Sử dụng rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng: Cần tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự

Sử dụng rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng: Cần tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự

Vũ Xuân Giang

Vũ Xuân Giang

Thứ 7, 03/11/2018 07:00

Tiếp tục với câu chuyện nên hay không nên thu hồi phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhằm đưa ra cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Cần nâng hình thức xử phạt lên mức cao nhất

Không chỉ các đại diện các đơn vị thực thi pháp luật đưa ra ý kiến nên tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ngay cả công ty chuyên vận tải hành khách cũng có đồng với quan điểm trên.

Theo đó, đại diện công ty Vận tải Đường Việt cho rằng, với chế tài xử phạt hiện nay thì cơ bản đã cho thấy sự quyết liệt của Nhà nước về vấn đề xử phạt đối với tài xế tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói, xử phạt như thế nào, xử phạt ra làm sao để cho đúng người, đúng tội.

“Hiện nay, quy chế xử phạt đã cho thấy sự mạnh tay của Nhà nước. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn ở đây chính là, chính sách xử phạt nên áp dụng cho đối tượng như thế nào, có nên nới lỏng một chút cho tài xế không? Nhiều khi chúng ta xử phạt quá nghiêm đối với những người tham gia giao thông nhưng không gây hậu quả lớn cho xã hội. Còn việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, tôi cho rằng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, có những lúc cũng nên nới lỏng cho tài xế. Tôi lấy ví dụ như những ngày lễ tết, nếu uống chỉ một chút rượu vang mà xử nặng thì có lẽ hơi quá”, vị đại diện công ty cho hay.

Tin nhanh - Sử dụng rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng: Cần tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự

Đại diện công ty vận tải Đường Việt cho rằng, thu xe là điều bình thường. 

Nhắc thêm về vấn đề những tài xế uống rượu bia có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây hậu quả nghiêm trọng có nên tăng hình thức xử phạt hay không? Vị đại diện này cho rằng, đối với vấn đề này thì nên tăng thêm hình thức xử phạt ở mức nặng để răn đe. Nặng ở đây chính là sẽ tiến hành bắt tạm giam những tài xế này, nghiêm cấm việc lái xe trong một thời gian dài.

“Việc các tài xế có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì cần nâng hình thức xử phạt lên mức cao nhất. Như vậy họ mới sợ, mới đủ sức răn đe”, vị đại diện này nhận định.

Liên quan đến câu chuyện có nên thu hồi xe khi tài xế gây hậu quả nghiêm trọng, vị đại diện công ty cho rằng, điều này cần áp dụng, bởi, việc gây hậu quả nghiêm trọng như chết người thì cần phải có chế tài thu hồi phương tiện tham gia giao thông để răn đe họ. Đồng thời, nếu có thể, chúng ta nên áp dụng theo bên nước ngoài đó là sẽ thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn khi tài xế gây tai nạn nghiêm trọng mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật.

“Tôi cho rằng, cần phải có chế tài thu hồi phương tiện tham gia giao thông và cần tước giấy phép lái xe vĩnh viễn để để những đối tượng như vậy thấy được hậu quả của việc làm của họ, thay vì chúng ta cứ nhân nhượng rồi họ lại tiếp tục tái phạm thêm lần nữa. Tôi cũng lấy ví dụ trường hợp của bà Nguyễn Thị Nga gây tai nạn nghiêm trọng tại Hàng Xanh, TP.HCM khiến 5 người thương vong, những trường hợp tương tự như thế này cần phải tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện, đồng thời sẽ xử lý theo trách nhiệm hình sự. Bởi, rõ ràng đây là trường hợp rất nghiêm trọng, gây thương vong 5 người liên tiếp, thì chúng ta không thể cứ nhân nhượng cho họ mãi được”, vị đại diện bức xúc chia sẻ.

Tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự

Trái ngược với quan điểm của vị đại diện công ty vận tải Đường Việt, ông Đỗ Hữu Bằng – Giám đốc công ty Sao Việt lại có quan điểm riêng. Việc tịch thu phương tiện tham gia giao thông - tài sản hợp pháp của người dân không đơn giản. Hiến pháp 2013 quy định quyền bảo hộ tài sản rất cao.

Ôtô, xe máy là khối tài sản lớn của người dân, không thể muốn tịch thu là tịch thu ngay được. Đề xuất này vì thế cần phải được Quốc hội thảo luận, thông qua.

