Sự "nhạt nhòa" của LĐBĐ TP.HCM

Sự "nhạt nhòa" của LĐBĐ TP.HCM

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Trong bối cảnh hàng loạt CLB bóng đá chuyên nghiệp của TP.HCM bị xóa sổ hoặc đứng bên bờ vực xóa sổ, Liên đoàn bóng đá TP.HCM (LĐBĐ TP.HCM) buồn thay lại đang suy yếu rất nhiều so với chính tổ chức này ở các nhiệm kỳ trước. Bộ máy của LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ V này vừa yếu tiềm lực lại vừa thiếu khả năng về chuyên môn lẫn tài chính, nên càng không thể giúp gì cho bóng đá đỉnh cao thành phố.

Vừa yếu lại vừa thiếu

Ngay ở thời điểm Ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ V của LĐBĐ TP.HCM tiến hành đại hội và bầu ra các chức danh chủ chốt, cựu HLV bóng đá Đoàn Minh Xương là người gắn bó lâu năm với bóng đá TP.HCM trong vai trò giảng viên môn bóng đá trường đại học TDTT TP.HCM, nói: "Nhiều tiền, quan hệ mạnh cỡ ông Lê Hùng Dũng mà còn chẳng trụ lại nổi với bóng đá TP.HCM, chẳng thể giúp bóng đá đỉnh cao TP.HCM thăng hoa thì BCH vừa được bầu ra rất khó làm nên chuyện lớn”.

Ông Đoàn Minh Xương có lý khi đưa ra những ý kiến quan ngại dạng trên. Chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ TP.HCM Trần Anh Tú vốn chỉ được biết đến ở môn futsal. Phó chủ tịch (PCT) HFF Nguyễn Quốc Hưng thậm chí còn vô danh hơn, bởi ông này trước giờ chẳng có vai trò gì nổi trội trong làng bóng đá Việt Nam, cũng chẳng có thâm niên làm nghề.

Ông Hưng hiện là giám đốc công ty Dentsu Media, tức là người chuyên về mảng tiếp thị hơn là làm bóng đá. TTK HFF Trần Đình Huấn cũng chẳng phải dạng trong giới bóng đá gọi là vua biết mặt, chúa biết tên. Với những ai từng thuê sân Thống Nhất (nơi ông Huấn đang làm giám đốc) thì còn khả dĩ biết đến ông này, chứ đa phần giới bóng đá không hề biết về ông Huấn.

Bóng đá Quốc tế - Sự 'nhạt nhòa' của LĐBĐ TP.HCM

Ban chấp hành LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ V chưa thể giúp bóng đá thành phố thoát cơn khủng hoảng

Chỉ nội nói chuyện về tên tuổi và thâm niên làm nghề, bộ máy chủ chốt của HFF hiện tại chưa thể có tiếng nói gây ảnh hưởng mạnh với dân làm bóng đá TP.HCM, chứ chưa bàn đến những quan hệ khác cần phải có khi ngồi ở vị trí lãnh đạo tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn như LĐBĐ TP.HCM.

Không nói đâu xa, nếu so với nhiệm kỳ IV, bộ máy chủ chốt của nhiệm kỳ V khó sánh bằng. Ông Trần Anh Tú dù là doanh nhân đang thành đạt, có cơ ngơi khá vững nhưng vẫn khó so với ông Lê Hùng Dũng ở mức độ quan hệ, cũng như khó so với ông Dũng về tiếng nói trong giới bóng đá lẫn giới tài chính. PCT Nguyễn Quốc Hưng cũng còn lâu mới sánh bằng PCT của ông Dũng là ông Trần Duy Long, vốn là cây đa cây đề trong lĩnh vực chuyên môn.

Ngày ấy, ông Lê Hùng Dũng còn có TTK Dương Vũ Lâm vốn là PCT đương nhiệm của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, tức có quan hệ quốc tế rất rộng. Ấy thế mà ê kíp lãnh đạo do ông Dũng chỉ huy vẫn bó tay trước sự sa sút của bóng đá đỉnh cao TP.HCM, bó tay trước cảnh CLB bóng đá TP.HCM chết dần chết mòn, rồi bị xóa sổ. Thành ra, đừng lạ khi BCH nhiệm kỳ V của HFF vẫn chưa thể giúp gì cho các đội bóng đỉnh cao TP.HCM hiện tại, dù Navibank Sài Gòn từng viết tâm thư muốn chuyển giao đội bóng lại cho HFF tìm đối tác hộ, còn Sài Gòn Xuân Thành mấy ngày gần đây dù nhiều lần làm việc với lãnh đạo HFF nhưng vẫn chưa thấy lối ra cho việc tìm thêm nhà tài trợ chung tay với đội bóng.

Nếu phải tìm một người trong ban lãnh đạo LĐBĐ TP.HCM có khả năng lo chuyện tiền nong nhất thời (xin nhấn mạnh là nhất thời thôi, chứ không thể lo lâu dài) cho các đội bóng đỉnh cao TP.HCM, trong một giai đoạn nhất định nào đấy, thì đó chỉ có thể là chủ tịch HFF Trần Anh Tú.

Như đã nói ở trên, ông Tú dù đang khá thành công trên thương trường, nhưng vẫn chưa đủ giàu để có thể được liệt vào hàng đại gia, chưa đủ giàu để nuôi một đội bóng đỉnh cao, cỡ bầu Thắng, bầu Đức, hay bầu Hiển. Vả lại, ông Tú trước giờ đã đổ khá nhiều tiền cho futsal Việt Nam, đồng thời ông gần như cũng đã định hướng đi riêng cho mình trong việc đầu tư vào futsal, nên ông Tú cũng không còn nhiều tiền nhàn rỗi để chi cho các hoạt động bóng đá khác.

