Từ anh lính Trường Sa đến thi sỹ tật nguyền...
Cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do báo Đời sống & Pháp luật phát động ngay sau khi vị tướng huyền thoại của nhân dân về với hồn thiêng sông núi được đánh giá có tính thời sự cao, có ý nghĩa sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Sau tròn 1 tháng phát động (15/10 - 15/11), Ban tổ chức đã nhận được 676 tác phẩm dự thi được gửi về từ mọi miền Tổ quốc với đầy đủ các thể loại như thơ, văn xuôi, trường ca...
Ban tổ chức cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do báo Đời sống & Pháp luật tổ chức.
Xúc động khi chứng kiến lòng thành kính của hàng triệu người dân Việt Nam dành cho vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc đã phải thốt lên: "Dù biết tầm vóc Đại tướng rất vĩ đại trong lòng dân, nhưng chính tôi cũng không ngờ sự ra đi của ông lại chấn động lòng người và thức tỉnh tinh thần đoàn kết dân tộc đến như vậy".
Sự ra đi của Võ Đại Tướng đã khơi dậy tinh thần yêu nước, sự gắn kết cộng đồng, thức tỉnh hàng triệu con người... Trong hàng trăm tác phẩm gửi về báo ĐS&PL dự thi, thật xúc động khi đó là những vần thơ được viết ra từ trái tim của người lính trẻ Trường Sa thân yêu. "Lính Trường Sa nhớ Đại tướng", lời thơ mộc mạc, giản dị như chính những người lính đảo. Họ gửi gắm trong đó biết bao ân tình của những cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa thành kính dâng lên Người.
Thắp nén hương thơm nơi đảo xa/Nhớ vị Đại tướng ở quê nhà/Biển xanh hôm nay như cũng hiểu/Triệu người dân Việt nhạt nhòa… tiếc thương. Thật ý nghĩa và thiêng liêng biết bao khi những người lính đảo luôn đối diện với biển, với nắng, với gió xúc động nghẹn ngào viết lên những vần thơ hào hùng dâng lên người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi được đánh giá là một trong những thi sỹ hàng đầu hiện nay về thể loại thơ lục bát. Đằng sau những vần thơ bay bổng, ngọt ngào mà chất chứa tình yêu thương của thi sỹ họ Đỗ chính là nghị lực phi thường của một con người bất hạnh.
Thuở bé, Đỗ Trọng Khơi mắc chứng bệnh viêm đa khớp rồi bị liệt và phải bỏ học khi chưa học xong cấp 1. Bất hạnh là thế, nhưng "Nhà thơ viết nằm không khuất phục tật nguyền" ấy đã khiến bao người khâm phục bởi ý chí, nghị lực của mình. Khi nhận được tin Đại tướng mất, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi xúc động nghẹn ngào. Trong giây phút đặc biệt ấy, biết mình không thể đến viếng anh linh của Đại tướng, ông vội gửi lòng mình vào bài thơ "Mang hồn sông biển", coi đó như nén tâm nhang dâng lên Võ Đại Tướng.
Khi báo Đời sống & Pháp luật phát động cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp", nhà thơ Đỗ Trọng Khơi là một trong những người đầu tiên gửi tác phẩm đến tham dự. Những vần thơ trong bài "Mang hồn sông biển" của nhà thơ họ Đỗ đã khiến nhiều người xúc động, nghẹn ngào.
Một buổi chiều cuối thu, tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật bất ngờ và xúc động khi đón nhận một "siêu tác phẩm" được các bạn học viên của Học viện An ninh Nhân dân mang đến dự thi. Khá bất ngờ vì "siêu phẩm" này là một công trình đồ sộ, công phu với 15 chủ đề về Đại tướng do chính những học viên Học viện An ninh dày công tìm hiểu, thiết kế và thể hiện. Trong những ngày "siêu phẩm" trưng bày tại tòa soạn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, phóng viên và bạn đọc.
