Ở nhà truyền thống trên đất Phật
Thái Lan không phải đất nước quá xa lạ đối với tôi và tôi chắc là cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều người Việt trong những kỳ nghỉ. Nhưng quan niệm rằng không có chuyến đi nào giống với chuyến đi nào, bản thân tôi quyết định gạt ra khỏi đầu toàn bộ những điều bản thân đã biết về Thái Lan để có một trải nghiệm trọn vẹn tại xứ chùa vàng.
Ấn tượng đầu tiên phải kể tới là người Thái Lan. Không phải cho đến khi bước chân từ tàu Nippon Maru xuống đất liền tôi mới được tiếp xúc với người Thái. Trước đó, thông qua các hoạt động trên tàu, tôi đã cực kỳ thích thú khi được kết bạn với những người bạn Thái Lan. Họ luôn vui vẻ, hài hước nhưng cũng cực kỳ tình cảm, sâu sắc. Những bạn người Thái lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực và luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
Trong chuyến đi lần này, một trải nghiệm mới lạ mà tôi nghĩ rằng ít khách du lịch được trải qua khi thăm thú Thái Lan là được ở trong một ngôi nhà đúng kiểu truyền thống.
Nhà truyền thống của người Thái tương đối giống nhà sàn của người Việt, với các bậc cầu thang cố định. Theo quan niệm của người Thái, số bậc cầu thang phải luôn là số lẻ, vì số chẵn dễ đưa ma và những điều không may mắn vào nhà. Tương tự như vậy, các số phòng cũng phải ứng với số lẻ. Căn nhà thường được làm bằng tre, gỗ, rất kiên cố, vững chắc.
Là một quốc gia Phật giáo, bên trong mỗi ngôi nhà truyền thống của người Thái luôn có một bàn thờ Phật, cao ngang đầu, hướng mặt ra cổng, bên trên có bày bức tượng Phật nhỏ, luôn được dâng cúng hương, hoa mới. Đây cũng được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất ở trong ngôi nhà truyền thống Thái Lan, do đó mọi người trong nhà không được phép hướng chân về phía đó, dù là trong lúc ngủ hay trò chuyện.
Phần lớn người dân Thái Lan theo đạo Phật nên những chuẩn mực đạo đức, xã hội của người Thái đa phần dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật. Trong đó, có một điều mà tôi thấy rõ khi tham gia chương trình homestay (ở cùng người dân bản địa) tại Thái Lan đó là cách mà người Thái đối xử với cha mẹ của mình.
Gift, một người bạn Thái của tôi cho hay, theo quan niệm của người Thái Lan, bất hiếu được coi là tội lớn nhất của đời người. Do đó, từ khi còn nhỏ, trẻ em sẽ tham gia các khóa tu ngắn hạn hoặc dài hạn để cầu an, báo hiếu cho công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Người Thái tổ chức sinh nhật cho cha mẹ trong chùa, chuẩn bị cơm cúng, rửa chân và hôn chân cha mẹ, cầu mong cha mẹ an bình. Trong đời sống, họ cũng tôn trọng cha mẹ bằng những hành động cụ thể chứ không chỉ bằng tiền bạc, vật chất.
Thậm chí, đối với một số người, trong dịp sinh nhật của họ, họ sẽ xin nghỉ một ngày phép để chăm sóc cha mẹ. Đây là cơ hội để họ ở bên gia đình và làm mọi việc như đi chợ, nấu cơm, ăn uống và trò chuyện cùng cha mẹ. Sau đó một ngày, họ mới tổ chức các cuộc ăn mừng cùng bạn bè, đồng nghiệp, người yêu.
Khi được nghe kể tới đây, tôi bỗng giật mình nghĩ lại, thấy đôi lúc bản thân còn đối xử chưa phải với cha mẹ. Khi đó, nước mắt cứ dâng lên trên khóe mi khiến tôi nghẹn ngào nhận ra rằng chăm sóc cha mẹ khi còn sống mới là điều quan trọng. Sinh nhật lâu nay tôi mới chỉ nghĩ đến bản thân mà quên mất rằng cha mẹ mới là những người đưa tôi đến cõi đời này.
Tình yêu dành cho đức vua quá cố
Đến Thái Lan mới thấy tình yêu mà họ dành cho vị vua quá cố Bhumibol Adulyadej, người đã trị vì đất nước hơn 70 năm. Từ khi còn ở Brunei, khi chúng tôi tới thăm tòa soạn báo Pelita ở Bandar Seri Begawan, chị May người Thái đã bất ngờ bật khóc khi bắt gặp một mẩu tin về đức vua. “Chị nhớ nhà vua. Ông ấy như cha của người Thái, ngài đã giúp người Thái rất nhiều. Cho đến giờ, hình ảnh đức vua vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Thái”, chị May xúc động khi nhìn thấy hình ảnh nhà vua trên đất bạn.
