Sri Lanka mới đây đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp về việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đang nhanh chóng lan khắp nước này. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quốc đảo vùng Nam Á đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.
Bộ Phụ nữ và Trẻ em Sri Lanka cho biết đang tìm kiếm các nguồn tài trợ tư nhân để hỗ trợ hàng trăm nghìn trẻ em trong tình trạng gầy còm do không đủ thức ăn. Trong bối cảnh rơi vào vỡ nợ và khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka đã không thể duy trì được phúc lợi.
Ông Neil Bandara Hapuhinne, Thư ký Bộ Thương mại Sri Lanka, chia sẻ với các phóng viên tại thủ đô Colombo rằng: "Các vấn đề đã trở nên tồi tệ trong thời gian đại dịch Covid-19 đỉnh điểm, nhưng hiện tại tình hình còn trầm trọng hơn nhiều trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế”.
Ông Hapuhinne trích dẫn dữ liệu thống kê quốc gia cho thấy 127 nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng trong tổng số 570 nghìn trẻ em cả nam và nữ dưới 5 tuổi vào giữa năm 2021. Kể từ đó, ông ước tính các con số đã tăng lên nhiều lần do tác động của lạm phát cao cũng như tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Ông Hapuhinne cho biết số người nhận tài trợ trực tiếp của nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, với hơn 90% dân số hiện phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ.
Lạm phát của Sri Lanka trong tháng 7 đã chạm mức 60,8% theo phép đo lường chính thức, nhưng các nhà kinh tế tư nhân đánh giá lạm phát nước này có thể đã cao hơn 100% và chỉ đứng sau mức lạm phát của Zimbabwe, theo Channel News Asia.
Dưới sự điều hành của tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe, chính phủ Sri Lanka hiện đang đàm phán cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hôm 31/7, Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cho biết ông Wickremesinghe đã chính thức mời các nghị sỹ thành lập một chính phủ đoàn kết có sự tham gia của tất cả các đảng nhằm vực dậy nền kinh tế đang vỡ nỡ bằng cách thực hiện những cải cách.
Ông Wickremesinghe tuyên bố: "Trên cương vị là tổng thống, tôi muốn bắt đầu một hành trình mới. Tôi muốn tập hợp tất cả các bên, tiếp tục hành trình này và thành lập một chính phủ có sự tham gia của tất cả các đảng phái".
Tổng thống cho biết nền kinh tế Sri Lanka có thể sẽ suy giảm 7% trong năm nay nhưng sẽ hồi phục vào năm tới. Ông Wickremesinghe khẳng định: "Tôi đang nỗ lực tái thiết nền kinh tế, hướng đến có thể tăng trưởng vào năm 2023 và 2024".
22 triệu người dân của quốc đảo này đã phải trải qua tình trạng cắt điện kéo dài, xếp hàng dài để mua nhiên liệu, tình trạng thiếu hụt thuốc men và lương thực thiết yếu. Vào tháng trước, cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước và từ chức sau khi hàng nghìn người biểu tình phẫn nộ bởi khủng hoảng kinh tế đã xông vào dinh thự của ông.
Phạm Hà Thanh (theo Channel News Asia)