Xung quanh vụ việc sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long (thôn 4, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có lối sống xa hoa, làm mất lòng người dân, và còn tự ý tráo đổi tượng cổ hàng trăm năm tuổi bằng một tượng mới, người dân nơi đây ngày càng bất bình với vị sư này.
Người dân xã Chàng Sơn căng khẩu hiệu yêu cầu nhà sư trụ trì trả lại tượng cổ đã biến mất khỏi chùa để thay vào đó là tượng "chân dung" của sư.
Ngày 24/11, nhiều người dân xã Chàng Sơn cho biết đã đồng lòng lập một lá đơn, gửi đển các cấp chính quyền xã và huyện. Nội dung của lá đơn bao gồm việc đề nghị chính quyền có biện pháp bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia là ngôi cổ tự Chân Long, đồng thời trục xuất sư trụ trì là Thích Minh Phượng khỏi địa phương.
Anh Phí Chín (thôn 5, xã Chàng Sơn) cho biết: “Tôi là một trong những người đầu tiên ký vào lá đơn này. Hiện tại, nhân dân 7 xã Chàng Sơn đều đồng lòng với nội dung trong đơn.
Trong lá đơn này đã có tên của trưởng thôn, phó thôn, bí thư chi bộ, hội cựu chiến binh tại các thôn. Đồng thời, đơn cũng đã được gửi đến Mặt trận Tổ quốc xã, Đảng ủy xã và nhận được sự hưởng ứng. Cả xã chúng tôi nhất trí mời sư Phượng ra khỏi chùa”.
Băng rôn, biểu ngữ kêu cứu, đuổi sư treo kín cổng chùa Chân Long.
Ông Điệp (gần 70 tuổi, thôn 4, xã Chàng Sơn) chia sẻ: “Từ ngày sư Phượng về chùa, thành lập đạo tràng riêng đã khiến dân làng chúng tôi mâu thuẫn với nhau. Tuy cả làng, cả xã thống nhất không muốn có sự hiện diện của nhà sư này tại địa phương, nhưng vẫn còn một bộ phận những người dân trong đạo tràng hết lòng bảo vệ sư Phượng”.
“Từ hôm 5/11, sư Phượng rời khỏi chùa, đến ngày 15/11 có quay trở về chùa đòi mang ô tô đi nhưng nhân dân không đồng ý, ông này lại bỏ đi. Nhưng nhiều người dân trong xã chúng tôi vẫn thấy ông này thi thoảng đi về địa phương, thường qua lại với những người trong đạo tràng. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền giải quyết nhanh chóng vụ việc, để người dân yên ổn làm ăn, không phải bỏ sức bỏ công ra trông chùa, canh sư nữa”.
Được biết, hiện cửa chùa thường xuyên khóa kín, chỉ mở vào ngày rằm, mùng một. Còn bình thường, muốn vào thăm chùa, phải báo cáo chính quyền xã, nếu hợp lý thì xã mới cho người giữ chìa khóa mở cửa để vào.
Theo Đất Việt