"Nơi bày tỏ tấm chân tình của mỗi con người với Đại tướng"
Thượng tướng, Viện sỹ, TSKH Nguyễn Huy Hiệu nguyên Thứ trưởng bộ Quốc Phòng, một trong năm vị giám khảo trong Hội đồng Chung khảo của cuộc thi đã nhận xét như vậy khi nói về cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Tướng Hiệu coi cuộc thi chính là nơi để những người con đất Việt bày tỏ tấm chân tình, lòng thành kính dâng lên Võ Đại Tướng. "Những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều xuất sắc, đều xứng đáng đạt giải, thật khó khăn khi phải lựa chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu phát biểu sau khi kết thúc công tác chấm giải.
"Nhà văn Nga nổi tiếng I - li - a Ê - ren - bua trong tác phẩm "Lòng yêu nước" có viết: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh(...). Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn - ga, con sông Vôn - ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu hàng xóm, yêu quê hương trở nên tình yêu Tổ quốc".
Tìm hiểu những kỷ niệm của vị Đại tướng nhân dân, những thói quen và những niềm yêu thích nho nhỏ của vị Đại tướng nhân dân cũng là một cách để hiểu hơn về cội nguồn tạo nên tình yêu nước nồng nàn và sâu sắc của Người. Đó chính là cội nguồn sức mạnh vô song đã giúp Người lãnh đạo quân đội lập nên những chiến công vang dội năm châu chấn động địa cầu, góp phần quan trọng đưa Quân đội Nhân dân Việt Nam từ buổi đầu thành lập còn non trẻ trở thành một lực lượng tinh nhuệ có thể bách chiến bách thắng mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất".
Đó là những câu văn giản dị, nhưng sâu sắc trong tác phẩm "Đại tướng với con sông quê hương" của tác giả Phan Thị Thanh Mai (Phúc Lợi - Long Biên - Hà Nội). Chính sự bình dị nhưng sâu sắc, xúc động ấy đã đưa tác phẩm này xuất sắc vượt qua hàng trăm bài dự thi khác để giành giải Nhất cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, ông thật sự xúc động khi đọc 50 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, đó thực sự là những nén tâm nhang ý nghĩa dâng lên Đại tướng. "Khi đọc những tác phẩm này tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của độc giả báo Đời sống & Pháp luật dành cho Đại tướng. Họ là những người giáo viên bình dị, những người lính trẻ, những anh công nhân vất vả trên công trường, những vị cựu chiến binh, những cháu học sinh mới 15 - 16 tuổi...", Tướng Hiệu nhận xét.
Nói về cuộc thi này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định tính thời sự, ý nghĩa to lớn và thật sự sâu sắc. Theo ông thì đây không đơn thuần là một cuộc thi mà còn là một nơi để bạn đọc - đồng bào bày tỏ tấm chân tình của mình đối với vị Đại tướng muôn vàn kính yêu. Lời văn, bài thơ mộc mạc, dung dị được viết ra từ tâm của những con người như vậy.
"Ý nghĩa to lớn của cuộc thi này là nhằm giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cuộc thi một lần nữa khắc họa rõ nét tượng đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng đài trong lòng dân, của nhân dân. Cuộc thi cũng là thông điệp gửi đến mỗi người dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài và toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới biết rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của Đại tướng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu rõ hơn tấm lòng của những người con đất Việt gửi đến Người", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.
Cuộc thi đã khép lại, nhưng những thông điệp của cuộc thi vẫn còn đó, cũng như tình cảm của hàng triệu người dân Việt Nam dành cho vị tướng huyền thoại của dân tộc sẽ trường tồn với thời gian. Xin mượn câu kết trong tác phẩm "Dưới trời xanh kính cẩn nghiêng mình" (tác phẩm đạt giải Nhì của tác giả Đỗ Đức Mạnh (Trường Sỹ quan chính trị - Bắc Ninh) để nói lên tấm lòng của đồng bào dâng lên Đại tướng:
Noi gương Người chúng con nguyện kiên - trung
Chắc tay súng giữ bình yên Tổ quốc
Chúng con xa... tang Người không về được
Dưới trời xanh... xin... kính cẩn... nghiêng mình.
Ban Giám khảo đánh giá cao chất lượng các tác phẩm dự thi Hội đồng chung khảo Cuộc thi gồm: Thượng tướng, Viện sỹ, TSKH Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam; Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật. |
P.V