Sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội: Chỉ tại con bọ gậy!

Sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội: Chỉ tại con bọ gậy!

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 6, 08/09/2017 13:30

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan nào? Bởi xác định nguồn bệnh từ con muỗi, lăng quăng, kế hoạch phun thuốc rộng khắp, nhưng tại sao muỗi vẫn vo ve mọi nơi, mọi chỗ thả sức gây bệnh?

Phun hóa chất diệt muỗi, muỗi không chết

Thực tế cho thấy, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm tại Hà Nội, tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại khi dịch sốt xuất huyết năm nay trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, đến sớm hơn 3 tháng so với chu kỳ 30 năm qua. 30 năm qua, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, 10, 11 nhưng năm nay lại rơi vào tháng 7. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất diệt muỗi nhưng muỗi không chết cũng đang là mối nghi ngại của không ít người.

Trước câu hỏi của PV nhiều người băn khoăn về việc dập dịch của bộ Y tế chỉ mới mang tính chất bề nổi, chưa có chiều sâu, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), khẳng định, không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo trên giấy tờ, phía cục Y tế dự phòng cũng đã có video hướng dẫn người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, diệt lăng quăng, muỗi, bọ gậy... nên không thể có chuyện dập dịch chỉ mang tính “bề nổi”.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây đã là thành công vì năm nay dịch tới sớm. Bản thân ông cũng rất lo lắng nếu dịch bùng phát trở lại.

“Theo tôi, dịch bùng phát nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, bên cạnh đó, Hà Nội lâu không có dịch nên giảm hết miễn dịch cộng đồng, thứ 3 là do sự giao lưu cộng đồng dân cư các tỉnh thành. Về vấn đề thuốc, tất cả đã có những kiểm định ngặt nghèo, trong đó chúng tôi có yêu cầu thực địa, khảo nghiệm trên tất cả các địa phương chứ không riêng gì Hà Nội. Vừa qua, sau quá trình phun hóa chất diệt muỗi, muỗi đã giảm hẳn, đó là hiệu quả”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Xã hội - Sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội: Chỉ tại con bọ gậy!

Ảnh minh họa.

 

Là đơn vị đã cử các đội xuống địa bàn để thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (bộ Y tế) cũng giải thích cặn kẽ việc phun hóa chất diệt muỗi nhưng muỗi không chết, vấn đề không nằm ở thuốc. “Qua đánh giá cho thấy, tại các phường được chọn làm điểm, chỉ số muỗi trước phun tương đối cao nhưng sau phun 24 giờ đồng hồ, tất cả chỉ số muỗi trưởng thành đều về 0”, PGS.TS Trần Như Dương nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Dương cũng đưa ra điểm lưu ý về chỉ số bọ gậy. Đây là điểm rất quan trọng vì trong quá trình phun phải làm đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao. Tại các điểm được chọn trên địa bàn TP. Hà Nội, sau phun hóa chất diệt muỗi, tỉ lệ bọ gậy giảm nhiều nhưng chưa triệt để. Chính vì thế, sau 24 giờ phun, tại các điểm đó không phát hiện muỗi, nhưng vì bọ gậy xử lý chưa triệt để nên chỉ sau vài giờ, những con bọ gậy già tuổi có thể nở ra và lại tràn vào nhà.

“Điều đó giải thích cho việc vì sao, người dân có thể thấy việc phun hóa chất diệt muỗi không hiệu quả. Nhưng đó là do bọ gậy chưa được diệt triệt để, không phải do thuốc không hiệu quả. Vấn đề ở đây, phải diệt hết bọ gậy mới mang tính bền vững”, PGS.TS Dương nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội về trách nhiệm của trung tâm Y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ sở Y tế Hà Nội cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng là đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan ứng phó trong tất cả các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, chứ không riêng gì dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong đợt vừa qua Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện công tác chống dịch bệnh.

Về vấn đề thuốc, ông Hạnh cho biết, loại thuốc phun diệt muỗi được thành phố sử dụng là Hantox 200 đạt tiêu chuẩn của bộ Y tế. Trước một số thông tin phản ánh về thuốc diệt muỗi giả đang bày bán trên thị trường, sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đưa ra ý kiến, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu  hiệu chững lại, thậm chí giảm xuống nhưng không phải do chúng ta phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả mà do thời tiết đã nắng ráo hơn. Nơi nào có nắng, gió sẽ không có muỗi, chúng ta phải tận dụng điều đó.

TS. Khải cũng đặt ra câu hỏi về việc phun thuốc diệt muỗi nhưng muỗi không chết, có hay không chuyện thuốc giả, kém chất lượng bởi lẽ trước đây, các hộ gia đình vẫn thuê người phun thuốc diệt muỗi rất hiệu quả. Theo TS. Khải, rõ ràng thuốc phun không có tác dụng và liệu có phun thuốc đúng liều lượng không hay giống như câu chuyện tiêm vacxin? Và đơn vị nào sẽ kiểm tra liều lượng cũng như kiểm định loại hóa chất diệt muỗi mà chúng ta đang sử dụng để công bố rộng rãi trong toàn dân?

“Để dịch bùng phát như thời gian qua tại Hà Nội thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND TP. Hà Nội khi chưa thể vận động dân tự sống sạch sẽ, tự bảo vệ sức khỏe của mình. Vẫn còn tình trạng đường phố bẩn, các khu ổ chuột nhiều, các bãi rác xuất hiện ở cả ngoài đường lớn.

Thêm vào đó, lỗi của bộ Y tế, của UBND TP.Hà Nội là không hướng dẫn mọi người tự phòng và dập dịch mà chỉ là công văn và phun thuốc diệt muỗi; chưa tổ chức dập dịch một cách nghiêm chỉnh và đúng quy luật tự nhiên”, TS. Nguyễn Văn Khải nói thêm.

Nguyễn Huệ - Nhất Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.