Sử dụng thương hiệu cẩu thả, mất cả chì lẫn chài

Sử dụng thương hiệu cẩu thả, mất cả chì lẫn chài

Thứ 2, 26/08/2013 11:28

Nhiều khi, sự cẩu thả trong khâu chọn thương hiệu người nổi tiếng của đạo diễn, cộng thêm diễn xuất sơ sài của những diễn viên không chuyên đã tạo ra những hiệu ứng ngược làm nhà sản xuất mất cả chì lẫn chài.

Trong phim ảnh, việc sử dụng cameo (mời người nổi tiếng xuất hiện trong phim) từ lâu đã trở thành ưu tiên của các nhà sản xuất, đặc biệt ở dòng phim thị trường. Sự xuất hiện của các nhân vật nổi tiếng trong phim, dù chỉ chớp nhoáng cũng đủ tạo nên cơn "sốt" vé. Thế nhưng, nhiều khi, sự cẩu thả trong khâu chọn thương hiệu người nổi tiếng của đạo diễn, cộng thêm diễn xuất sơ sài của những diễn viên không chuyên đã tạo ra những hiệu ứng ngược làm nhà sản xuất mất cả chì lẫn chài.  

"Nam châm" hút khán giả

Cameo là một thuật ngữ chỉ sự xuất hiện ngắn của người được biết tới trong một tác phẩm nghệ thuật trình diễn như kịch, phim, video game và truyền hình. Những vai cameo này không cần thiết phải là diễn viên đóng mà thường do đạo diễn, chính trị gia, vận động viên, nhạc sĩ hay người nổi tiếng tham gia. Những người nổi tiếng này phải có thương hiệu, có lực hút lớn với công chúng. Phần lớn những vai kiểu này đều không có lời thoại. Từ lâu trong điện ảnh, việc sử dụng cameo đã được các nhà sản xuất phim chú ý và đưa vào để khai thác hiệu quả tối đa.

Cơn sốt bùng nổ cameo được tạo nên từ ba nguyên nhân chính là tăng tỷ suất người xem, quy mô của phim và khai thác thương hiệu người nổi tiếng một cách hiệu quả. Khách mời trong phim là những nhân vật nổi tiếng như ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu, thậm chí cả những đạo diễn gạo cội cũng nhiệt tình tham gia. Điều dễ thấy là sức lan tỏa của diễn viên khách mời càng lớn thì mức độ thành công của bộ phim càng được đảm bảo. Dù cho họ không có tên trong danh sách diễn viên nhưng khi phim quảng bá, chỉ cần sự xuất hiện của những người nổi tiếng này cũng có sức hút mãnh liệt với fan hâm mộå. Có bộ phim dài hàng chục tập, nhân vật khách mời chỉ xuất hiện trên màn ảnh vài phút nhưng khán giả vẫn nhận ra và hò hét khi thấy thần tượng xuất hiện. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đã từng trở thành diễn viên khách mời trong các bộ phim điện ảnh như: Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Thanh Lam, Phương Thanh, Quang Dũng... hay các người mẫu có tên tuổi như: Thanh Hằng, Bảo Hoà, Anh Thư, Bình Minh... khiến các fan hâm mộ không khỏi thổn thức.

Nhìn vào danh sách này, không thể phủ nhận có nhiều diễn viên khách mời đã rất thành công như ca sĩ Phương Thanh, được mời đảm nhiệm vai phụ và có khi chỉ xuất hiện rất ngắn trên phim nhưng vẫn được đánh giá là diễn xuất tốt. Người mẫu Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà dù không học qua trường lớp nhưng vẫn diễn chuyên nghiệp do có năng khiếu, cộng với sự hướng dẫn, chỉ đạo của đạo diễn. Tuy nhiên, không phải người nổi tiếng nào được mời tham gia cũng đảm nhiệm tốt các vai diễn của mình.

Sự kiện - Sử dụng thương hiệu cẩu thả, mất cả chì lẫn chài

Với vai trò diễn viên khách mời trong phim “Hoàng tử và Lọ Lem”, Ngọc Trinh nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ khán giả vì chưa làm tròn vai diễn

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng phải chịu phản ứng gay gắt từ dư luận khi anh trở thành diễn viên quần chúng trong chính bộ phim do anh đảm nhiệm. Trong một phân cảnh, Vũ Ngọc Đãng khiến khán giả không khỏi giật mình khi đang từ vị trí đứng sau camera anh nhảy bổ vào phim "náo loạn" cùng một nhóm diễn viên quần chúng. Khi xuất hiện, anh cũng chẳng  hoá trang khiến cho nhiều khán giả xem phim phải sửng sốt. Bộ phim Hoàng Tử và Lọ Lem của đạo diễn Ngô Quang Hải mới đây có mời "Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh tham gia với tư cách khách mời. Thế nhưng khi Ngọc Trinh xuất hiện chỉ để khoe đường cong cơ thể mà không có sự diễn xuất chuyên nghiệp, tạo ra hiệu ứng ngược.

Cái giá phải trả...

