Còn các đồn bót tại Châu Thành sợ đến lượt mình phải nối gót theo danh sách những tên phản gián khác, một số tên bán nước cầu vinh luôn tìm mọi cách thủ tiêu các thủ lĩnh của lực lượng rừng xanh.
Tuy anh em nhà họ Phạm về với đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng lực lượng rừng xanh vẫn tiếp tục hoạt động, cùng với nhân dân, bộ đội địa phương, quân đội chính quy giữ rừng Vĩnh Lợi vẹn toàn. Qua đó, góp phần vào việc giải phóng Tân Uyên, Bình Dương.
Sự mất mát của lực lượng rừng xanh
Ông Trần Thanh Đạm cho biết, liên tục bị bại trận trong các cuộc giao tranh giữa quân bảo an với lực lượng rừng xanh khiến tay sai của Mỹ - Diệm tại Châu Thành phát điên. Đặc biệt là những tên đồn trưởng luôn nơm nớp lo sợ bị lực lượng rừng xanh thủ tiêu.
Thế nên chúng dùng mọi cách rắp tâm để giết cho bằng được thủ lãnh của đảng cướp rừng xanh. Ông Ba Lo chia sẻ: "Cha tôi bị phục kích và giết chết, đó là vào tháng 2 năm 1958. Xác định hoạt động Cách mạng thế nào cũng có ngày này nhưng không ngờ cha tôi lại phải sớm ra đi, khi mà ông và các đồng chí mình còn nhiều dự định chưa thể thực hiện được".
Di ảnh ông Tám Liễu và ông Út Bời
Phó thủ lãnh ra đi là sự mất mát lớn đối với lực lượng rừng xanh. Ông Đạm cho biết: "Sau khi nghe tin em trai mất, ông Tám Liễu lập tức trở về. Lúc đó, ông đang ở Phước Tân, Biên Hòa. Nóng lòng muốn trả thù cho em và nhân dân thống khổ, Tám Liễu tập hợp và củng cố lại lực lượng. Chính vì quá sốt sắng nên Tám Liễu cũng bị địch gài bẫy và giết chết một cách đau lòng. Ngày làm đám tang cho bác, chỉ có bác Chín chịu tang và tôi thôi".
Sau khi các thủ lĩnh của lực lượng rừng xanh lần lượt ra đi, các cán bộ của ta nắm và lãnh đạo lực lượng rừng xanh, phối hợp với các lực lượng khác cùng với nhân dân giành nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 2 năm 1960, đồng khởi diễn ra trên diện rộng trong toàn tỉnh và giành được nhiều thắng lợi.
Bọn tề xã ở nhiều địa phương bỏ chạy toán loạn. Nhân dân làm chủ, đánh trống, gõ mõ, giơ khẩu hiệu, rải truyền đơn nhằm biểu dương thanh thế Cách mạng. Lực lượng nổi dậy đã mở rộng vùng căn cứ Cách mạng từ Lái Thiêu qua Châu Thành nối liền với Bắc Bến Cát. Riêng tại Châu Thành, lực lượng vũ trang và bà con nhân dân bao vây đồn Phú Hữu kêu gọi binh sĩ về với gia đình, với Cách mạng. Rồi khu vực Vĩnh Lợi, Phú Chánh được giải phóng hoàn toàn.
Đến nay, sử sách của Bình Dương vẫn còn ghi những chiến công của chiến khu Vĩnh Lợi như là một trang chói lọi của lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà.
Ngày nay, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Lo chia sẻ một cách thật lòng: "Tuy hoạt động Cách mạng gần như trọn cuộc đời nhưng đến khi hòa bình lập lại, đất nước giải phóng hoàn toàn thì chúng tôi lại buồn chuyện chế độ chính sách.
Đến nay, cha tôi cũng chỉ được nhận mỗi bằng Tổ quốc ghi công công nhận là liệt sỹ, huyện đội phó mà thôi. Còn chế độ, theo Nghị quyết 290, người thân của cha tôi được hưởng 600 ngàn đồng/năm và kéo dài 12 năm. Trên thực tế, chúng tôi chỉ nhận được có 4 năm rồi thôi, không thấy ai nói gì thêm. Chúng tôi không đòi hỏi nhưng làm sao cho công bằng. Bên cạnh đó, ông cũng không có một huân hay huy chương gì cho sự đóng góp của mình".