Cũng theo ông Bằng, trong trường hợp xe vi phạm không thuộc sở hữu của người điều khiển thì tịch thu là vô lý. Bởi, luật không cấm việc cho mượn xe. Đây là quyền dân sự của người dân.

“Ai vi phạm pháp luật về việc tham gia giao thông thì chúng ta hãy xử phạt trực tiếp người đó. Còn liên quan đến vấn đề tịch thu tài sản của người tham gia giao thông cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi, việc anh tham gia giao thông anh vi phạm mà tịch thu phương tiện đó nhưng biết đâu, phương tiện đó là người ta đi mượn để lái. Liệu khi chúng ta tiến hành tịch thu khác nào là chúng ta đang chiếm đoạt tài sản của người thứ ba. Cho nên, vấn đề này, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh nhìn lại trước khi đưa ra ý kiến”, ông Bằng cho hay.

Tin nhanh - Sử dụng rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng: Cần tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự (Hình 2).

Giám đốc công ty Sao Việt: Tịch thu xe là trái với pháp luật.

Ngoài ra, ông Bằng còn cho biết thêm, với biện pháp này nếu đi vào thực thi sẽ rất dễ xảy ra hàng loạt hệ lụy gây tranh tranh cãi như giá trị của tài sản; mức độ đền bù; cấp nào được quyền tịch thu; ai chịu trách nhiệm về việc bảo quản phương tiện. Đó là chưa kể tình huống người vi phạm không đủ khả năng đền bù cho chủ phương tiện...

“Tôi cho rằng, nếu để thi hành điều này vào trong bộ luật thì rất nhiều cá nhân sẽ bị thiệt thòi. Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, ông chủ không thể nào lái hết được hàng chục cái xe, và bắt buộc phải thuê người bên ngoài lái. Vậy, trường hợp, tài xế uống rượu bia rồi gây tai nạn chết người, chúng ta tiến hành tịch thu phương tiện thì rõ ràng công ty mất xe, và khi công ty mất xe, tài xế sẽ phải bồi thường cho nhà xe. Trường hợp, tài xế không đủ tiền để chi trả cho nhà xe thì phía nhà xe phải làm thế nào. Trong khi, tài sản đó là tài sản của ngân hàng”, ông Bằng đặt câu hỏi.

Ông Bằng chia sẻ thêm, trên thực tế, người lái xe là được Nhà nước cấp bằng chứ không phải phía bên doanh nghiệp cấp, mà chế tài là chế tài của Nhà nước, người nào vi phạm thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật không thể lôi bên thứ ba vào chịu cùng được.

“Theo tôi nghĩ, thay vì chúng ta tiến hành tịch thu phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì hãy tăng chế tài xử phạt cho những trường hợp này. Cần tăng nặng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự lên như Nghị định ở năm 2014 đó là, phạt tù từ 7-15 năm chứ không phải là giảm xuống còn 3-10 năm, xong rồi họ bồi thường tiền lại chỉ còn 3 năm tù. Rõ ràng làm như vậy không những không quyết liệt trong việc xử phạt mà còn khiến người tham gia giao thông ngày càng thờ ơ với pháp luật”, ông Bằng nói.

Góp ý về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, vị giám đốc này đề nghị tiến hành các bước như chấn chỉnh lực lượng công vụ, nâng mức xử phạt tiền, tăng thời gian giữ phương tiện, tước bằng lái xe vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện.

“Trường hợp tài xế gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội thì cần tăng hình thức xử phạt hành chính hoặc có thể tăng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời tước giấy phép lái xe dài hạn hoặc vĩnh viễn đối với những trường hợp này. Tôi cho rằng, khi tăng hình thức xử phạt bản thân người tham gia giao thông khi vi phạm họ sẽ cảm thấy sợ.

Còn đối với trường hợp tước giấy phép lái xe có thời hạn thì sau khi được mãn hạn, anh được cấp trở lại, nhưng trong văn bản chúng ta nên đề thêm mục là tái vi phạm sẽ bị tước vĩnh viễn. Có như vậy những cá nhân gây tai nạn nghiêm trọng sẽ cảm thấy điều đó công bằng, họ sẽ không nảy sinh tranh cãi khi thi hành pháp luật”, ông Bằng nhấn mạnh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.