Hối hả, suy tư và đầy mâu thuẫn
Dù không phải lần đầu tiên tới Nhật Bản nhưng tôi cùng các thành viên trong đoàn đại biểu SSEAYP 45 vẫn có những ấn tượng mạnh mẽ sau 10 ngày sinh sống, tiếp xúc với nền văn hóa và con người của quốc gia Đông Á này.
Vẫn giống như lần đầu tôi được tới Nhật Bản, đất nước này thực sự khiến tôi phải khẩn trương để thích ứng với lịch trình chính xác đến từng phút, thậm chí từng giây, cho mỗi hoạt động mà chúng tôi tham gia.
Vào những đêm đầu tiên lang thang trên đường phố ở Thủ đô Tokyo, tôi khá “choáng” vì thấy hàng dài những người Nhật lũ lượt kéo nhau đi bộ từ chỗ làm về nhà. “Hoặc cũng có thể họ đang đi gặp một người bạn, hay đối tác nào đó”, tôi nghĩ, nhưng vẻ mặt ai cũng hầu như không cảm xúc, chân rảo bước nhanh chóng, vội vàng.
Có người theo thói quen luôn nhìn đồng hồ để xem giờ, mà tôi đoán là họ sợ trễ chuyến tàu cuối cùng, có người lại chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại đầy rặt chữ nghĩa để cập nhật những tin tức mà họ bỏ lỡ trong lúc làm việc, chưa có thời gian đọc. Ai cũng hối hả, khiến tôi có cảm giác như mình là người duy nhất bước đi thong dong trên con phố đông đúc khi ấy.
Đang đắm chìm trong suy nghĩ đó thì tôi bắt gặp một khoảng không gian trống có dựng một căn nhà kính, bên trong có một đám người cả nam cả nữ đang hút thuốc lá. Họ nói chuyện với nhau, phì phèo trong khói thuốc, vẻ mặt ai cũng suy tư, trầm lắng. Tôi bất giác vui mừng với suy nghĩ rằng, mình đã tìm được một góc ở Tokyo nơi người ta “chậm” lại một chút, nhưng vẫn luôn băn khoăn suy nghĩ rằng, người thành thị Tokyo họ đang cảm thấy như thế nào.
Một điều khiến tôi luôn băn khoăn là ở một quốc gia như Nhật Bản, tại sao tiếng Anh lại trở nên xa lạ như thế, trong khi đây là thứ ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý song tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi người bán hàng trong một cửa hàng tiện lợi loay hoay “cầu cứu” hết đồng nghiệp này tới đồng nghiệp khác để tìm món hàng mà tôi muốn mua trong khi tôi giao tiếp bằng tiếng Anh đơn giản.
Ba ngày đầu tiên, ấn tượng trong tôi về Nhật Bản có thể gói gọn lại trong 2 từ hối hả, suy tư, và đâu đó có chút khó hiểu, mâu thuẫn. Đó là những hình ảnh trong tâm trí tôi về xã hội Nhật Bản, một xã hội công nghiệp, mọi người chỉ biết đến làm việc và cuốn mình vào trong guồng máy ấy từ ngày này qua ngày khác. Họ chăm chỉ làm việc và học hành, nghiên cứu nhưng dường như có vẻ không ít người lại không quan tâm đến sự cần thiết của tiếng Anh, dù họ tham vọng rằng tới năm 2020, sẽ có 20 triệu khách du lịch quốc tế tới Nhật mỗi năm. Nhật Bản do đó tới nay trong mắt tôi vẫn đầy mâu thuẫn.
Kỷ luật và văn minh
Tới ngày thứ tư, đoàn của chúng tôi được chia ra thành các nhóm nhỏ để đi tàu cao tốc shinkansen tới 11 tỉnh khác nhau. Tàu shinkansen được coi là niềm tự hào của người Nhật, là thành quả sau hàng chục năm nghiên cứu của các kỹ sư, với vận tốc có thể lên tới 500km/h - tốc độ mà người ta thông thường chỉ nghĩ đến những chiếc máy bay như Boeing, Airbus... Vẫn đúng phong cách của người Nhật, giờ tàu chạy chính xác đến từng giây, khiến chúng tôi không ai dám chậm trễ.
Trên tàu Shinkansen, chúng tôi bắt gặp khung cảnh tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Những hành khách, mặc dù có quen biết nhau, cũng đều rất hạn chế nói chuyện, hoặc nếu có nói thì cũng với âm lượng rất nhỏ, trong khi số còn lại đọc sách, nghe nhạc hoặc ngủ. Trong đầu tôi khi đó có suy nghĩ rằng, phải chăng họ đang quá căng thẳng với công việc hay chuyện học hành nên chỉ muốn tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn trong những giờ phút ít ỏi trên tàu?
Nhưng tôi đã lầm, sau này hỏi chuyện thêm tôi mới biết người Nhật tránh tối đa việc phát ra tiếng động nơi công cộng. Thậm chí, điện thoại của họ còn có chế độ “manner mode”. Đây là cụm từ mà người Nhật dùng để thay thế cho từ “silent mode” – tức chế độ im lặng, bởi theo họ, tôn trọng người khác là thể hiện bản thân có cách hành xử (manner) văn minh. Nếu có ai gọi điện thoại tới trong lúc người Nhật đang đi tàu hay ở chỗ công cộng, họ sẽ nói rất nhanh và khá nhỏ, sau đó hẹn gọi lại sau để tránh làm phiền những người xung quanh.
