Trong hơn 11 năm qua, Djokovic là tay vợt nam thành công nhất. Anh đã dần vượt qua Ferderer và Nadal để thống trị làng quần vợt thế giới. Chỉ có lần hiếm hoi, người ta nghi ngờ về khả năng thành công của Nole khi anh phải nghỉ thi đấu vài tháng vì chấn thương khuỷu tay vào năm 2017.
Việc điều trị chấn thương đã trở thành đề tài tranh cãi của anh và HLV khi ấy, Andre Agassi. Cựu tay vợt huyền thoại kêu gọi Nole cần phẫu thuật để sớm trở lại. Thế nhưng, Djokovic đã đối phó với chấn thương bằng cách… nghỉ ngơi trong 6 tháng. Tay vợt người Serbia có niềm tin mãnh liệt rằng vết thương của anh sẽ tự lành một cách tự nhiên.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, đức tin của tay vợt sinh năm 1987 là… viển vông. Bằng chứng cho thấy cuối cùng, anh vẫn phải bước lên bàn mổ vào đầu năm 2018. Khi nhận thấy “cảm giác tội lỗi” vì quyết định của mình, Nole đã bật khóc.
Đó chỉ là một trong số những ví dụ tiêu biểu cho thấy, Djokovic luôn tỏ ra ích kỷ với chính bản thân và cả những người quan tâm tới anh. Trong thâm tâm, tay vợt này luôn có đức tin thái quá, ngay cả khi nó thiếu căn cứ.
Và mới nhất, Djokovic xuất hiện trên BBC để tuyên bố với tất cả thế giới rằng: “Việc không được tham dự các giải đấu vì không tiêm vaccine là cái giá mà tôi sẵn sàng trả”. Khi Nole nói ra câu ấy, có nghĩa rằng, án phạt bị trục xuất khỏi Australia (kèm theo việc lỡ cơ hội vô địch Australian Open) chẳng có ý nghĩa.
Thêm một lần, thứ đức tin (mà nhiều người không hiểu nổi) của Djokovic lại lên tiếng: “Các nguyên tắc với cơ thể tôi còn quan trọng hơn bất kỳ danh hiệu nào”.
Hay trong quá khứ, Nole từng bị loại khỏi giải US Open năm 2018 vì cố tình đánh bóng vào trọng tài dây. Sự trừng phạt ấy chỉ là hậu quả tất yếu. Bởi trong quá khứ, có không ít lần anh trút giận theo cách lập dị như vậy, chỉ có điều khác là bóng không đi trúng vào người trọng tài.
Có cảm tưởng như Djokovic không phải cố gắng để chiến đấu với bất kỳ đối thủ nào. Thay vào đó, kẻ phản diện lớn nhất mà Nole luôn phải đối đầu, đó chính là “sự ích kỷ và lập dị” ẩn đằng sau phẩm chất thiên tài.
Và khi Djokovic đang tự hài lòng với việc không tiêm phòng, Nadal đã vượt lên để trở thành tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất trong lịch sử. Thế nhưng, Nole không quan tâm. Hay việc có tới 99/100 tay vợt ở top 100 thế giới đã tiêm phòng. Điều đó cũng chẳng khiến anh bận tâm.
Djokovic đang sống ở thế giới do chính anh tạo ra, cho dù bất kể ngoài kia có ra sao. Điều đó tạo ra sự gan lỳ tới kinh ngạc, ít bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài của tay vợt này nhưng không phải lúc nào, việc đứng ngoài số đông của tốt. Minh chứng rõ nhất là việc Djokovic đang bị thế giới quần vợt và các quốc gia cô lập.
Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke thậm chí đã dùng quyền cá nhân để cấm Djokovic nhập cảnh với lý do lo ngại “ảnh hưởng tới suy nghĩ của người dân” vì đây là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. Có thể hiểu, việc hủy bỏ visa của Nole không còn đơn thuần gói gọn trong khuôn khổ giải đấu, mà còn tầm quốc gia.
Không chỉ Australia, mà chắc chắc nhiều quốc gia khác không chấp nhận một kẻ “chống lại số đông” như Nole xuất hiện khi mà họ đang nỗ lực phủ tiêm chủng.
Sự nghiệp của Djokovic đã được tay vợt này tạo ra bằng những nét vẽ đẹp nhất, rực rỡ nhất. Nhưng chỉ đáng tiếc, tất cả có thể là bức tranh màu đen nếu như sự ích kỷ và hách dịch tiếp tục xâm lấn con người của Nole. Anh có thể mất tất cả sự ghi nhận và cơ hội làm nên lịch sử nếu như vẫn tiếp tục đi một mình một đường.