Điều dễ thấy là cơn sốt cameo chỉ tồn tại trong dòng phim thị trường, nơi lợi nhuận là yếu tố sống còn, còn trong dòng phim Nhà nước, sức ép doanh thu không phải là yếu tố tiên quyết. Dòng điện ảnh chính thống chịu một sức ép khác là phải lấy nhân vật cho phù hợp với yêu cầu vai diễn đặt ra.

Nói về điều này, một đạo diễn đang sinh sống tại TP. HCM cho rằng: "Điện ảnh chuyển sang thị trường, các nhà sản xuất cần bán vé để thu hồi vốn. Họ phải dùng rất nhiều phương pháp để thu hút khán giả đến rạp, trong đó có việc lấy diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng để quảng bá. Những thương hiệu này có rất nhiều fan hâm mộ, đây sẽ là lượng khán giả đông đảo cho bộ phim khi được công chiếu. Thậm chí là nhân vật nào trong showbiz càng nhiều scandal thì càng tạo hiệu ứng, gây sự tò mò khiến người xem phải đến rạp. Nhiều người không có diễn xuất điện ảnh tốt, không có kinh nghiệm điện ảnh và cũng không có năng khiếu nên không thể làm tròn vai của mình. Trong phim Việt đầy rẫy những ca sĩ, người mẫu diễn xuất rất gượng gạo, đạo diễn cứ cố ép họ vào vai để quảng cáo. Đương nhiên cái giá phải trả không hề nhỏ, có bộ phim bị khán giả phê phán kịch liệt và quay lưng với nhà sản xuất".

Theo như vị đạo diễn này, việc mời người nổi tiếng làm cameo sẽ thu hút được một lượng lớn fan hâm mộ của họ, nhưng vấn đề là cần phân biệt thương hiệu của người nổi tiếng và khán giả của thương hiệu đó. Khán giả được nhắc đến ở đây chủ yếu là giới trẻ mà không phải là đa số quảng đại quần chúng. "Những bộ phim thị trường trong nhiều năm nay luôn hướng đến đối tượng ra rạp, chủ yếu từ 15 cho đến dưới 30. Với người trẻ, họ chủ yếu thích những vấn đề thuộc về thế hệ mình, những con người tác động đến đời sống của tuổi trẻ. Thế nên nhà sản xuất đã rất "khôn" khi tìm những ngôi sao hay những nhân vật tên tuổi để kéo đối tượng khán giả này đến rạp. Ở đây, yếu tố nghệ thuật không phải là hàng đầu, nó bị đẩy xuống phía sau, phía lợi nhuận thu được từ phòng vé", ông cho biết.

Đúng như vị đạo diễn chia sẻ, đây là một lẽ thường xưa nay trong làng điện ảnh. Vì thế, người ta mới sinh ra các liên hoan phim quốc tế để nhằm tôn vinh những tác phẩm có khuynh hướng nghệ thuật hoặc đặt ra những vấn đề mới, nơi lợi nhuận chỉ nằm ở vị trí thứ yếu. Dòng phim nghệ thuật khác với phim chiếu rạp, nếu như phần thưởng lớn nhất với các nhà làm phim thị trường là số vé mà họ bán ra thì giải thưởng cao quý đoạt được tại các liên hoan phim nổi tiếng như: Oscar, Cannes, Venezia, Berlin, Moskva... mới là mục tiêu cuối cùng phim nghệ thuật hướng đến.

Ở những hãng phim trên thế giới họ xác định rất rõ đâu là phim thị trường và đâu là phim nghệ thuật. Nếu đã xác định là phim nghệ thuật, đòi hỏi tính bác học, họ chấp nhận có sự sụt giảm của giá vé bán trên thị trường. Đó là điều chắc chắn bởi dòng phim nghệ thuật không thể hấp dẫn và thoả mãn nhu cầu thưởng thức của đa số đám đông. Như ở Mỹ, họ có rất nhiều các bộ phim ăn khách, phim bom tấn nhưng khi đã thu được lợi nhuận, họ sẽ quay sang sản xuất bằng được những bộ phim mang tính nghệ thuật vì rất nhiều hãng phim khát vọng có được giải Oscar, giải thưởng sẽ giúp nâng thương hiệu và uy tín của họ lên cao. Còn ở Việt Nam, nơi dòng phim thị trường đang lên ngôi thì khái niệm cameo chưa thực sự phát huy được sức mạnh của nó.

Doanh thu là trên hết

Diễn viên khách mời tham gia diễn xuất không thành công, sẽ ảnh hưởng đến chính đạo diễn và thương hiệu người nổi tiếng ấy. Họ đóng tốt hay không tốt sẽ do chính khán giả là người phán xét và quyết định có mua vé xem phim hay không. Nhiều khán giả vì tò mò, vì bị thu hút trước những chiêu thức tiếp thị của nhà sản xuất nên đã bước chân hăng hái đến rạp nhưng khi ra về, nhiều người phải chịu cảnh không hài lòng mà không biết kêu ai. Dường như với nhà sản xuất, đây là điều không mấy bận tâm bởi quan trọng là họ đã bán được vé và thu được lợi nhuận.

Loan Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.