Yên bình và tinh tế
Rời xa Tokyo, tôi cùng các bạn đại biểu khác về tỉnh Okayama, ở phía Tây Nhật Bản. Nơi đây thực sự đánh tan những suy nghĩ trước đó của tôi. Từ khi bước chân xuống Okayama, tôi nhận ra rằng rằng câu chuyện nơi đây và câu chuyện ở Thủ đô là hoàn toàn khác nhau. Ở Okayama, cảnh vật và con người đều yên bình và chậm rãi hơn hẳn, nhịp sống cũng hài hòa dễ chịu hơn so với Tokyo.
Cũng tại đây, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm tắm onsen. Đây là một hình thức tắm khỏa thân tập thể truyền thống của người Nhật có từ xa xưa, nhằm tận dụng nguồn suối khoáng nóng tự nhiên do thiên nhiên ban tặng. Người Nhật đi tắm onsen để ngâm mình trong nước nóng và thư giãn cả về cơ thể lẫn tinh thần sau một ngày dài hoạt động. Có thử onsen mới biết rằng người Nhật cầu kỳ, kỹ lưỡng như thế nào, ngay cả trong việc thư giãn, nghỉ ngơi.
Trước khi ngâm mình xuống hồ nước khoáng nóng, mọi người đều phải tắm gội sạch sẽ bằng vòi hoa sen, sau đó mới xuống bồn ngâm. Ở các khu du lịch có onsen, du khách không được mặc quần áo khi tắm và khi di chuyển đến bồn tắm thì cần mặc bộ trang phục mỏng gọi là yukata.
Với onsen, người Nhật tin rằng giao tiếp khi đang ở trần khiến con người trở nên ngang hàng, đồng cảm và thân thiết hơn, phá bỏ mọi rào cản về vị trí, chức quyền, nghề nghiệp. Còn trong suy nghĩ của tôi, tắm onsen cũng là cách mà người Nhật khuyến khích mỗi cá nhân cảm thấy tự tin hơn vào chính mình, để mỗi người biết trân trọng và giữ gìn sức khỏe, cơ thể của chính bản thân.
Giao thoa giữa hiện đại và truyền thống
Trong khuôn khổ chương trình 10 ngày tại Nhật Bản, nhóm chúng tôi còn được đến thăm và tham gia các hoạt động tập thể cùng các em học sinh tại trường trung học Hibi của tỉnh Okayama. Tôi từng tìm hiểu về giáo dục Nhật Bản nhưng vẫn thấy ngạc nhiên với những gì mà các em học sinh thể hiện.
Chúng tôi được chào đón bằng phần trình diễn nhạc cụ truyền thống với 5 cây đàn hạc với giai điệu âm nhạc Nhật Bản thế kỷ 18 có hơi hướng dân gian, cùng với đó là điệu múa truyền thống soran bushi. Chúng tôi cũng bắt gặp điệu múa này rất nhiều trong thời gian ở Nhật Bản sau đó, khi tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng đây là điệu múa mà hầu như người dân Nhật nào cũng biết.
Thế mới thấy người Nhật dù là đất nước hiện đại với những tàu siêu tốc shinkansen hay những robot thông minh nhưng họ vẫn chú trọng tới văn hóa truyền thống đến thế nào.
Một điểm nữa khiến tôi nể phục đất nước Nhật Bản là cách họ giáo dục trẻ em. Sau chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao vào buổi sáng cùng các em học sinh, chúng tôi may mắn được cùng các em ăn trưa.
Tôi được đưa từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi các em nhỏ tự tay sắp xếp, ghép bàn ghế trong phòng học để tạo thành bàn ăn, trải khăn trải bàn, sau đó mỗi người một việc, em thì xếp bát đĩa, em thì múc cơm, em thì múc canh… và phân phối đều thức ăn cho cả lớp học. Tất cả mọi việc các em đều làm rất tự giác, trật tự và có phân công hợp lý, rõ ràng. Có lẽ vì chứng kiến các em tự chuẩn bị đồ ăn nên bữa trưa đó dù đơn giản nhưng trở nên rất đáng nhớ đối với tôi.
Sau khi chia tay các em nhỏ, chúng tôi tham gia chương trình homestay (ở cùng gia đình nuôi là người dân bản địa). Tôi may mắn được ở trong một ngôi nhà truyền thống kiểu Nhật, và được ngủ trong căn phòng đậm chất Nhật Bản mà tôi chỉ thấy trong cuốn truyện tranh Đô rê mon mà bản thân được đọc hồi nhỏ.
Mẹ nuôi của tôi là một người rất tỉ mỉ và chu đáo. Bà là người chuẩn bị bữa sáng, pha từng tách trà, đánh thức chúng tôi dậy vào mỗi sáng, thậm chí chuẩn bị cả chiếc khăn nhỏ cho tôi lau chân khi tôi được đưa đi ngâm chân ở bờ suối tại một khu du lịch.
Có lẽ vì vậy mà tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất chân thành. Dù việc gia đình nuôi không biết tiếng Anh là rào cản khá lớn trong giao tiếp giữa chúng tôi nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình thương ấm áp gia đình mà những người Nhật dành cho đứa con nuôi mới gặp lần đầu.
Tôi luôn tự thấy mình là một người may mắn khi có cơ hội trải nghiệm một cách chân thực nhất cuộc sống của người Nhật. Đối với tôi, Nhật Bản là một đất nước kỳ lạ. Kỳ lạ vì họ tỉ mỉ và tinh tế đến từng chi tiết, kỳ lạ vì cách mà những yếu tố hiện đại và truyền thống dung hòa một cách gần như hoàn hảo trong nền kinh tế top đầu của thế giới, kỳ lạ về cách người ta cư xử với nhau đầy văn minh hiện đại trong cuộc sống công nghiệp, nhưng cũng đầy tình yêu thương.
Kỳ tới: SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân: Thiên đường Brunei
Xem thêm: SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân và ghi chép của phóng viên báo Người Đưa Tin