Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vừa lên sóng tập 1 đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với những màn trình diễn mãn nhãn.
Ngay từ khi vừa công bố sẽ được ra mắt tại Việt Nam, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã nhận về sự chú ý lớn khi quy tụ những đàn anh, thậm chí có thể xem là "đàn chú" kỳ cựu như Nghệ sĩ Tự Long, Bằng Kiều, danh thủ Hồng Sơn sẽ kết hợp ra sao với thế hệ trẻ là Soobin Hoàng Sơn, Kay Trần, Jun Phạm.
Đi cùng với sự quan tâm đó cũng là hàng loạt câu hỏi đặt ra từ khán giả về chương trình, từ việc quá trình Việt hóa một show đình đám mua bản quyền từ Trung Quốc sẽ ra sao, hay Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai sẽ có gì khác so với Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng đã ra mắt trước đó đến từ cùng một nhà sản xuất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG).
Cuộc chia tay "nghìn tỷ" với YouTube
Về Yeah1, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2006 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự sáng lập. Khởi đầu là trang thông tin điện tử yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, thời điểm đó Yeah1 có khoảng 40.000 lượt xem và đạt doanh thu ban đầu là 150 USD (3,4 triệu đồng).
Trong hai năm tiếp theo, công ty đã mở rộng lên 400.000 lượt xem, đồng thời thành lập Yeah1TV - kênh truyền hình chuyên cung cấp thông tin giải trí được phát trên toàn quốc.
Giai đoạn 2015-2017 là mốc vàng son của Yeah1 khi bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo sau cú bắt tay với YouTube. Thời điểm đó Yeah1 có 2,4 tỷ lượt xem và doanh thu đạt 19 triệu USD (437 tỷ đồng).
Khi đó, Yeah1 cũng trở thành đối tác của Google tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thông qua Công ty con Netlink cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang website toàn thế giới.
Vào tháng 6/2018, Yeah1 đã đưa hơn 27,3 triệu cổ phiếu YEG niêm yết trên sàn HoSE với giá 250.000 đồng/cổ phiếu. YEG từng là một cổ phiếu “làm mưa làm gió” khi ngay trong ngày chào sàn, mã này đã tăng trần 20% và có những phiên tăng đột biến lên mức 350.000 đồng/cổ phiếu.
Song, “niềm vui ngắn chẳng tày ngang”, tháng 3/2019 Yeah1 đã rơi vào cuộc khủng hoảng sau khi YouTube quyết định chấm dứt quan hệ hợp tác.
Sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe (công ty mà Yeah1 nắm giữ 16,5% cổ phần có trụ sở tại Thái Lan) hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube. Điều này đã khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
Trong số những trường hợp vi phạm của các kênh thuộc Yeah1 Network, có thể kể đến 2 trường hợp điển hình đáng chú ý nhất được truyền thông lên tiếng cảnh báo. Đầu tiên là vào năm 2017, một số kênh YouTube thuộc Yeah1 Kids do người Việt Nam sản xuất có nội dung video trá hình những nhân vật hoạt hình cho trẻ em như công chúa tuyết Elsa, người nhện (Spiderman) nhưng lại có nội dung phản cảm và bạo lực dù hướng tới đối tượng là trẻ em để trục lợi.
Sự việc đã gây phản ứng mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh trên mạng xã hội, tạo sức ép khiến cho Yeah1 phải thừa nhận trách nhiệm kiểm soát nội dung chưa tốt.
Tới tháng 3/2019, kênh YouTube Tam Mao thuộc Yeah1 Network đăng tải video làm thịt một con chim được cho là Diều hoa Miến Điện (giống chim quý bị cấm săn bắt). Hành vi đăng tải video chế biến và ăn thịt động vật quý hiếm này đã phải nhận chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng dẫn đến án phạt từ cơ quan chức năng.
Sau nhiều lần gia hạn rồi thương lượng bất thành, ngày 22/5/2019, Yeah1 và YouTube chính thức "chia tay". Trong thông cáo của mình, YouTube nhấn mạnh việc Yeah1 và các công ty con bị phát hiện lặp lại các lỗi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của YouTube.
