Ngày 8/6, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Cà Mau cho biết, các yếu tố môi trường tại điểm xảy ra sự cố rò rỉ khí gas tại trạm Tiếp bờ của công ty Khí Cà Mau đã không còn ô nhiễm, các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân có thể diễn ra bình thường.
Theo ông Dũng, kết quả phân tích mẫu đợt đầu cho thấy, thông số dầu mỡ khoáng trong 3 mẫu nước mặt vượt Quy chuẩn Việt Nam QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 về chất lượng nước mặt từ 3,8- 53,6 lần. Qua đó, cho thấy việc xả khí có ảnh hưởng đến môi trường nước mặt.
Đến ngày 24/5, sở TN&MT tiến hành lấy 4 mẫu nước mặt, 3 mẫu không khí xung quanh, 1 mẫu nước mưa (lấy tại dụng cụ chứa nước mưa của người dân – PV) và 3 mẫu đất trong khu vực bị ảnh hưởng. Kết quả, 4 mẫu nước mặt; tất cả thông số của 3 mẫu không khí xung quanh; các thông số trong mẫu nước mưa và 3 mẫu đất đều nằm trong giới hạn cho phép.
Riêng thông số chất rắn hòa tan vượt 1,5 lần; thông số dầu mỡ khoáng 0,42mg/l xuất hiện trong nước mưa, theo nhận định của sở TN&MT, có thể do mái nhà, các dụng cụ chứa nước còn dính lại một ít lớp màng do vụ việc xả khí gây nên nhưng nồng độ không cao.
Qua kết quả phân tích trên, sở TN&MT tỉnh Cà Mau nhận thấy, môi trường nước mặt trở lại bình thường, không còn ô nhiễm; người dân có thể lấy nước mặt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động khác; môi trường không khí từ sau vụ đến nay không có dấu hiệu ô nhiễm.
Về nước mưa, theo nhận định thì người dân có thể sử dụng nước mưa phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiền cần làm vệ sinh lại mái nhà, vật dụng chứa nước để loại bỏ chất nhờn (còn bám lại sau vụ xả khí)…
Trước đó, rạng sáng 8/5, trạm Tiếp bờ của công ty khí Cà Mau gặp sự cố, khí gas bị rò rỉ ảnh hưởng hàng chục hộ dân xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Sau đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã xuống khảo sát, lấy 3 mẫu nước mặt và 2 mẫu không khí xung quanh khu vực bị ảnh hưởng để phân tích các thông số môi trường, làm cơ sở đánh giá mức độ ô nhiễm.