Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka mới đây đã tuyên bố với các nhà lập pháp tại quốc hội rằng nước này đã vỡ nợ. Ông dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của Sri Lanka sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối năm sau.
Ông Wickremesinghe cho biết kết quả đàm phán của gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ thuộc vào việc nước này hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu nợ với các chủ nợ vào tháng 8 tới.
Thủ tướng Sri Lanka chia sẻ về các cuộc thảo luận với IMF gần đây: "Tình hình bây giờ đã khác trước. Trước đây, chúng tôi tham gia thảo luận với tư cách một quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đàm phán với tư cách một quốc gia vỡ nợ. Do đó, chúng tôi phải đối mặt với tình huống khó khăn và phức tạp hơn".
Ông Wickremesinghe đã giải thích về một lộ trình để Sri Lanka có thể phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, được xem là trầm trọng nhất của kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948.
Ông Wickremesinghe phát biểu: "Do đất nước đang lâm vào tình hình vỡ nợ, chúng tôi phải đệ trình riêng cho IMF một kế hoạch về tính bền vững của nợ. Chúng tôi chỉ có thể đạt được thỏa thuận khi IMF chấp nhận kế hoạch đó".
Quốc đảo với 22 triệu dân ở Ấn Độ Dương này đã trải qua nhiều tháng lạm phát cao và cắt điện triền miên, chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Trước thông tin trên, chính phủ Anh kêu gọi người dân không nên du lịch đến Sri Lanka. Cõng trên lưng gánh nợ nước ngoài hơn 50 tỷ USD (48,5 tỷ Euro), Sri Lanka hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản như thuốc men, khí đốt, nhiên liệu và thực phẩm.
Vào tháng 6, Sri Lanka đã phân bổ nguồn cung nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu như vận tải, y tế và giao hàng thực phẩm trong nỗ lực "bảo tồn lượng dự trữ ít ỏi mà chúng tôi có", chính phủ nước này cho biết.
Nhiều trường học tại Sri Lanka đã đóng cửa cả tuần và nhân viên làm việc trong các dịch vụ không thiết yếu bị yêu cầu ở nhà. Lạm phát tại Sri Lanka trong tháng 6 đã nhảy lên mức kỷ lục mới, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phạm Hà Thanh (theo DW, CNA)