Nếu như trước đây, cụ thể rơi vào khoảng thời gian 10 năm trước, một cô gái nói chung hay một nữ sinh trung học nói riêng được xếp vào loại xinh xắn, tiêu biểu và luôn được chú ý với những quy chuẩn có nhiều nét liên quan tới truyền thống. Thời ấy, trào lưu hot girl cũng chưa xuất hiện, hoặc chỉ là nhen nhóm trong lòng giới trẻ mà chưa thịnh hành như bây giờ nên việc làm đẹp, chụp ảnh… đối với các cô gái trở thành một điều gì đó còn rất mới mẻ, lạ lẫm và hiếm gặp.
Nhắc tới vẻ bề ngoài thì một gương mặt mộc hài hòa, làn da trắng, mái tóc dài đen láy cắt ngang vai hay buông xõa… sẽ là những yếu tố không thể thiếu. Phong cách nói chung và phong cách ăn mặc nói riêng cũng thường là dễ thương, nữ tính na ná nhau. Còn những hành động làm đẹp gắn với sự phát triển của công nghệ như phẫu thuật thẩm mỹ hay xăm mình trở nên rất xa xỉ, thậm chí còn bị đánh giá vào tư cách đạo đức hay lối sống.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện đại, mọi quan điểm ấy đã thay đổi rất nhiều, trở nên thoáng hơn và hòa nhập với thế giới hơn xưa. Rõ ràng ở thời bây giờ, ngoại hình sẽ là cái “đập” vào mắt người đối diện đầu tiên và giúp các cô gái để lại ấn tượng. Vậy nên việc làm đẹp bây giờ cũng được đặt ở vị trí quan trọng hơn trong list việc hàng ngày của con gái nói chung.
"Một cô gái để mặt mộc, mái tóc cứng và khô nhưng vẫn không ép hay sử dụng cách nào đó cho đẹp hơn, ăn mặc quá giản dị và không đúng kiểu khi đến một buổi prom... sẽ không được chúng tớ đánh giá cao đâu - tất nhiên đó mới chỉ là ấn tượng ban đầu và đánh giá ở kĩ năng làm đẹp cho bản thân." - Một chàng trai hùng hồn tuyên bố. Và ngẫm ra thì, nhận xét của anh chàng này cũng không có gì bất hợp lý.
Trang điểm
Ngày ấy: Lứa nữ sinh thuộc thế hệ 8x dường như không bao giờ biết tới việc đánh một chút phấn, hay tô một chút son khi tới trường, hoặc ít ra là trong các dịp lễ trọng đại của trường như khai giảng, bế giảng, lễ kỷ niệm 20/11… Làn da hơi tối màu hay gương mặt gặp vấn đề về mụn thì cũng là một điều gì đó rất bình thường của tuối mới lớn. Nếu trang điểm khi tới trường thì sẽ bị cho là đua đòi, thậm chí sẽ dễ bị... ghét vì tự làm mình nổi bật hơn người khác.
Thanh Vân Hugo, một hot girl thuộc thế hệ 8x chia sẻ: "Ngày trước, thời Vân còn đi học cũng phải cách đây hơn chục năm rồi, quan niệm về cái đẹp giản dị lắm... Đi học không biết trang điểm là gì, chỉ tỉa chút lông mày đã thấy ngại với các bạn cùng lớp rồi. Vẻ đẹp của học sinh ngày xưa rất giản dị và thuần khiết, đơn giản vì chưa có nhiều phương pháp làm đẹp và có điều kiện vật chất như hiện tại. Bây giờ, các bạn trẻ biết cách làm đẹp từ rất sớm và công nghệ ngày càng nhiều nên các bạn ngày càng xinh đẹp và năng động. Mình thấy vui vì đã là con gái là phải đẹp, có điều kiện làm đẹp thì rất tuyệt, tuy nhiên đừng lạm dụng mỹ phẩm hay thẩm mỹ quá sớm hoặc quá nhiều mà sau này hối hận.. Vì bản thân tuổi trẻ đã là một sắc đẹp vô giá mà tiền nào cũng không mua lại được, nên hãy tận dụng vẻ đẹp trời cho ấy càng lâu và càng tự nhiên càng tốt".
Chị Phạm Việt My, sinh năm 1986, một cô gái thuộc thế hệ 8x chia sẻ: "Nhìn các em học sinh cấp 3 bây giờ đúng là quá khác so với thời cấp 3 đi học của bọn chị ngày xưa. Các em đẹp hơn, năng động tự tin hơn, dám khẳng định mình hơn. Thời của bọn chị, nếu con gái làm điệu, trang điểm khi tới trường thì sẽ bị "soi" kinh khủng và cho là mải chơi, đú đởn, không lo học. Vậy nên gương mặt mộc, bộ đồng phục áo trắng quần xanh làm không được khác bất kỳ ai là một điều bắt buộc khi tới lớp."
