Sự bí ẩn đặc biệt của một triển lãm

Sự bí ẩn đặc biệt của một triển lãm

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 5, 05/07/2018 18:22

Hiến, tặng mô tạng là nghĩa cử cao đẹp hướng tới một mục đích “cho đi là còn mãi”; để hồi sinh một cuộc đời khác chứ không phải “còn mãi” trong một triển lãm bán vé 200 ngàn/lượt, phục vụ người nghiên cứu y học thì ít mà người tò mò thì nhiều.

Kính gửi sở VH - TT TP.HCM!

Trong bối cảnh các hội chợ, triển lãm đều phải nỗ lực quảng bá, tìm lối đi riêng nếu không muốn rơi vào cảnh đìu hiu, ế khách, việc triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận là tín hiệu đáng mừng cho bộ phận bán vé.

Còn với riêng với đơn vị cấp phép cho triển lãm - không nơi nào khác ngoài quý sở, điều này chưa chắc đã đem lại danh tiếng và sự ngưỡng mộ, đặc biệt là sau khi bộ Văn hóa yêu cầu báo cáo về triển lãm này.

Nghệ thuật vốn không có chuẩn mực, khuôn đúc; mỗi người ắt sẽ có một cái nhìn riêng. Nhưng cá nhân tôi thì không ngấm nổi thông điệp cao cả mà buổi triển lãm hướng tới. Mà khoan, đây có được coi là nghệ thuật?

Cafe8 - Sự bí ẩn đặc biệt của một triển lãm

 

Dù cố gắng gạt đi suy nghĩ về những xác người đang hiện diện ngay trước mắt, tôi vẫn thấy lạnh sống lưng khi mường tượng ra quá trình sản xuất mẫu vật.

Nghĩa tử là nghĩa tận, đạo lý của người Việt chưa bao giờ coi nhẹ cái chết nói chung và người chết nói riêng. Dù ban tổ chức có lý giải thế nào đi chăng nữa thì đó vẫn là những bộ phận, cơ thể của những người đã khuất.

Tín ngưỡng dân gian còn tin vào sự tồn tại của linh hồn và nơi trú ngụ của linh hồn. Từ bao đời nay người Việt đã nghiêm cẩn thắp nén nhang để nhớ, để thưa, để mời Tổ tiên về sum họp, chứng kiến sự trưởng thành của con cháu.

Tôi chợt nhớ tới ngày Nội mất, mấy cô bác họ hàng từ xa về dè dặt hỏi: “Cụ chịu hỏa táng chứ?”. Chẳng ai dám làm trái nguyện vọng của một người về cơ thể của họ, kể cả khi họ đã không tồn tại trên cõi đời này nữa.

Kỳ lạ thay, tuy cho biết các mẫu vật được trưng bày trong triển lãm là hợp pháp song đơn vị tổ chức lại không tiết lộ nguồn gốc.

Thật nực cười khi cho rằng triển lãm sẽ khích lệ người dân hiến, tặng mô tạng – một nghĩa cử cao đẹp hướng tới một mục đích “cho đi là còn mãi”; để hồi sinh một cuộc đời khác chứ không phải “còn mãi” trong một triển lãm bán vé 200 ngàn/lượt, phục vụ người nghiên cứu y học thì ít mà người tò mò thì nhiều.

Và cứ cho toàn bộ những cơ thể trưởng thành đều hợp pháp, đều là sự đóng góp tự nguyện của người đã khuất. Vậy thì những hài nhi được ướp trong bình thuỷ tinh, đặt trong ổ bụng của một người mẹ hoặc nằm chỏng chơ trên kệ trưng bày, tự hỏi các con có đồng ý “hiến tặng” cơ thể mình cho triển lãm hay không?

Điều đáng buồn nhất trong câu chuyện này là phản hồi khiến bàn dân thiên hạ ngả ngửa từ phía quý sở. Cụ thể, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM chia sẻ trên tờ Thanh Niên rằng không thể có chuyện triển lãm xác người thật vì hồ sơ xin cấp phép ghi chất liệu mẫu vật là nhựa.

"Toàn bộ là sợi polymer hết", ông Nam khẳng định. Hơn 10 ngày mở cửa triển lãm, hơn 6.000 lượt khách đến tham quan, nhiều báo đài đưa tin về những mẫu vật người thật và cả công nghệ bảo tồn xác người Plastination do tiến sĩ người Đức Gunther Von Hagens phát minh vậy mà các vị vẫn bình tĩnh phủ nhận?

Vậy muốn biết xuất xứ, bí mật liên quan đến mẫu vật chúng tôi phải hỏi ai đây?

T.C

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.