Sri Lanka hôm 13/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống Rajapaksa và phu nhân bỏ trốn đến Maldives vài giờ trước khi ông từ chức. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã trở thành Tổng thống tạm quyền.
Vài giờ sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi Sri Lanka vào đầu ngày 13/7, Văn phòng Thủ tướng nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Động thái này diễn ra ngay khi hàng nghìn người biểu tình đã xông vào khu văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe - người đã được bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền, một lần nữa kêu gọi ông từ chức, trong khi cảnh sát đáp trả bằng hơi cay.
"Thủ tướng với tư cách là quyền Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh phía Tây", ông Dinouk Colombage, người phát ngôn của Thủ tướng Sri Lank, nói với Reuters.
Theo ông Colombage, lệnh giới nghiêm sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Tỉnh phía tây của Sri Lanka bao gồm cả thủ đô Colombo.
Ông Rajapaksa chạy khỏi Sri Lanka
Trước đó, hôm 13/7, một quan chức quản lý xuất nhập cảnh cho biết, Tổng thống Rajapaksa và phu nhân cùng với 2 vệ sĩ đã rời đất nước trên một chiếc máy bay của Không quân Sri Lanka. Một nguồn tin chính phủ cho biết, máy bay đã hạ cánh xuống thủ đô Male của Maldives. Điều này sau đó đã được Không quân Sri Lanka xác nhận.
Việc ông Rajapaksa bỏ ra nước ngoài diễn ra sau nhiều tháng biểu tình ở Sri Lanka, nơi đang chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, và đỉnh điểm là những người biểu tình xông vào dinh thự chính thức của Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka hôm 9/7.
Sự giận giữ của công chúng đã buộc ông Rajapaksa phải lẩn trốn và dẫn đến việc ông đồng ý từ chức vào ngày 13/7 để dọn đường cho một "quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
Ông Rajapaksa đang phải đối mặt với một số cáo buộc hình sự và người ta tin rằng ông đã rời khỏi đất nước trước khi từ chức và mất quyền miễn trừ của tổng thống.
Việc Tổng thống Rajapaksa bỏ trốn ra nước ngoài chấm dứt quá trình cầm quyền của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh, vốn đã thống trị nền chính trị ở quốc gia Nam Á này trong 2 thập kỷ qua.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Theo hiến pháp Sri Lanka, sau khi Tổng thống từ chức, Thủ tướng sẽ đảm nhận vai trò này.
Ông Wickremesinghe, người đang giữ chức quyền Tổng thống, cũng sẽ từ chức nếu đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ mới.
Nhiều khả năng Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ điều hành đất nước cho đến khi một Tổng thống mới được bầu. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 20/7.
Lãnh đạo của đảng đối lập chính, ông Sajith Premadasa, người đã thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 trước ông Rajapaksa, cho biết ông sẽ tranh cử vị trí này. Một số thành viên của đảng cầm quyền hiện tại cũng đã đưa ra ý tưởng về việc ông Wickremesinghe sẽ chính thức tranh cử Tổng thống.
Người dân muốn có trách nhiệm giải trình
Phóng viên của Đài DW (Đức) ở Colombo, Manira Chaudhary cho biết: “Những người mà tôi đã nói chuyện cùng cho biết rằng họ rất vui vì ông Gotabaya Rajapaksa cuối cùng đã quyết định từ chức Tổng thống, nhưng họ cũng muốn ông ấy phải chịu trách nhiệm về tất cả các cáo buộc tham nhũng và quản lý ngân quỹ yếu kém”.
Nhưng công chúng cũng rất không ủng hộ ông Wickremesinghe, người đang tạm thời nắm quyền lãnh đạo đất nước theo hiến pháp.
Chính phủ mới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Sri Lanka, nhưng trước khi có thể ổn định kinh tế, phải đạt được ổn định chính trị, phóng viên Chaudhary cho biết. "Con đường phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng họ cần một chính phủ ổn định".
Phóng viên của DW cũng cho biết, chính phủ cần thu xếp các điều kiện cứu trợ với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và cơ cấu lại khoản nợ khổng lồ của đất nước, cũng như giảm lạm phát.
“Điều rất quan trọng là, như mọi người đề xuất, họ cần một mô hình rất minh bạch để cho thấy tất cả các khoản viện trợ sẽ được sử dụng đúng đắn vì niềm tin của công chúng vào chính quyền đã giảm đi rất nhiều”, phóng viên Chaudhary giải thích.
Khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka
Nền kinh tế của đảo quốc Nam Á đã bị tàn phá bởi đại dịch toàn cầu, dẫn đến việc đóng cửa ngành du lịch.
Lượng kiều hối cạn kiệt, cùng với một loạt các đợt cắt giảm thuế đã khiến Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.
Chính phủ đã sử dụng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho các hoạt động nhập khẩu thiết yếu. Tình trạng thiếu lương thực, khí đốt, nhiên liệu và thuốc men đã khiến công chúng nổi giận đối với chính phủ với những cáo buộc về quản lý yếu kém, tham nhũng và chuyên quyền.
Các cơ quan xếp hạng, lo ngại về tình hình tài chính của chính phủ và không có khả năng trả các khoản nợ nước ngoài lớn, đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka từ năm 2020 trở đi. Điều này khiến đất nước bị đóng băng khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết, lạm phát ở đất nước này đã đạt 54,6% vào tháng trước và có thể tăng lên thành 70%.
Minh Đức (Theo DW)