Khi đĩa chim én được bưng ra đang bốc khói, chúng tôi đếm chỉ có 6 con. Nhìn sang mấy bàn nhậu xung quanh, họ cũng gọi mấy đĩa chim én. Bất giác tôi tự hỏi: “Nhà hàng kiếm đâu ra nhiều chim én vậy?”. Câu hỏi ấy bất ngờ được giải đáp khi chúng tôi về làm việc ở huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Vừa bước xuống cánh đồng lạc xen lẫn ngô xanh ngút ngát tầm mắt của huyện Diễn Châu, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp người đang tất bật giăng lưới trên những con đường chạy qua cánh đồng lạc của xã Diễn Thành.
Hỏi chuyện mấy người dân gần đó thì hóa ra những người này đang giăng bẫy đánh bắt chim én. Họ gồm đủ các thành phần, già trẻ, trai gái... Trong số họ, ít ai nghĩ đến, bằng cách này chỉ ít lâu nữa thôi, những cánh én báo hiệu mùa xuân sẽ chỉ còn lại trong ký ức.
Một người dân tại xã Diễn Thành cho biết: Trong những ngày nông nhàn, khi ruộng lúa, các loại cây hoa màu đã được làm sạch cỏ chỉ còn chờ ngày thu hoạch, những người nông dân chất phác không biết buôn bán, cũng không có nghề phụ, đều rủ nhau ra những con đường trên các cánh đồng làng để đánh bắt chim trời. Mùa nào chim ấy, từ chim én đến chim sẻ, tới cò trắng vạc...
Một mẻ lưới thành công
Tôi để ý quan sát, trên con đường thẳng tắp chạy ngang qua giữa cánh đồng lạc của xã Diễn Thành, chúng tôi đếm được không dưới 10 tốp đang giăng bẫy đánh bắt chim én. Mỗi nhóm đều giăng một tấm lưới thưa dài chừng 5-6 m, rộng 2-3m, đủ để lũ én sau khi sập bẫy không thể thoát ra.
Hai đầu tấm lưới được cố định bằng một ống nứa cao hơn chiều rộng của tấm lưới, có một đoạn dây để 2 người ngồi ở hai đầu tấm lưới sẵn sàng cùng giật ngã sang bên này hoặc bên kia khi lũ én bay vào bẫy để cứu đồng loại (chim mồi) đang vùng vẫy bên cạnh tấm lưới.
Theo quan sát của chúng tôi, lưới đánh én thường được đặt tại những con đường có khoảng không gian rộng, tầm nhìn thoáng, không có cây cối và các vật cản khác.
Một thợ săn chim én cho biết: Điều lạ là lũ chim én dường như không biết sợ con người. Cho dù thấy ở dưới có khá đông người nhưng khi nhìn thấy đang có đồng loại của mình đang vùng vẫy trên mặt đất là chúng lập tức lao xuống như con thiêu thân để thực hiện “điệp vụ” giải thoát cho đồng loại.
Trong khoảng 30 phút ngồi quan sát tốp thợ săn hành nghề, chúng tôi thấy ít có chú én nào lao xuống mà thoát khỏi tay những thợ săn lão luyện. Những sứ giả mùa xuân mỏng manh, yếu đuối sập bẫy trông rất tội nghiệp.
Hiếm có những chú én may mắn còn nguyên vẹn hình hài khi bị sức mạnh của những tấm lưới quật xuống nền bê tông, đa số đều bị chảy máu, gãy cánh, xù lông một cách đáng thương. Không ít chú én bị sập bẫy đã bị chết trước khi được đưa đến các nhà hàng, quán nhậu...
Kỹ nghệ đánh chim bằng dàn nhử
Nhìn lũ trẻ nhỏ và cả người lớn vui vẻ, háo hức sau mỗi mẻ lưới đem về cho họ 1 chiến lợi phẩm là một con én xấu số, khi thực hiện sứ mệnh giải thoát cho đồng loại bất thành.
Đám thợ đánh én bảo rằng: Mỗi lần giật mẻ lưới chỉ bắt được đúng 1 con, bởi lũ én thường không bay thành đàn vì thế, mỗi ngày cùng lắm mỗi tốp thợ săn én chỉ đánh được nhiều nhất là 400 - 500 con. Chỉ có mùa đánh chim sẻ thì mới khả quan hơn, có khi một ngày đánh bắt được cả nghìn con. Chim sẻ đi thành đàn, lại tham ăn nên cứ mỗi lần cất lưới, có khi cả hai, ba chục con chim sẻ cùng dính bẫy...
Do điều khiển lưới đánh én chỉ cần hai người, thậm chí một người cũng có thể làm được nên trẻ em cũng tham gia đánh. Sau những cơn mưa, trời hửng là lúc mọi người hối hả ra đồng giăng lưới đánh én. Nhiều gia đình đã tận dụng hết quỹ thời gian để tập trung vào việc đánh én. Sáng sớm, con cái đến trường, bố mẹ, anh chị ra đồng đánh én. Trưa về, lũ trẻ ra thay cho bố mẹ về ăn cơm để buổi chiều đánh tiếp.
Trung, một “sát thủ” nhí của lũ én trên cánh đồng lạc của xã Diễn Thành cho biết: Cả nhà em đều tham gia đi đánh én. Mỗi ngày đánh được bao nhiêu, đều có người ở xã Diễn Thịnh đến thu gom. Nếu làm cật lực từ 7 - 8h sáng đến 15-16h chiều, mỗi lưới có thể bắt được trên dưới 500 con én.
Sản phẩm đánh bắt được thì khỏi lo về đầu ra, đánh được đến đâu có người đến đặt hàng mua tới đó. Giá mỗi cặp én còn sống được các nhà hàng đến lấy tại gia đình hiện nay có giá khoảng 7 - 8 ngàn đồng .
Đánh én bằng lưới tuy không phải đầu tư nhiều tiền của nhưng lại tốn công sức. Ở huyện Diễn Châu, có không ít gia đình hành nghề đánh chim trời cả chục năm nay. Có nhiều gia đình làm cả những dàn nhử (dân trong nghề gọi là đánh tạc) với hàng chục cọc làm khá công phu.
Trên mỗi dàn nhử được đính rất nhiều con chim mồi hình nộm và được phết một loại keo dính đặc biệt, chỉ cần con chim trời nào khờ dại đậu xuống là bị dính chặt. Làm dàn nhử tuy tốn kém, chỉ mất nhiều thời gian đầu nhưng bù lại mùa nào đánh chim ấy...
Đánh chim theo cách này, mỗi ngày có thể thu được số lượng ít hơn đánh lưới nhưng người đỡ mệt, lại có thể đánh bắt bất cứ lúc nào… Để thuận tiện cho việc đánh bắt chim trời bằng cách này, một số hộ dân ở huyện Diễn Châu còn làm cả những chòi canh, chỉ cần một người chuyên ngồi trông, khi thấy chim dính bẫy là đến gỡ.
Theo ông Phan Nhật Thành, chủ tịch UBND xã Diễn Thành, trên địa bàn huyện Diễn Châu có nhiều xã mà “kỹ nghệ” đánh chim đã đạt đến trình độ “thượng đẳng”. Ở Diễn Thành, tình trạng đánh bắt chim trời diễn ra nhiều năm nay nhưng do chưa có chế tài xử phạt nên chính quyền xã không dám can thiệp. Bởi thế hằng năm, khi chim én về thực hiện sứ mệnh đem mùa xuân đến cho mọi người lại đang bị chính con người phụ bạc. |
Theo VTC News