Nếu các CLB bóng đá đỉnh cao TP.HCM gõ cửa TTK HFF Trần Đình Huấn, họ không khó nhận ra ông Huấn là người có nhiều mưu mẹo, nhưng mưu của ông Huấn chỉ dừng lại ở cấp độ phong trào (ông Huấn vốn đi lên từ bóng đá phong trào cấp quận), chứ bàn về bóng đá đỉnh cao thì ông Huấn chưa đủ độ quái để đủ sức tháo gỡ khó khăn cho các đội bóng đỉnh cao TP.HCM.

BCH LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ V vừa yếu về mặt chuyên môn, tài chính, vừa thiếu và khả năng quan hệ tổng hợp, nên thành ra dù mới nhận nhiệm vụ lèo lái bóng đá TP.HCM chừng hơn 3 tháng, nhưng đã có không ít ý kiến rằng, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào HFF.

Bóng đá Quốc tế - Sự 'nhạt nhòa' của LĐBĐ TP.HCM (Hình 2).

Nếu Sài Gòn Xuân Thành giải thể nay mai, TP.HCM sẽ trắng bóng đá

Khâu đào tạo mỗi lúc một tệ

So với Sài Gòn Xuân Thành, Sông Lam Nghệ An ở mùa này chưa chắc nhiều tiền hơn, nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn sống khỏe nhờ vào dàn cầu thủ nội tại được họ đào tạo rất công phu. Chưa có năm nào, người làm bóng đá xứ Nghệ phải lo về chuyện thiếu cầu thủ thi đấu đỉnh cao, dù đại diện miền Trung thường xuyên phải đau đầu chống lại những cuộc chảy máu ngôi sao xảy ra liên tục. Chính điều đó giúp cho người ta luôn tin vào tương lai vững chắc của bóng đá Nghệ An.

Tương tự như thế, bóng đá Đồng Tháp dù thường xuyên ngụp lặn với việc lên xuống hạng, nhưng đại diện nhà nghèo miền Tây này thực chất chưa bao giờ phải lo chuyện xóa sổ đội bóng đỉnh cao. Lẽ đơn giản, Đồng Tháp cũng đào tạo nhân tài bóng đá rất tốt. Lứa cầu thủ đình đám đầu tiên của đội bóng Đồng Tháp là Trung Vĩnh, Minh Nghĩa, Vĩnh Nghi, Duy Quang, đến lứa của Việt Cường, Thanh Bình, Phong Hòa, Quý Sửu, Văn Pho ra đi.

Sau đó nữa, Tấn Trường, Được Em, Văn Nghĩa, Duy Khanh cũng rời Đồng Tháp tìm bến neo đậu mới, nhưng đội bóng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long này thì vẫn sống khỏe ở các sân chơi đỉnh cao năm này qua năm khác. Có thể, đội một Đồng Tháp đang phải đá ở hạng Nhất, nhưng nhìn vào tốc độ đi xuống của nhiều anh nhà giàu và nhìn vào lực lượng nội tại của CS.Đồng Tháp, không ít người tin rằng bóng đá Đồng Tháp rồi sẽ nhanh chóng có đại diện ở V-League.

Bóng đá Nghệ An hay bóng đá Đồng Tháp duy trì được sự ổn định đó là nhờ họ có khâu đào tạo tốt, có nguồn cầu thủ ổn định, nên không phải lo thiếu cầu thủ giỏi đá bóng, cũng không tốn nhiều tiền đầu tư mua cầu thủ.

Ngược dòng thời gian, TP.HCM mới từng là trung tâm đào tạo tài năng bóng đá trẻ tốt nhất nước, đặc biệt là lứa cầu thủ như Huỳnh Đức, Liêm Thanh, Minh Chiến, Chí Bảo, Đỗ Khải, Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn. Khi đó, các đội bóng TP.HCM đều rất mạnh. Tuy nhiên, dần dần thì những người làm bóng đá TP.HCM quên mất khâu đào tạo trẻ, vô tư chạy theo việc mua sắm cầu thủ mà quên mất sân sau.

Mua sắm cầu thủ đã thành danh, những người làm bóng đá thành phố còn chuyển sang mua luôn suất đá V-League của các đội bóng đến từ các địa phương khác (Navibank Sài Gòn mua lại suất thi đấu của QK4, Sài Gòn Xuân Thành chuyển từ Hà Tĩnh vào). Đấy đơn thuần là cách làm ngắt ngọn, thiếu sự chăm sóc phần gốc của bóng đá, nên giờ, bóng đá TP.HCM đang phải trả cái giá quá đắt cho sự đầu tư sai hướng này.

Nhìn rộng vấn đề, không khó nhận ra cơn suy thoái của bóng đá TP.HCM hiện tại có phần lỗi bắt nguồn từ chính những người ngồi ở vị trí định hướng cho bóng đá TP.HCM qua nhiều thế hệ. Những người này định hướng sai từ thế hệ trước sang thế hệ sau, để giờ bóng đá TP.HCM đang gánh chịu hậu quả khôn lường.

Nói dại, nếu Sài Gòn Xuân Thành đến ngày xóa sổ, bóng đá đỉnh cao TP.HCM sẽ trở thành vùng trắng mà chưa biết ngày nào có thể đơm hoa kết trái trở lại. Đấy là một thực tế đau lòng đối với thành phố từng là niềm tự hào của bóng đá cả nước, nhưng đấy lại là sự thực đang hiển hiện trước mắt những ai quan tâm đến bóng đá TP.HCM.

Viễn Kiều


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.