Ngày 20/4, tàu vũ trụ hình kén SpaceX Crew Dragon đã bất ngờ phát nổ trong cuộc thử nghiệm định kỳ dưới mặt đất tại Canaveral, Florida, Mỹ. Vụ tai nạn khiến ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Mỹ chấn động.
Ngay sau đó, một cuộc điều tra quy mô nhằm xác định nguyên nhân vụ nổ đã được chính quyền Mỹ thông qua.
Một nhóm điều tra tai nạn bao gồm: SpaceX, NASA, cục Hàng không Liên bang, Không quân Hoa Kỳ và ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã thu thập các mảnh vỡ từ vụ nổ và máy đẩy SuperDraco của con tàu này. Ngay sau đó, các nhà điều tra đã chuyển toàn bộ những gì thu thập được đến cơ sở phát triển của công ty ở McGregor, Texas để thử nghiệm.
Và, hôm thứ Hai vừa qua, SpaceX đã tiết lộ nguyên nhân vụ tai nạn. Theo đó, vụ nổ được xác định bắt nguồn từ sự cố rò rỉ tại hệ thống điều áp của tàu. Cùng ngày, các nhà nghiên cứu của SpaceX cũng đưa ra bản phác thảo cách rò rỉ trong hệ thống điều áp của con tàu trên.
Theo bản phác thảo này, sự cố rò rỉ khiến một loại chất oxy hóa lỏng - nitơ tetroxide, hoặc NTO - tiếp xúc với van titan. Tuy nhiên, kết luận này khiến nhiều người ngạc nhiên. Chính SpaceX cũng khá bất ngờ trước kết quả này.
Đại diện của SpaceX thông tin: "Điều đáng chú ý là phản ứng giữa titan và NTO ở áp suất cao là điều khó xảy ra. Titanium đã được sử dụng một cách an toàn trong nhiều thập kỷ và trên nhiều tàu vũ trụ từ khắp nơi trên thế giới".
Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại ông Hans Koenigsman, Phó Chủ tịch Phụ trách trong việc xây dựng và đảm bảo độ tin cậy của các chuyến bay tại SpaceX nhấn mạnh, nguyên nhân vụ tai nạn hoàn toàn nằm ở hệ thống điều áp và không liên quan gì đến lỗi động cơ.
Ông cũng tiết lộ, công ty sẽ thay thế các van bằng các đĩa nổ có khả năng bịt kín hoàn toàn để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, Glen Meyerowitz, cựu kỹ sư của SpaceX lại cho rằng, sự thay đổi này có thể làm giảm khả năng tái sử dụng của tàu vũ trụ.
"Tùy thuộc vào cách thức, vị trí lắp đặt, các đĩa nổ có thể rất khó tháo và thay thế nếu bị hư hỏng", người này cho hay.