Chị Thanh Ngân, sinh năm 1984 tâm sự: "Như ngày xưa đi học phổ thông, con gái đứa nào đứa nấy tóc dài ơi là dài, không nhuộm không ép, cứ buộc túm đằng sau thôi. Còn trang điểm thì rất khó để tìm thấy. Thế nhưng mỗi thời mỗi khác, con trai thời đấy có vẻ thích những cô gái mộc mạc, chân chất như thế hơn. Những bạn chăm chút về ngoại hình khi đi học là bị con trai "đánh giá" ngay".
Bây giờ: Có mặt tại các trường THPT vào các buổi lễ quan trọng, sẽ không hề khó để tìm ra một gương mặt nữ sinh xinh xắn, trang điểm nhẹ nhàng trong tà áo dài trắng. Nếu có ai đưa ra ý kiến rằng học sinh bây giờ "đua đòi" thế, son phấn "lòe loẹt" thì ngay lập tức ý kiến đó sẽ gặp phải rất nhiều sự phản bác của mọi người, bởi ngày nay, việc học sinh trang điểm vào những ngày lễ quan trọng của trường là bình thường.
"Đối với một số trường thì trong năm chỉ có những ngày đặc biệt như khai giảng hay bế giảng thì trường mới yêu cầu mặc áo dài, bởi vậy đối với các em nữ sinh thì đây là những dịp hiếm có, các em ấy muốn mình xinh hơn để chụp ảnh lưu niệm, thì make up, chải chuốt 1 tí, áo dài kiểu cách 1 tẹo... cũng đâu có gì sai? Tại sao lại có những người cứ vào ném đá các em ấy nhỉ? Làm mình đẹp hơn mà không quá lố thì nên khuyến khích chứ." - Một ý kiến phản đối khi các nữ sinh bị... "ném đá" do make up đi khai giảng.
Một hình ảnh tái hiện lại nữ sinh truyền thống - mái tóc đen dài trong tà áo dài trắng, giản dị mà vẫn rất đẹp. (Ảnh minh hoạ)
Nhưng makeup nhẹ nhàng và với một mái tóc nhuộm, tà áo dài cũng kiểu cách hơn - rất nhiều nữ sinh bây giờ đến trường với một chút makeup, nhưng không vì thế mà bị soi. Họ vẫn rất xinh và thu hút ánh nhìn của các bạn khác phái đấy chứ.
Đứng ở góc nhìn từ thế hệ 8x, việc trang điểm khi tới trường sẽ làm học sinh lơ đãng, không còn tập trung vào công việc chính là học tập. Thế nhưng rõ ràng, xã hội bây giờ, việc làm đẹp là nhu cầu của bất kỳ ai. Hơn nữa nếu đã là 1 học sinh không mấy chăm chỉ thì sẽ có rất nhiều mối quan tâm khác, chứ không chỉ đơn thuần là “son phấn”. Vậy nên nữ sinh 9x bây giờ sẽ cảm thấy tự tin hơn, xinh đẹp hơn với một lớp phấn mỏng, son nhẹ, đôi mắt được chuốt để tạo điểm nhấn hay mái tóc được tạo kiểu cầu kỳ hơn thường ngày.
Bạn Thu Hà (THPT Phan Đình Phùng) chia sẻ: "Bản thân mình, bạn bè và kể cả một số thầy cô cũng không còn "kì thị" chuyện make up đi học nữa. Chỉ cần đừng quá lòe loẹt không phù hợp với học sinh thôi, chứ tô một chút son cho bớt nhợt nhạt, để tươi tắn hơn thì cũng có sao đâu".
Có chút son, chút mắt kẻ, nhưng vẫn thật xinh và tươi.
Tuy nhiên, cũng phải nói lại rằng việc make up ở đây dừng lại ở mức độ nhẹ nhàng, đúng lứa tuổi, và chỉ phù hợp nhất khi không làm tốn quá nhiều thời gian, trong các dịp đặc biệt hoặc các buổi party, prom của trường học hay bạn bè.
