Sự hai mặt của một con người bắt đầu được hình thành từ khi nào?

Sự hai mặt của một con người bắt đầu được hình thành từ khi nào?

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 5, 05/04/2018 09:10

Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người ta tám chuyện với nhau và tỏ ý bất mãn bởi sự hai mặt của một người nào đó được nhắc đến trong câu chuyện. Nhưng, ít ai dành thời gian tìm hiểu và ngẫm nghĩ rằng, sự hai mặt của một con người bắt đầu được hình thành từ khi nào.

Sự hai mặt của một con người bắt đầu được hình thành từ khi nào?

Rất nhiều người đã bị buộc phải đeo những chiếc mặt nạ ngay từ khi còn ấu thơ. (Ảnh minh họa).

Theo tôi, rất nhiều người trẻ bây giờ đã bị buộc phải đeo những chiếc mặt nạ ngay từ khi còn ấu thơ và người bắt chúng ta phải sống hai mặt, không ai khác, chính là các bậc cha mẹ.

Những năm tháng tôi học tiểu học, đối diện nhà tôi là nhà bác T không chồng nhưng có hai cô con gái. Vì gia cảnh nghèo khó, cô con gái lớn đã sớm đi lấy chồng ngay từ khi còn rất trẻ, bác sống cùng con gái út. Chị con gái út nhà bác tên C, hơn tôi độ 5 tuổi. Tuy là con gái nhưng lại rất nghịch ngợm và tính tình rất đàn ông, đến cả dáng đi cũng khệnh khạng hai hàng. Mẹ tôi vẫn thường hay trêu: “C chẳng khác gì con trai cải tiến nhỉ?” nhưng có vẻ càng được trêu như vậy, chị ấy càng thích.

Một lần nọ, đang ngủ trưa thì nghe tiếng chửi của bác T, tôi rón rén ra mở cửa nhòm sang nhà bác ấy xem có chuyện gì, thì thấy bác T đang cầm cái đòn gánh đuổi chị C chạy thục mạng khắp cánh đồng trước cửa. Vừa chạy, chị C vừa gào khóc và xin lỗi mẹ rối rít. Thấy vậy, tôi bèn chạy sang xem. Đuổi mãi không kịp, bác T phi đến víu một phát cái đòn gánh thúc thẳng vào lưng chị C. Chị ấy ngã sấp mặt cũng vừa lúc bác T chạy tới. Tiện tay, bác T phang thêm cho cô con gái vài nhát vào mông rồi vác đòn gánh ra về bỏ mặc tôi và chị ấy ngồi trên bờ ruộng.

Tôi có lại gần hỏi chị ấy làm sao mà bị đánh thế thì chị ấy bảo chót để con gà nhảy sang nhà hàng xóm rồi bay đâu mất không tìm thấy. Vừa nói, chị ấy vừa phủi quần đứng dậy, mồm lẩm bẩm vài câu chửi chính mẹ ruột của mình. Lúc đấy, tôi rất sốc, bởi dù tôi có thỉnh thoảng hay chửi nhau với bạn nhưng chưa bao giờ tôi mở lời chửi mẹ mình dù chỉ là sau lưng, vì tôi thấy như vậy là rất hỗn láo và không chấp nhận được. Nhưng, sau này, tôi dần dần xem chuyện đó là bình thường vì hầu hết ngày nào mẹ con bác T cũng đuổi đánh nhau vài hiệp, và lần nào bị mẹ đánh xong, chị C cũng chạy ra đằng sau nhà chửi bậy và đá vào tường dù trước đó có xin lỗi mẹ rối rít với thái độ rất thành khẩn và hứa không tái diễn.

Chuyện của chị C và bác T có làm cho tôi liên tưởng đến cháu mình. Thằng bé năm nay đã học lớp 2 và không còn ở gần nhà tôi nữa nhưng hồi 5 tuổi, nó hay sang nhà tôi chơi mỗi dịp cuối tuần. Mỗi lần nó sang, bố mẹ tôi hay trêu đùa và hỏi nó rằng: “Cháu yêu ai nhất?” thì y như rằng nó sẽ trả lời nó yêu bố nhất. Còn khi được hỏi: “Thế cháu yêu mẹ hơn hay bố hơn?” nó sẽ bảo: “Cháu căm thù mẹ nhất trên đời. Sau này, cháu lớn, nếu mẹ cháu còn đánh cháu, cháu sẽ đánh lại mẹ”.

Tôi thực sự giật mình bởi lời nói của một đứa trẻ mới 5 tuổi. Nhưng, sau đó thì tôi đã hiểu tại sao thằng bé lại có thái độ và lời nói hỗn láo như vậy khi nhắc đến mẹ. Trong một lần thằng bé đánh nhau với em, mẹ thằng bé ngay lập tức bắt thằng bé khoanh tay xin lỗi em mà không cần hỏi nguyên nhân tại sao hai anh em lại đánh nhau dù thằng bé có vẻ rất muốn thanh minh gì đó. Chỉ sau câu nói :“Cấm cãi. Con có thích ăn đòn không?”, thằng bé im bặt và xin lỗi em như một cái máy. Kể từ đó, thằng bé hầu như không bộc lộ bất cứ suy nghĩ gì với mẹ và người lớn. Không những vậy, thằng bé thường xuyên phải chứng kiến cảnh hai bố mẹ đánh cãi chửi nhau và vạ lây bởi chính những cuộc chiến của bố mẹ. Thế nên, dù đứng trước mặt mẹ mình, thằng bé luôn tỏ ra rất ngoan ngoãn, gọi dạ, bảo vâng, không dám cãi mẹ nửa lời nhưng sau lưng thì lại thù ghét mẹ tới mức cực đoan.