Quả thực, người dân Thái Lan luôn dành sự tôn sùng thành kính với nhà vua Bhumibol Adulyadej như một người anh hùng dân tộc, đấng tâm linh mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và miền tin cho đất nước chùa vàng.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời từ năm 2016, nhưng đến nay, trên các đường phố Thái Lan, bên cạnh hình ảnh mới của người kế nhiệm ngai vàng vẫn còn rất nhiều hình ảnh của đức vua quá cố. Hình ảnh của đức vua tại chốn công cộng luôn được đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhìn thấy nhất, và trang trí với màu vàng hoàng cung lộng lẫy nhất để thể hiện sự trân trọng, thành kính.
Trong gia đình homestay người Thái mà tôi sống cùng, có rất nhiều các bức ảnh của đức vua Bhumibol Adulyadej được treo quanh nhà. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của ông trong lòng mỗi gia đình, mỗi người dân đang sinh sống tại đất nước này.
Hình ảnh của đức vua Bhumibol Adulyadej được in lên những tờ tiền của người Thái. Ở bất kỳ quốc gia nào, giẫm lên tiền đã là điều không hay, nhưng nếu làm điều này ở Thái Lan thì đó thậm chí còn là hành vi phạm pháp, bởi họ rất tôn sùng đức vua, do đó những tờ tiền in hình đức vua cũng phải được tôn trọng như vậy.
Quốc gia du lịch tuyệt vời
Nhắc tới Thái Lan, không thể không nhắc tới cách người Thái làm du lịch tuyệt vời thế nào. Trong suốt 3 năm qua, với cách làm độc đáo của mình, người Thái đã xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp du lịch ASEAN, vượt cả Malaysia. Khách du lịch có thể tìm thấy bất kỳ loại hình tham quan nào tại Thái Lan, từ nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm cho đến trải nghiệm cảm giác mạnh, phiêu lưu…
Thái Lan tận dụng mọi nguồn tài nguyên để phát triển ngành công nghiệp du lịch, từ biển đến rừng, từ nông nghiệp đến văn hóa, lịch sử, còn nếu không có sẵn thì sẵn sàng đầu tư chi tiền để xây dựng các khu du lịch để “đã mắt” khách tham quan.
Người Thái làm du lịch quy củ, có tính liên kết, hệ thống. Chính phủ miễn giảm thuế cho các công ty lữ hành, có những chính sách du lịch cực kỳ ưu tiên đối với khách nước ngoài, bởi họ xác định đây là nguồn thu ngoại tệ chính. Các trung tâm mua sắm giảm giá trực tiếp vào các tour du lịch cho khách. Những giá tour đi Thái Lan luôn nằm trong top rẻ nhất, được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, giống như ở bất cứ ngành nghề nào, yếu tố quyết định tới thành công của du lịch Thái Lan chính là con người. Từ những người bán hàng rong, lái xe tuk tuk cho đến những người cảnh sát, hay một người dân bình thường, họ luôn mỉm cười và thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ. Không ít thì nhiều, đa số những người này đều biết một chút tiếng Anh giao tiếp.
Điều tôi đặc biệt thích là mua đồ ở Thái Lan. Người bán hàng không hề nói thách với người nước ngoài, giá bán cho người Thái và người ngoại quốc là như nhau. Các mặt hàng giá cả rất phải chăng, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng, may mặc, với giá niêm yết rõ ràng. Trong thời gian đợi mua hàng, người bán hàng luôn biết cách trò chuyện cùng khách. Đối với những người lái xe ôm hay xe tuk tuk, họ chỉ mời một câu. Nếu khách từ chối, họ mỉm cười lịch sự, không chèo kéo.
Chính vì những ưu điểm trên mà khách du lịch quốc tế kéo đến Thái Lan ngày càng đông. Họ yêu mến con người Thái Lan, những điểm đến ở Thái Lan, và cách Thái Lan khiến cho quốc gia của mình trở nên hấp dẫn, đặc biệt, mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách.
Thái Lan mang lại cho tôi nhiều cảm xúc mới lạ qua chuyến đi lần này. Thái Lan trong tôi không chỉ là đồ ăn cay nóng, không chỉ là xe tuk tuk hay những ngôi chùa vàng lộng lẫy. Thái Lan khiến tôi thương mến cả vì con người nơi đây, luôn nhiệt thành, vui vẻ và giàu tình người.