Phong cách ăn mặc
Ngày ấy: Một gương mặt được trang điểm đẹp, một mái tóc hợp với vóc dáng và tính cách sẽ chỉ được tôn vinh thực sự khi kết hợp cùng một bộ trang phục phù hợp. Rõ ràng trước kia, các cô gái luôn chỉ trung thành với một phong cách nữ tính, dịu dàng và hiền hòa không mấy nổi bật. Thời điểm ấy, khái niệm "cá tính" thể hiện qua vẻ ngoài, trang phục dường như chưa xuất hiện nên hầu như mọi người chỉ ăn mặc sao cho hợp mắt thôi chứ không hề chú ý tới việc bộ trang phục đấy nói lên điều gì về chính con người mình.
Bây giờ: Khi xã hội cho phép giới trẻ được thể hiện phong cách rõ ràng hơn thì các trào lưu về thời trang đã, đang và sẽ làm nên các “cơn sốt” trong lòng giới trẻ.
Nếu đi học, vẫn là áo trắng quần xanh, nhưng khi biết cách kết hợp với những phụ kiện đi kèm như giày, mũ, kính, ba lô, vòng vèo… một cách khéo léo thì trông nữ sinh ấy sẽ “style” hơn rất nhiều. Hay trong những buổi đi chơi cùng bạn bè, con gái bây giờ cũng kỹ càng trong việc lựa chọn trang phục hơn, chịu khó lên mạng để tìm hiểu các xu hướng đang “làm mưa làm gió” để khiến mình trở nên ấn tượng hơn.
Không những thế, thời đại này, mỗi dịp đặc trưng đều gắn với những trang phục riêng. Con gái sẽ biết chọn mặc gì trong buổi dạo phố, mặc gì trong party,... Đó như một cách tạo ấn tượng và "ghi điểm" đầu tiên trong mắt các chàng trai cũng như tất cả mọi người.
Vẫn là phong cách nữ tính, ngọt ngào có vẻ "truyền thống" nhưng con gái bây giờ đã biết "điệu" hơn với các phụ kiện đi kèm.
Khác với truớc kia, các cô gái thường không có gu ăn mặc, hoặc nếu có thì cũng kém đa dạng hơn, không dám phá cách, không dám thử thay đổi, làm mới chính mình thì ngày nay, bắt kịp xu hướng của thời đại, giới trẻ bây giờ đã và đang thoải mái thử nghiệm đủ phong cách ăn mặc, từ ảnh hưởng Hàn Quốc, Âu Mỹ cho đến những phong cách mà người khác cho là "dị". Thậm chí bây giờ các chàng trai sẽ chú ý ngay lập tức tới một cô nàng ăn mặc chất chất, có gu và sẽ sẵn sàng lờ đi một cô gái không biết cách làm mình nổi bật nhờ chuyện ăn mặc.
Quang Huy (19 tuổi) nói: "Với mình, ngoại hình của một cô gái rất quan trọng. Có thể cô ấy không cần xinh lung linh, thế nhưng điều đầu tiên là cô ấy không được xuề xòa với chính bản thân cô ấy. Bạn thử tưởng tượng mà xem, có ai muốn người yêu mình khi đi bên cạnh mà lại ăn mặc xuề xòa một cách qua loa đại khái, đầu tóc không chăm chút, rồi chân thì đi đôi dép ở nhà ra đường đâu. Một cô gái như thế sẽ làm cho mình có cảm giác cô ấy không tôn trọng mình. Chắc chắn mình sẽ khó có thể chọn được một cô nàng như vậy để làm bạn gái".
Một cô gái ăn mặc cá tính thế này sẽ được chú ý hơn nhiều khi đi trên phố.
Xăm mình không phải là hư hỏng
Trước đây: Theo quan niệm của người dân Việt Nam, việc có những hình xăm trên cơ thể, đặc biệt là đối với các cô gái sẽ bị đánh giá vào tư cách đạo đức, bị cho là hư hỏng hay đổ đốn. Việc có những hình thù kỳ lạ trên cơ thể dường như chưa bao giờ được cho phép, nhất là đối với con gái.
Phạm Trà Ly, sinh năm 1985, chia sẻ: "Xăm mình ư? Hình như từ này không có trong suy nghĩ của bọn con gái thời còn đi học phổ thông và kể cả thời sinh viên. Những cô gái có hình xăm luôn bị mọi người chỉ trỏ, thậm chí là nghĩ rằng họ hư hỏng đến nơi rồi. Bố mẹ, người thân của chúng mình cũng thường xuyên răn đe con cái, gieo vào đầu các cô con gái của họ ý nghĩ: "Xăm mình đồng nghĩa với... từ mặt" cơ mà, nên không đứa nào dám hết".
