Có thể nhận xét của chuyên gia xã hội học nọ sẽ đụng chạm đến khá nhiều người, nhưng chỉ cần có mặt ở trên mọi tuyến phố chúng ta đều dễ dàng nhận ra thói vô cảm, thờ ơ của con người bên cạnh sự hiếu kỳ đớn hèn.
Nếu đang lưu thông trên đường, bất chợt nhìn thấy đám đông đang xúm xít, tụ tập với nhau thì chắc chắn nơi đó vừa có tai nạn giao thông hoặc đang có người chửi bới, đánh nhau. Điều đặc biệt, những người tụ tập ở đó, xúm xít tại hiện trường không phải vì để cứu giúp nạn nhân, can ngăn nạn nhân mà chỉ vì để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình.
Cách đây chỉ mấy ngày, một vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường Lê Đức Thọ, gần đối diện với sân vận động Mỹ Đình, nạn nhân là một người đàn ông đi xe máy va chạm với ô tô, đang nằm bất động trên đường. Hàng chục người vây quanh nạn nhân và bình thản đứng xem rồi bàn tán, chỉ trỏ.
Chỉ một vài giọng nói bảo nhau gọi điện cho xe cấp cứu, nhưng cũng phải một lúc sau mới có người bấm máy gọi. Bên lề đường, rất đông những người khác vẫn đứng nhìn. Có người còn cố nhìn cho được biển số xe của nạn nhân rồi kháo nhau đánh lô, đề.
Thật ra, cái hình ảnh đó đã quá quen thuộc trên bất cứ tuyến đường nào, bất cứ vụ tai nạn nào. Dường như những người tụ tập vây quanh đó chưa bao giờ nhìn thấy tai nạn giao thông nên chỉ chăm chăm nhìn vào để thỏa mãn sự tò mò mà quên đi việc cứu giúp nạn nhân.
Ảnh minh họa (Nguồn Thời báo ngân hàng).
Sự hiếu kỳ trơ trẽn là điều đáng xấu hổ, nhưng có một thứ còn trơ trẽn hơn, xấu hổ hơn và đáng lên án hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều trong xã hội hiện đại. Thỉnh thoảng lại đọc được một mẩu tin, nghe một bản tin nói đến tình trạng hôi của của người Việt khi thấy người khác bị tai nạn.
Có lẽ bạn đọc vẫn còn nhớ vụ cướp tai tiếng tại khu vực ngã 5 An Dương Vương (TP. Hồ Chí Minh) mà báo Nguoiduatin.vn đã đưa thông tin trước đây. Dư âm của vụ cướp này sẽ không có gì nếu không có sự tham gia của những người hôi của. Lúc đó, một người đàn ông đi xe máy gặp phải hai tên cướp, tên ngồi sau giật lấy túi xách của nạn nhân.
Tuy nhiên, gặp phải sự giằng co quyết liệt của nạn nhân nên hai tên cướp đành buông con mồi, thế nhưng túi xách của người đàn ông bị rách toạc, tiền từ trong túi văng tung tóe ra đường. Ngay lập tức, một cảnh tượng đau lòng xảy ra. Những người xung quanh và nhiều người đi đường vội vã dừng xe, thay vì đuổi cướp họ lao theo những đồng tiền đang vung vãi trên đường, nhanh chóng bỏ vào túi mình trước ánh mắt bất lực đau đớn của nạn nhân.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình buồn rầu thốt lên rằng, người đàn ông kia tuy thoát khỏi hai tên cướp chuyên nghiệp, nhưng lại gặp phải những kẻ cướp khác trắng trợn hơn, lỗ mãng và trơ trẽn hơn rất nhiều. Và lần này, nạn nhân không thể nào thoát được bởi có quá nhiều bàn tay đang xúm vào xâu xé túi tiền của ông. Đó là lối sống theo kiểu chụp giật, sống chết mặc bay, "lợi cho ông thì ông làm".
"Trong trường hợp đó, tôi nghĩ nếu nạn nhân mất tiền bởi hai tên cướp chuyên nghiệp có khi không đau lòng bằng việc bị những người đi đường kia cướp tiền", TS. Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Không chỉ là những trường hợp hôi của vì hám tiền mặt, TS. Trịnh Hòa Bình đưa ra một số dẫn chứng về việc một chiếc xe chở hàng chẳng may bị lật, việc đầu tiên của người dân là lao ra để giật lấy hàng hóa đó mang về thay vì ngó vào ca bin xem tài xế sống hay chết.
Nhiều người cho rằng, đã đến lúc mỗi cá nhân trong xã hội cần phải nhìn lại chính mình, biết xấu hổ với những thói hư tật xấu của bản thân, để đấu tranh loại bỏ thói vô cảm, ích kỷ và hôi của ra khỏi xã hội văn minh này.
Hà Khê