Sử dụng máy bay không người lái gây hậu quả bị "xử" thế nào?

Sử dụng máy bay không người lái gây hậu quả bị "xử" thế nào?

Thứ 3, 26/11/2024 15:07

Hành vi chưa đăng ký mà sử dụng flycam/drone trên bầu trời có thể bị xử lý hành chính, thậm chí nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 26/11, cơ quan chức năng huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) đang điều tra, xử lý người điều khiển máy bay không người lái (drone) xịt thuốc va chạm với người đi đường gây tai nạn chết người.

Vụ va chạm giữa người đi đường và máy bay không người lái dùng để phun thuốc tiếp tục là lời cảnh báo cho sự chủ quan, thiếu quan sát cũng như khả năng kiểm soát của người điều khiển.

Sự việc đến nay nhận được sự quan tâm của dư luận. Đồng thời đặt câu hỏi quy định của pháp luật như thế nào, việc sử dụng thiết bị này ra sao mới được coi là hợp pháp thì trước đó nhiều người không để ý tới.

Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định: "Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó". Theo đó, flycam/drone được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.

Hiện nay, việc quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được quy định cụ thể tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/2011/NĐ-CP). Cụ thể, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học cần thực hiện xin cấp phép bay theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc sử dụng thiết bị flycam/drone khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là vi phạm pháp luật.

Việc sử dụng flycam/drone ở nước ta không bị cấm hoàn toàn nhưng cũng sẽ có một số giới hạn nhất định. Điển hình như việc người sử dụng phải làm thủ tục xin phép bay do hoạt động bay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng… Những hành vi không đăng ký mà cho bay flycam/drone trên bầu trời còn có thể bị xử lý hành chính; trường hợp gây ra các hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ;… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng thì sẽ xử phạt hành chính với các hành động sử dụng flycam không xin giấy phép bay như: Sử dụng tàu bay không người lái chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép; Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái; Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay… Việc không xin giấy phép sử dụng flycam sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Nếu hành vi của người điều khiển flycam/drone dẫn đến tai nạn nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội Vi phạm quy định về an toàn công cộng (Điều 295 Bộ luật Hình sự).

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.