Năm 2016 là năm thứ 11 của Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Năm nay, Giải thưởng Nhân tài đất Việt lĩnh vực CNTT có tổng cộng 260 sản phẩm tham dự, trong đó 17 sản phẩm thuộc hệ thống Sản phẩm CNTT thành công; 187 sản phẩm thuộc hệ thống sản phẩm CNTT Triển vọng và hệ thống sản phẩm ứng dụng trên thiết bị di động là 56 sản phẩm.
Trong số 20 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo nổi lên trong đó là ứng dụng Deep Learning và Big Data phục vụ phân tích tiếng Việt với độ chính xác cao của Công ty Infore Technology.
Hiện Infore đang ứng dụng Deep Learning và Big Data phục vụ phân tích tiếng Việt với độ chính xác cao. Sản phẩm hiện có của InfoRe là các hệ thống rà quét, phân tích nội dung thông tin trên các báo, trang tin điện tử, diễn đàn, blog và mạng xã hội Facebook ở Việt Nam. Ứng dụng của các hệ thống này rất đa dạng, hữu ích cho hằng chục bài toán Kinh doanh thông minh khác nhau của doanh nghiệp. Các dữ liệu mà Infore phân tích cũng giúp bổ trợ hiệu quả cho các hệ thống thông tin lớn như Máy tìm kiếm, Hệ thống phân phối quảng cáo, Hệ thống hỏi đáp...
Mục tiêu dài hạn của Infore là trở thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo hình thức cộng tác đa hướng, kết nối kiến thức, hiểu biết, khả năng nghiên cứu của những người Việt đang học tập, làm việc ở nước ngoài với các nhu cầu ứng dụng khoa học, kĩ thuật trong nước, giúp đẩy nhanh quá trình nhập khẩu công nghệ mới, tri thức mới về Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, anh Lê Công Thành SN 1983 – Giám đốc Công ty cho biết: “Infore Technology là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Học máy - Trí tuệ nhân tạo và Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, được thành lập từ năm 2012. Những người sáng lập Công ty đều là du học sinh Việt Nam tại các nước như Nhật, Úc, Pháp”.
“Với mong muốn xây dựng và phát triển đất nước chúng tôi cùng nhau lên ý tưởng và về Việt Nam thành lập Công ty. Dự án đầu tiên của chúng tôi là dự án phi lời nhuận. Một trang web mang tên Lietsi.com được thành lập, với mục đích xây dựng dữ liệu online cho các phần mộ liệt sĩ trên cả nước để người thân có thể dễ dàng tìm kiếm. Cho tới nay, ngày nào trang Lietsi.com cũng giúp người nhà tìm được phần mộ người thân mình đang thất lạc”, anh Thành chia sẻ.
“Với dự án tham dự Cuộc thi Nhân tài đất Việt lần này chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người biết đến dự án của mình”, vị Giám đốc trẻ tuổi tâm sự.
Khi được hỏi về những khó khăn khi trở về Việt Nam khởi nghiệp, anh Thành nói: “Khó khăn lớn nhất của bọn anh khi bắt đầu khởi nghiệp là sự mơ mộng về thị trường và về cách vận hành doanh nghiệp. Tất cả các sáng lập viên của công ty đều là những người làm công nghệ, không có kiến thức về thị trường, về tài chính, về quản trị kinh doanh... Vì thế công ty gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình bắt đầu. Thậm chí, tại thời điểm sáng lập còn không nghĩ tới chuyện đi kêu gọi vốn đầu tư mà chỉ nghĩ làm được công nghệ tốt sẽ đi bán, kiếm tiền để đầu tư cho Công ty. Sau mới thấy làm vậy rất khó và gần như trong 1 năm đầu Công ty không thể phát triển nổi”.
Năm 2016 được chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, rất nhiều những người trẻ tuổi cũng đã và đang có những dự án, ý tưởng của riêng mình. Anh Lê Công Thành cho rằng: “Startup là một mô hình phát triển doanh nghiệp dựa trên sự tối ưu về tốc độ gia tăng giá trị của doanh nghiệp (nghĩa là người ta làm sao tìm cách trong thời gian ngắn nhất, giá trị của doanh nghiệp tăng trưởng cao nhất). Nó khác hẳn mô hình kinh doanh thông thường, khác hẳn việc khởi sự kinh doanh thuần túy. Vì vậy để có thể startup được thì ngoài các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ngoài các công nghệ mạnh mẽ còn cần phải sở hữu kinh nghiệm kinh doanh và mô hình vận hành doanh nghiệp thực sự đặc biệt. Bằng không startup rất dễ thất bại”.
Nằm trong chuỗi các chương trình của "Năm quốc gia khởi nghiệp". Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021 và Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp, đồng thời có cuộc nói chuyện, đối thoại với hơn 1.000 sinh viên về chủ đề này.
Trong bài phát biểu trước thanh niên, sinh viên, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ quyết tâm để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Giải đáp câu hỏi tại sao Chính phủ kiến tạo hiện nay quan tâm đến Chương trình thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chương trình khởi nghiệp vừa là mục tiêu đột phá, vừa là phương thức, phương tiện thực hiện 3 đột phá chiến lược đó.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã làm cả thế giới ngưỡng mộ về khả năng tổng động viên sức mạnh ý chí toàn dân khi đất nước lâm nguy để giải phóng dân tộc, thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể động viên người dân khởi nghiệp sáng tạo, làm kinh tế, xây dựng đất nước, chinh phục thị trường thế giới, xác lập chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu hóa.
Công Luân