"Rừng Vĩnh Lợi còn - Sài Gòn mất"
Ông Lo cho biết: "Ngày ấy cha và bác tôi là những người giữ rừng, giữ đất tại khu vực Châu Thành. Thời ấy, tôi thường phụ cho cha nhiều việc, như xuống cảng Ba Son ở Sài Gòn để lấy vũ khí, đạn dược về cho cha và bác.
Theo đó, tôi mang mẫu giấy nhỏ của cha đem xuống cho một người dượng làm việc tại Ba Son. Dượng kêu một số người đi lấy. Tôi ngồi chờ, đến khi có hàng thì lái xe chạy về, giấu ở bìa rừng, lấy lu làm dấu. Đến khi thuận lợi, lực lượng rừng xanh ra đem vào".
Chiến khu Vĩnh Lợi đang được bảo tồn và xây dựng, là địa chỉ đỏ cho các thế hệ mai sau
Ông Nguyễn Văn Hữu cũng cho biết, mục tiêu của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một lúc ấy là phải kiên quyết giữ cho được rừng Vĩnh Lợi. Lúc ấy cũng có những cuộc tranh luận diễn ra: "Ai là người đủ khả năng để giữ rừng và nói anh em nghĩa quân nghe theo.
Bên cạnh đó, phải nuôi sống anh em trong lực lượng, đó cũng là nhiệm vụ không hề nhỏ. Chỉ có Tám Liễu và Út Bời là người thực hiện được việc này. Chính vì vị trí quan trọng trong quân sự nên rừng Vĩnh Lợi được Mỹ - Diệm hết sức quan tâm. Chúng nhận định, rừng Vĩnh Lợi còn thì Sài Gòn sẽ mất.
Quả thật, lịch sử kháng chiến đã chứng minh điều đó. Các lực lượng chính quy và bộ đội địa phương cùng nhân dân các huyện Châu Thành, Tân Uyên và các nơi đã giữ được rừng Vĩnh Lợi, lập nên một chiến khu vững chắc.
Qua đó, góp phần vào giải phóng Châu Thành, Tân Uyên rồi Bình Dương cùng với quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để làm được điều đó, có rất nhiều người đã hi sinh, điển hình là anh em nhà họ Phạm, rồi biết bao người dân, chiến sỹ yêu nước. Họ lấy xương máu của mình để chống lại sự hung tàn, khát máu của quân thù nhằm giữ yên giang sơn. Ông Hữu nhận định, đấy chính là sự chiến thắng của chính nghĩa, của đường lối cánh mạng và sự đồng tâm hiệp lực của quân dân và đầu óc sáng tạo của người Việt bao thế hệ.
Lúc ấy, tướng Nguyễn Bình nhận định, từ rừng Vĩnh Lợi, Trao Trảo đến chiến khu D còn có nhiều đường lên xuống, có thể từ Bình Chánh lên hoặc qua ngã Bàu Cỏ, An Long, cũng được. Còn chiến khu D thì rừng trùng điệp ăn thông với dãy Trường Sơn cực kỳ quan trọng có thể tiến công vào Sài Gòn lúc thuận lợi và lúc thoái lui, cũng có thể rút lên tận cao nguyên, giáp dãy Trường Sơn. Đồng thời, cũng có thể dùng khu vực Vĩnh Lợi làm bàn đạp tấn công vào hang ổ cuối cùng của địch.
Ông Hữu cho biết: "Lúc bấy giờ, quận Châu Thành là trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm chỉ huy của quân Pháp tại Thủ Dầu Một nhằm án ngữ cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn. Chính vì vậy, chúng luôn coi khu vực Vĩnh Lợi là cái gai nhọn đâm sau lưng cần phải tháo gỡ, nếu rừng Vĩnh Lợi còn thì Sài Gòn sẽ mất".
Ông Lo kể: "Mẹ tôi sau khi sinh hai người con trai, bà hỏi chồng, tôi sinh cho ông hai đứa con trai thế đã đủ chưa?. Ông Bời nói chưa. Khi mà đất nước còn cảnh nô lệ thì cần nhiều hơn những trai tráng xả thân vì nước. Cho đến nay, gia đình bên nội tôi có tất cả là 45 người thì trải qua hai cuộc kháng chiến, giờ chỉ còn lại 3 người, đó là tôi và hai ông chú".
Suốt 2 thời kỳ kháng chiến vừa qua, Vĩnh Tân đã huy động lực lượng, lúc cao nhất có 80% dân số vào du kích, có 302 gia đình liệt sĩ, 16 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Xã Vĩnh Tân được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. |
Trung Nghĩa