Bây giờ: Dần dần rồi giới trẻ cũng như những người lớn hơn cũng có cái nhìn dần thoáng hơn trước. Không quá khó để tìm ra một thiếu nữ với những hình xăm. Việc xăm mình đôi khi nói lên nét cá tính riêng biệt của từng cô gái, đôi khi để kỷ niệm một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hay đôi khi để thể hiện tình yêu, tình bạn hay sự quyến rũ, gợi cảm của bản thân…
Hà Lade là một hot girl với lý lịch sạch, thành tích tốt. Việc cô nàng có tên trong danh sách những hot girl "nghiện" xăm mình đã chứng tỏ cái nhìn phóng khoáng của mọi người.
Cô bạn Lee Zin là một ví dụ tiêu biểu cho con gái thời hiện đại. Vừa có cách make up "độc", phong cách ăn mặc "dị", Lee Zin còn sở hữu nhiều hình xăm trên người. Cô bạn vẫn được giới trẻ rất yêu mến.
Minh Quân (1987) nói: "Xưa khác, nay khác, không nên dùng những quan niệm cũ để áp đặt vào ngày nay được. Việc con gái có hình xăm ở thời điểm này không có gì lạ nữa, thậm chí nó còn là một cách để cô ấy thể hiện cá tính. Với mình, nếu đã thích một cô gái thì sẽ không vì việc cô ấy có một vài hình xăm trên người mà chia tay. Trái lại, nếu nó không quá nhức mắt và đó là một phần cá tính của cô ấy thì tại sao mình không lấy đó làm một điểm để yêu cô ấy hơn?"
Phẫu thuật thẩm mỹ - tại sao lại không thể?
Ngày ấy: Trong khi xăm mình bị cho là hư hỏng, lêu lổng thì phẫu thuật thẩm mỹ từng gắn liền với các cụm từ “đẹp giả tạo” hay “thiếu tự nhiên” vài năm về trước. Việc phẫu thuật thẩm mỹ chưa bao giờ được công nhận hay ủng hộ ở thời gian ấy. Công nghệ chưa phát triển hiện đại như bây giờ, các "tai nạn" sau phẫu thuật ngày ấy cũng được báo tài đưa tin nhiều, vậy nên rất khó nếu cô gái nào đó có một đôi mắt một mí, chiếc cằm quá thô hay sống mũi tẹt... mong muốn được đẹp hơn.
Bây giờ: Vẫn biết mỗi người luôn là duy nhất, vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng vẫn là tự nhiên và bền chặt nhất nhưng nếu để tự tin hơn, có nhiều cơ hội mới hơn trong cuộc sống thì việc “sửa” một đôi nét nào đó trên gương mặt với phái yếu bây giờ đã trở thành bình thường.
Nâng mũi đối với những sống mũi chưa cao, nhấn mí đối với những đôi mắt chưa sâu hay bơm căng những đôi môi chưa thực sự quyến rũ… giờ đây đã trở thành những tiểu phẫu đơn giản và gần như hạn chế được rất nhiều biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật so với trước đây.
Hạ Hồng Vân, Kelly dính nghi án gọt cằm, nâng mũi để được xinh đẹp như hôm nay. Nâng mũi đã trở thành tiểu phẫu đơn giản và được nhiều người thực hiện ở Việt Nam.
Có một gương mặt hoàn hảo hơn là mong ước chính đáng của con gái. Và việc chấp nhận bỏ ra một số tiền hay chịu đôi chút đau đớn để đẹp hơn trong thời đại này đã là điều không có gì quá trầm trọng hay gây shock nữa. Và dĩ nhiên là các chàng trai cũng sẽ không xem đó là điều quá ghê gớm khi đem lòng yêu một cô gái.
"Việc làm đẹp là nhu cầu của mỗi người. Một cô gái, nhất là người yêu của mình phẫu thuật thẩm mỹ, nếu không thay đổi quá nhiều và trở thành một người khác, việc nâng mũi, sửa cằm là điều chấp nhận được. Cô ấy làm đẹp cho mình chẳng phải cũng là một cách tôn trọng bạn sao?" - Thanh Hưng (1990) nói.
Dù vậy thì cũng chỉ được phẫu thuật khi đủ tuổi, đảm bảo các yêu cầu sức khỏe hay chọn “mặt” bác sỹ để “gửi vàng” cẩn thận.
Khi những tiêu chuẩn về ngoại hình đang dần thay đổi, chắc chắn những điều kiện khác như phong cách sống, chuyện nữ công gia chánh của phái nữ cũng sẽ vì thế mà thay đổi theo. Hãy cùng đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để xem con trai ngày nay thích những cô gái có phong cách sống như thế nào, chuyện tề gia nội trợ ra sao nhé!
Theo Tri thức trẻ