính kết thành tầng tầng lớp lớp, góp phần cân bằng hệ sinh thái, phòng ngừa thảm họa do thiên tai gây ra.
Vùng bãi bồi ven biển huyện Vạn Ninh có đến hàng ngàn mét khối đá san hô, nhô lên từ mặt biển. Những rạn san hô có tuổi đời gần triệu năm, cả phần san hô sống lẫn san hô chết đều góp phần làm thành bờ kè chắn sóng che chở cho người dân trước gió bão từ bao đời nay. Quan trọng hơn, chúng còn có chức năng lọc nước, ngăn chặn sự xâm thực của nước mặn ngấm vào ven bờ.
San hô khai thác trái phép bị thu giữ.
Những tưởng có được tiềm năng như vậy, người dân sẽ cùng với chính quyền địa phương nâng niu, gìn giữ để vỉa san hô góp phần đắc lực trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Song ngược lại, nó đã bị khai thác triệt để để làm bờ bao nuôi trồng thủy sản. Đến nay, bờ biển bị phá hủy nhưng các ao nuôi tôm trên cát cũng không phát huy hiệu quả.
Việc khai thác đá san hô trái phép diễn ra nhiều ở các xã ven biển huyện Vạn Ninh, nhất là Vạn Thọ, Vạn Thạnh, Vạn Hưng. Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất của việc khai thác san hô trên bờ biển phải kể đến hai thôn Xuân Đông và Xuân Tây của xã Vạn Hưng. Đây vốn có Khu bảo tồn biển Rạn Trào nổi tiếng trong cả nước.
Để bứng được rạn san hô, người ta dùng mọi hình thức như dùng máy xúc, ủi, đào hủy diệt san hô. Trên hiện trạng, vùng bãi triều đã bị khai thác để lại những hố sâu từ 5 - 10m. Các vỉa đá bị phá vỡ hoàn toàn. Việc cải tạo và phục hồi môi trường ven biển trở nên vô cùng khó khăn.
Ông Bùi Lân – Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Số lượng san hô mà họ đi tuần bắt được năm 2011 và đang tạm giữ tại xã Vạn Hưng là 48 m 3 . Số lượng san hô người dân đem tập kết trên bãi ngoài thôn Xuân Đông lên đến cả trăm khối. Đây là số lượng lớn nhưng vì không có kinh phí thu gom nên vẫn để ngoài bãi. Bờ biển Vạn Hưng đang sạt lở nghiêm trọng. So với hàng năm, thủy triều đã đánh sập vào cả vài ki lô mét. Hiện nay, mức độ sạt lở do mất thềm lục địa là rất lớn".
Lực lượng chức năng đang tiến hành xử lý một vụ khai thác san hô trái phép.
Theo báo cáo của UBND xã Vạn Hưng, trong vòng 6 năm qua, trên phạm vi toàn xã đã có 20 ha san hô (dài khoảng hơn 3 km) bị mất trắng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là “cơn lốc” của việc xây bờ ao nuôi trồng thủy sản, dùng đá san hô làm giá đỡ tôm hùm con, nung vôi, chế tác non bộ, làm bệ cây cảnh... Từ đây, hàng trăm vỉa đá san hô trải qua mấy trăm triệu năm mới có đã dần biến mất, với một tốc độ khủng khiếp, khiến những ai có lương tri cũng phải xót xa .
Hầu như người dân nào ở Vạn Ninh cũng biết, nhiều cơn bão dù chỉ mới lướt qua các vùng ven biển cũng gây nên mức độ sạt lở lớn. Hậu quả làm thiệt hại không nhỏ đến các đìa nuôi tôm. Nếu những rặng san hô không bị khai thác, có lẽ sóng đã không đánh vào bờ sâu như vậy.
Hơn thế nữa, nguồn nước ngọt trước đây ở các làng chài ven biển đã dần trở nên khan hiếm, cạn kiệt. Được biết, chính quyền địa phương xã Vạn Hưng cũng đã tổ chức truy quét và xử lý nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển san hô trái phép. Nhưng đến nay, hoạt động này vẫn liên tục diễn ra.
Ông Trần Tuấn Anh – Phó trưởng Công an xã Vạn Hưng - cho biết: "Khó khăn nhất là lực lượng của xã mỏng. Khi anh em bắt được các đối tượng khai thác đá, đều bị những người này ngăn chặn và dùng đá ném lại. Nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn khai thác đá san hô".
Từ hiện trạng đá san hô đang bị khai thác, phá hủy hàng loạt, giải pháp hữu hiệu lúc này là chính quyền huyện Vạn Ninh cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chủ quản tiến hành quy hoạch tổng thể toàn bộ các vỉa đá san hô có trên địa bàn huyện, nghiêm cấm việc phá vỡ cảnh quan tự nhiên ở các khu vực này. Riêng những vùng triều đã bị phá hủy, nên khoanh vùng để không bị mất nốt những rạn đá san hô còn lại.
Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa to lớn của rạn san hô đối với thềm lục địa và hệ sinh thái liên quan đến đời sống con người. Kết hợp các biện pháp kinh tế, thu hút người dân chuyển đổi ngành nghề, đồng thời xã hội hóa công tác bảo vệ vùng triều ven biển.
Vạn Ninh đang phát triển rất nhanh các hoạt động ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Nhưng nếu chỉ chú ý đến kinh tế mà không ngăn chặn kịp thời các hành vi phá vỡ môi trường tự nhiên, điều tất yếu là địa phương sẽ phải gánh chịu nặng nề hậu quả do thiên tai gây ra.
Hoàng Thiên Lý