Theo báo Vietnamnet, trường hợp đặc biệt trên là bệnh nhi N.B.T.C (6 tuổi, trú tại Bình Định). Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi sốt cao 8 ngày liên tục, đau họng, tiêu phân lỏng kèm khó thở.
Gia đình đưa trẻ đến bệnh viện địa phương khám, tại đây bác sĩ chẩn đoán em bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, được điều trị tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nặng dần, trẻ suy hô hấp, tràn khí màng phổi, trung thất, tổn thương đa cơ quan, phải đặt nội khí quản và liện hệ chuyển vào Tp.HCM.
Theo Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM, trẻ được chuyển trên quãng đường hơn 600km từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định vào Tp.HCM với hy vọng còn nước còn tát.
Khi trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM, đã bị hôn mê, suy hô hấp nặng, tràn khí dưới da, vàng da niêm sậm kèm xuất huyết da niêm rải rác. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, kháng sinh, chăm sóc dinh dưỡng nhưng em C. không cải thiện, tổn thương gan thận nặng.
Tại viện bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Chống độc để thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương nhiều đợt, dùng kháng sinh mạnh. Các bác sĩ cũng chỉ định các xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sau khi thăm khám, kết quả cho thấy bệnh nhi C. bị nhiễm trùng huyết do xoắn khuẩn Leptospira (xoắn khuẩn vàng da) gây tổn thương gan thận nặng, nguy cơ tử vong. Trải qua hơn 2 tuần điều trị tích cực, trẻ đã cải thiện ngoạn mục, chức năng gan thận và hô hấp hồi phục. Sau khi ngưng thay huyết tương, lọc máu, cai máy thở, bé hết sốt, tỉnh táo và chuyển về Khoa Nhiễm tiếp tục theo dõi.
Theo Phó giáo sư Quang, nhiễm xoắn khuẩn Leptospira là bệnh của động vật truyền sang người. Hiện nay, bệnh ít gặp hơn so với 20 năm trước. Nhiễm xoắn khuẩn Leptospira xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn, chăn nuôi gia súc vào mùa mưa, lụt lội.
Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm bởi nước tiểu súc vật (trâu, bò, heo, chuột…), xâm nhập vào cơ thể qua da, vết trầy xước, niêm mạc và gây bệnh cho người. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh thích hợp.
Đáng chú ý, bệnh nhiễm xoắn khuẩn có thể ẩn, thể nhẹ đến thể lâm sàng cấp tính (hội chứng Weil) có thể gây tử vong. Ở thể bệnh nặng, người bệnh bị sốt cao kéo dài, rét run, đau cơ, vàng da, vàng mắt, tiểu vàng sậm, xuất huyết da niêm, dẫn tới suy gan thận cấp.
Bệnh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira (Leptospirosis) là bệnh của động vật, chủ yếu là loài gậm nhấm và gia súc, lây truyền cho con người. Bệnh có nguy cơ cao với những người thường xuyên làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc với động vật, ví dụ như nông dân, thợ may, bác sĩ thú y, công nhân chế biến cá, nông dân sản xuất bơ sữa… Đây cũng là bệnh nguy cơ với những người đi cắm trại hoặc những người tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời trong khu vực lây nhiễm, những người thường xuyên bơi, lội, di chuyển bằng bè trên hồ, sông bị nhiễm.
Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch tễ cao của bệnh xoắn khuẩn. Nghiên cứu dịch tễ học hồi cứu cho thấy trong giai đoạn 2002 – 2011, tổng số ca mắc xoắn khuẩn được ghi nhận tại Việt Nam là 369 ca và không có trường hợp tử vong.
Theo Sức khỏe & Đời sống, về phòng bệnh cần tích cực của cộng đồng và an toàn vệ sinh lao động bằng các biện pháp đơn giản (mang giày cổ cao khi lội ruộng, bùn sình, mang thêm găng tay khi phải dùng đến tay để thao tác).
Cần quản lý vật nuôi, tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra ao hồ gây ô nhiễm nước, tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, giám sát bệnh ở vật nuôi. Điều đặc biệt, không tắm ở ao hồ, sông, suối nhiễm bẩn.
Trúc Chi (t/h)