Dù còn rất bé, nhưng cả hai trường hợp tôi kể phía trên đều đã buộc phải sống hai mặt. Một mặt sống vì cảm xúc của bố mẹ và một mặt sống với cảm xúc thật của chính mình. Chính những nguyên tắc mà bố mẹ đặt ra và bắt con phải tuân theo vô điều kiện, không để chúng được nói lên tiếng nói của bản thân đã biến chúng trở thành những con người hai mặt đáng sợ. Dù bên ngoài, người ta thấy chúng rất ngoan ngoãn nhưng ít ai biết rằng, bên trong là một kẻ ngang tàng chỉ chờ cơ hội là sẽ nổi loạn và trở nên vô cùng nguy hiểm.

Không ít những vụ án giết người man rợ gây rúng động dư luận xảy ra liên tiếp trong những năm qua mà thủ phạm là những kẻ được người thân và hàng xóm đánh giá: “Nó ngoan ngoãn, lễ phép lắm. Chưa bao giờ tôi thấy nó to tiếng với ai bao giờ”. Dân mạng được thể mang những lời nhận xét đó ra để giễu cợt và dè bỉu nhưng kỳ thực, rõ ràng nếu hiểu sâu hơn, ta biết rằng tên giết người đó đã sống với những chiếc mặt nạ da người. Những chiếc mặt nạ không ai ngay từ khi đẻ ra đã được đeo sẵn trên mặt. Chính môi trường và hoàn cảnh sống đã biến họ trở thành những con người hai mặt đó thôi. Ban đầu, người ta sống hai mặt vì sự an toàn, sau này là sống hai mặt vì lợi ích cá nhân.

Vậy nên các bậc cha mẹ hãy yêu thương con cái của mình. Yêu thương thực sự và yêu thương đúng cách. Chỉ có giáo dục bằng tình yêu mới là phương pháp hiệu quả nhất, nhân văn nhất, ý thức nhất. Tại sao tôi lại gọi là “ý thức nhất”? Xã hội ngày càng phát triển thì con người càng được học hỏi, mở mang, loài người càng ý thức được rằng: “Dùng bạo lực sẽ chỉ nhận lại bạo lực”.

Giáo dục bằng tình yêu chính là cách giáo dục của sự nhẹ nhàng, ân cần, kiên nhẫn. Là phương pháp giáo dục đề cao sự lắng nghe, chia sẻ, bầu bạn của cha mẹ đối với con cái. Khuyến khích con đưa ra những suy nghĩ, quan điểm của mình từ góc nhìn mang tính cá nhân hóa để rồi đưa ra cho con những lời khuyên trên tinh thần tôn trọng, yêu thương.

Khi được tôn trọng, bố mẹ sẽ nhận lại sự tôn trọng từ chúng và quan trọng hơn, chúng sẽ lớn lên với trái tim tràn ngập yêu thương và sống lương thiện với những người xung quanh mình. Thoải mái đưa ra những ý kiến, quan điểm của mình và thoải mái bày tỏ cảm xúc, tâm trạng sẽ khiến chúng sống thật với chính con người chúng. Khi trưởng thành, chúng sẽ chẳng phải sống lệ thuộc vào tâm trạng của bất kỳ ai, không đeo mặt nạ, không giả tạo, không nịnh nọt.

Chúng sẽ được gì? Cái được đầu tiên là chúng sẽ không phải mệt mỏi bởi không được sống thật với cảm xúc của mình. Không có bí mật nào được giấu kín, không có nỗi tức giận nào bị đè nén và tích tụ để trở thành những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.

Cái được thứ hai, vì chúng sống thật nên luôn coi trọng những giá trị thực. Những bản kế hoạch, những chiến lược kinh doanh đều sẽ đưa lại những kết quả ứng với những con số thực tế chứ không phải chỉ là những giá trị ảo. Quan trọng hơn, chúng không sợ khi phải đối đầu với những sự phản kháng để những ý tưởng kiệt xuất có cơ hội được hiện thực hóa. Sẽ ra sao nếu như con bạn ngay từ khi còn nhỏ đã luôn sợ gặp phải sự phản kháng của người khác và khi lớn lên luôn chăm chăm đi làm hài lòng, thỏa mãn cảm xúc của những người xung quanh? Đó là một nỗi bất hạnh lớn đối với bất cứ ai trên đời này.

Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương và được giáo dục bằng sự kiên nhẫn lắng nghe, khuyến khích chia sẻ của cha mẹ luôn có tính nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ hơn những đứa trẻ khác. Chúng hiếm khi nổi nóng, cục cằn hay gây gổ với bạn bè. Bên cạnh đó, sự khuyến khích của cha mẹ giúp cho tính sáng tạo của chúng có cơ hội được bộc lộ và phát triển. Chỉ được là chính mình, mỗi chúng ta mới có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc đến từ những điều bình dị và mộc mạc.

Nếu bạn còn hay to tiếng quát tháo và đánh đập con mình, ngay lập tức hãy dừng lại những hành động đó! Một lời xin lỗi, một lời chào hỏi, một điều dạ, hai điều vâng nhưng không thực lòng vốn dĩ chẳng mang lại lợi ích gì ngoài làm thỏa mãn cái uy của những bậc cha mẹ. Thay vì bắt con phải xin lỗi dù chúng chưa hiểu mình sai ở đâu, hãy giúp chúng hiểu cái sai, chúng sẽ tự động xin lỗi mà không phải bắt ép! Khẩu phục nhưng tâm không phục thì thực chất vẫn là không phục mà thôi.

Thanh Ngân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.