Sự hồi sinh sau khủng hoảng
Sau sự cố Youtube, cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh của Yeah1 lao dốc không phanh, thậm chí cổ phiếu mất gần hết giá trị khi giờ chỉ còn giao dịch trong vùng giá trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, cổ đông lâu năm của công ty sau thời gian dài ôm lỗ cũng đã quyết định thoái bớt vốn tại doanh nghiệp.
Một ngày sau khi thông tin này được công bố, vốn hóa của Yeah1 đã giảm 500 tỷ đồng và nối tiếp bằng 12 phiên giảm liên tục. Sau một tháng, vốn hóa của Yeah1 bốc hơi hơn 4.000 tỷ đồng và Yeah1 nhanh chóng bán ScaleLab LLC vừa mua đầu năm 2019 với giá 20 triệu USD.
Ngay trong năm chấm dứt hợp đồng với Youtube, Yeah1 đã chịu mức lỗ sau thuế kỷ lục 382,8 tỷ đồng, trong khi năm 2018 trước đó vừa ghi nhận số lãi đỉnh lịch sử hơn 163 tỷ đồng. Sang năm 2020, khó khăn vẫn bủa vây khi công ty tiếp tục chịu lỗ gần 181 tỷ đồng, doanh thu cũng giảm 15% xuống 1.218 tỷ đồng.
Đến năm 2021, Yeah1 đành phải bán 6 công ty thành viên để thu về 360 tỷ đồng. Nhờ đó mà năm 2021 công ty đã có lãi gần 30 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc không bị rời sàn.
Sau thay đổi thượng tầng vào năm 2022, Yeah1 đã tái cấu trúc và tìm hướng đi mới. Năm 2023, Yeah1 thông qua công ty con STV Production - nhà sản xuất của chương trình truyền hình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", phát sóng hồi tháng 10/2023. Đây là phiên bản Việt Nam của chương trình truyền hình Trung Quốc Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng của Mango TV.
Chương trình bao gồm 30 nữ nghệ sĩ đã ra mắt 30 tuổi trở lên, thông qua huấn luyện và thi đấu khép kín. Kết thúc chương trình, 7 chị đẹp gồm Trang Pháp, Lan Ngọc, Mỹ Linh, Thu Phương, MLee, Diệp Lâm Anh, Lệ Quyên đã được chọn vào nhóm thành đoàn. Trang Pháp nhận được chức Trưởng nhóm thành đoàn, tương đương với vị trí Quán quân của chương trình.
Hái quả ngọt từ thành công chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023", nhà sản xuất Tập đoàn Yeah1 ghi nhận kết quả kinh doanh thu với nhiều điểm sáng.
Trong năm 2023, Yeah1 mang gần 412 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 27 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 31% và 4% so với thực hiện năm 2022. Công ty vượt khoảng 4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bước sang quý I/2024, Yeah1 ghi nhận doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ lên 73,5 tỷ đồng. Đà tăng đến từ mảng khai thác bản quyền mang về gần 26,9 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp lên đến 82% trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.
Kết quả, Yeah1 thu về 17,2 tỷ đồng tiền lãi sau thuế, gấp 4 lần so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất kể từ quý IV/2021.
Để có nguồn lực cho kế hoạch mở rộng, Yeah1 đã chào bán thành công 45 triệu cổ phiếu YEG cho 15 nhà đầu tư với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 450 tỷ đồng hồi tháng 9/2023.
Số tiền 450 tỷ đồng thu được, Yeah1 sẽ dùng gần 260 tỷ đồng thanh toán nợ vay, 137 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH 1Production, 23 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Yeah1 Up, hơn 30 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Yeah1 cũng thông qua phương án phát hành 54,8 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỉ lệ 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu có quyền mua thêm 4 cổ phiếu mới).
Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó công ty sẽ huy động thêm 548 tỷ đồng. Số tiền huy động được Yeah1 sẽ dùng để nâng cao năng lực vốn, thực hiện các kế hoạch góp vốn/hợp tác thành lập các mảng kinh doanh mới, M&A, cơ cấu nợ và bổ sung vốn lưu động.
Nếu thành công, vốn điều lệ Yeah1 dự kiến tăng từ 1.370 tỷ đồng lên 1.918 tỷ đồng. Song, HĐQT cũng thông qua phương án phát hành 5,6 triệu cổ phiếu ESOP từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.