Sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để “vực” nền kinh tế

Sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để “vực” nền kinh tế

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 29/10/2021 20:13

Theo Chủ tịch Quốc hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cốt lõi cho sự phát triển bền vững

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu năm 2020 không bị tác động bởi đại dịch Covid-19 thì các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020 đều đạt mục tiêu đề ra. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19 hay những thể chế cần phải tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược, các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.

Cùng với đó, phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… Đó là những trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn tới. Đây cũng là những lĩnh vực chúng ta cũng có dư địa để phát triển.

Tiêu điểm - Sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để “vực” nền kinh tế

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu thảo luận tại Tổ về nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021 là một năm vô cùng vất vả, chưa năm nào khó khăn như thế khi dịch hoành hành khốc liệt trên diện rộng, với thời gian dài.

Dù khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến ngày hôm nay kinh tế -xã hội, đặc biệt về chính sách tài khoá là hoàn thành.

Từ cuối tháng 4/2021 đến ngày hôm nay chúng ta sống chung với dịch, vừa đối phó với dịch vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội. Với sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến ngày hôm nay kinh tế -xã hội, đặc biệt về chính sách tài khoá là hoàn thành.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Chúng tôi dự kiến thu ngân sách mặc dù đã giảm, miễn, hoãn nhiều chính sách thuế, nhưng thu ngân sách đến cuối năm vẫn đảm bảo sẽ tăng khoảng 1,7%. Chi ngân sách không vượt dự toán, bội chi ngân sách dư như Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời, tiết kiệm chi có đầy đủ nguồn lực để phát triển chống dịch và gói phát triển kinh tế”.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta đã chống dịch tương đối ổn, tiếp tục chuyển sang giai đoạn mới là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Làm thế nào để phát triển được, theo Bộ trưởng, trong đề án tái cơ cầu nền kinh tế cũng đã nói rất rõ vừa đảm bảo cho tài chính nhà nước phát triển, nhưng cũng đảm bảo cho tài chính doanh nghiệp phát triển, kể cả đảm bảo cho tài chính dân cư cũng phát triển.

Tiêu điểm - Sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để “vực” nền kinh tế (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

“Vì vậy, bây giờ phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cho cầu của nền kinh tế tăng lên, từ đó chúng ta sẽ bước sang một giai đoạn mới phục vụ cho vấn đề tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ tài Chính cho biết.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đề nghị với Chính phủ thiết từng gói và quản lý theo từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo có hiệu quả.

“Khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển thì lúc đó có nghĩa là tăng thu được ngân sách, đồng thời giảm chi ngân sách sẽ kéo giảm được vay bội chi xuống”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, sắp tới chúng ta tập trung chuyển đổi số là đúng, nhưng chuyển đổi số là kế hoạch dài hạn. Kế hoạch ngắn hạn bây giờ doanh nghiệp cần là: cần thị trường, cần nguồn nhân lực và cần vốn và cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách về thể chế. Tập trung vào 4 cái cần này, còn chuyển đổi số trong tương lai đây là vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững…

Chú trọng phát triển kinh tế xanh

Góp ý kiến, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban kinh tế liên quan đến việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này nhằm thể chế hóa Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì thế, việc ban hành kế hoạch là hết sức cần thiết cùng với các kế hoạch, mục tiêu quốc gia của Quốc hội, nên cần rà soát lại để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản Quốc hội đã ban hành.

Cùng với đó, cần báo cáo đánh giá kỹ bối cảnh nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 và đi theo đó là các kịch bản và đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, cần có khâu đột phá chiến lược là gì trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này. Trung ương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2030, đóng góp 10% GDP cả nước. Vì thế, kế hoạch cần chú trọng đến việc phân vùng, liên kết kinh tế giữa các khu vực, tỉnh có kinh tế biển. Cùng với đó cần chú trọng phát triển kinh tế xanh.

Cùng cho ý kiến, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Do đó, phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Cho nên, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đại biểu Yến, sau dịch thì hiện các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên nghị viện các nước đều hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20 ngàn tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi, và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững.

Đại biểu Yến lưu ý cần xác định đa mục tiêu để bảo đảm tiếp cận bao trùm bền vững, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế.

“Hiện, chúng ta phân ra là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nhưng cần quan tâm tới vấn đề y tế và giáo dục và coi như là “dịch vụ”. Theo đó, y tế cần hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe. Từ đó, có định hướng để nhà nước sử dụng gói đầu tư công để phát triển y tế dự phòng, y tế số để đóng góp cho tăng trưởng GDP. Còn giáo dục cần nâng cao kỹ năng của người lao động, đào tạo lại, nhất là các nguồn lực kinh tế cần ưu tiên, nâng cao năng lực kỹ năng số để phục vụ nền kinh tế. Ngay học sinh cấp 2, cấp 3 có thể đưa ra sáng kiến trong học tập, tiêu dùng, sản xuất để hướng tới nền kinh tế bền vững, việc làm xanh, kỹ năng xanh để đóng góp cho phát triển nền kinh tế xanh”, đại biểu Yến bày tỏ.

Kết nối phát triển kinh tế

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra chúng ta phải tái cấu trúc, cụ thể chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, tái cấu trúc nền kinh tế và phân định rõ nhà nước, tư nhân và khu vực nước ngoài cần làm gì? Cùng với đó là tái cấu trúc thành phần, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh.

“Việc đầu tư công có thể đặt hàng qua các tập đoàn tư nhân để làm việc hiệu quả, nhà nước chỉ quản lý và giám sát. Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế biển nhưng chưa phát huy được tiềm năng, điều này thể hiện rõ trong đại dịch vừa qua. Vì thế, vấn đề kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa”, đại biểu Hoàng Văn Cường gợi ý.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.