Trong những ngày gần đây, làng cầu lông thế giới bất ngờ đón nhận tin ngôi sao cầu lông nổi tiếng thế giới Lee Chong Wei, quốc tịch Malaysia, 36 tuổi vừa được phát hiện mắc ung thư mũi giai đoạn đầu. Lee Chong Wei hiện đang phải chữa trị ung thư mũi ở Đài Loan - Trung Quốc.
Theo báo Anninhthudo, Lee Chong Wei hiện là một trong những tay vợt nổi tiếng nhất thế giới, xếp hạng 4 của Liên đoàn cầu lông thế giới, từng 3 lần giành huy chương Bạc tại Olympic.
Với khán giả và những người yêu cầu lông Việt Nam, Lee Chong Wei rất nổi tiếng vì thường xuyên là đối thủ của Tiến Minh ở những giải đấu cấp độ khu vực và châu lục.
Ung thư mũi: Một căn bệnh hiếm gặp
Theo chuyên trang Cộng đồng Ung thư Việt Nam, ung thư mũi là một loại ung thư trong tai – mũi – họng, chỉ chung hiện tượng khối u hình thành và phát triển tại mũi hoặc các xoang mũi. Các khối u ở mũi và xoang có thể lành tính hoặc ác tính. Đây là một trong những bệnh ung thư rất hiếm gặp nhưng cũng không thể chủ quan trước nó.
Ung thư mũi thường ảnh hưởng đến đàn ông hơn là phụ nữ, thường xảy ra ở độ tuổi từ 35 – 55. Nếu trong gia đình đã từng có tiền sử bị ung thư mũi, khả năng gen di truyền là rất cao.
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư mũi
Cho đến nay, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ung thư mũi. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Tiếp xúc với một số hóa chất: một số công việc làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trong khoang mũi và xoang, đặc biệt các công việc thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại như: bụi gỗ, hóa chất thuộc da, hóa chất mạ kim loại, dầu mỏ, nhà máy chế biến khoáng sản, dầu khí…
- Virus Epstein Barr (EBV) được coi là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra loại ung thư này.
- Virus gây u nhú ở người (HPV): HPV là một loại vi-rút thông thường có thể gây ra sự phát triển mụn cóc (u nhú). Có rất nhiều chủng khác nhau của HPV và một số có nguy cơ cao đối với các loại ung thư khác, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung. Hơn 1 trong 5 trường hợp ung thư mũi có liên quan đến HPV. Trong số các loại HPV khác nhau, type 16 là loại gây ra ung thư mũi và xoang phổ biến nhất.
- Hút thuốc: Thuốc lá có chứa nitrosamines và các hóa chất khác gây ung thư. Khi hút thuốc, khói có thể đi qua khoang mũi trên đường đến phổi. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư mũi cao hơn người không hút thuốc lá.
- Sử dụng thực phẩm quá mặn khi còn nhỏ, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn lên men.
Triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư mũi
– Ở khu vực các xoang có cảm giác căng cứng.
– Đau nhức các khu vực ở vùng mặt.
– Xuất hiện triệu chứng đau đầu hoặc đau ở vị trí các xoang, uống thuốc giảm đau không mang lại nhiều tác dụng.
– Thường xuyên chảy máu cam.
– Mũi có dấu hiệu chảy dịch trong thời gian dài, đặc biệt nếu chỉ bị một bên cần lưu ý.
– Khối u xuất hiện trong mũi, ở chân răng hoặc trên mặt.
– Mặt có cảm giác như bị châm chích hoặc tê bì.
– Mắt đột nhiên sưng nề, nhìn một thành hai hoặc tự nhiên bị lé.
– Đột nhiên đau răng hàm trên hoặc nhiều cái bị lung lay.
– Cảm giác đau hoặc nặng trong tai.
Theo báo Vietnamnet, 75% các trường hợp ung thư mũi mới được chẩn đoán thường có một khối u không đau ở cổ xuất hiện trên 3 tuần. Tiến sĩ, bác sĩ Rekha Balachandran, khoa Tai – mũi - họng của bệnh viện Ipoh Pantai (Malaysia) cho biết, ung thư mũi rất khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, không đau đớn nên dễ bị bỏ qua. Bởi vậy rất khó để có thể chẩn đoán được ung thư mũi sớm. Thông thường, triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u đã to.
Tiến sĩ Rekha Balachandran cho biết thêm, ở giai đoạn 1-2, tỉ lệ bệnh nhân ung thư mũi sống sau 5 năm rất cao, lên tới 80-85%, nhiều trường hợp sống đến 10-20 năm.
Khi phát hiện triệu chứng bất thường, các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi và sinh thiết tế bào nhằm xác định loại ung thư và giai đoạn để có phác đồ điều trị cụ thể.