Sự phi thường của người nữ Cộng sản bị cưa chân

Sự phi thường của người nữ Cộng sản bị cưa chân

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Bị mất một chân, nhiều vết thương trên người luôn hành hạ nhưng lúc nào bà cũng lạc quan. Tinh thần lạc quan và sự chân chất của bà đã khiến trái tim người chiến sỹ Ngô Quang Phú rung động.

Trong một trận đánh ác liệt tại chiến trường nam Quảng Trị, bà rơi vào ổ phục kích của địch. Trước sự gan dạ của người thiếu nữ Việt Nam, một viên cố vấn Mỹ đã đề nghị đưa bà về quê hương và chu cấp một cuộc sống đầy đủ với lý do bà rất giống với người vợ quá cố của mình. Nhưng bà đã quả quyết từ chối. Bà bị bắt và khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên giường bệnh với chiếc chân phải đã bị cắt bỏ. Hơn 40 năm sau, chúng tôi tìm về xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) để gặp người nữ anh hùng ngày đó. Bà là Nguyễn Thị Hoa, năm nay đã 64 tuổi.

Pháp luật - Sự phi thường của người nữ Cộng sản bị cưa chân

Sự động viên an ủi của ông Phú là nguồn động lực to lớn để bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống

Anh hùng từ trong trứng nước

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Phường Sắn, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Bố mẹ có công nuôi giấu cách mạng, anh trai tham gia cách mạng từ những ngày đầu và nằm trong đối tượng truy kích ráo riết của giặc.

Đặc biệt, sau đạo luật tố cộng 10-59, với phương châm thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, những thành viên trong gia đình bà trở thành đối tượng nằm trong tầm ngắm của địch. Anh trai bà cùng bốn đồng chí nữa phải trốn trong rừng sâu để tránh sự vây riết của chúng. Dù vậy, chỉ trừ những ngày bọn giặc bủa vây qua chặt,á còn lại hầu như ngày nào bà cũng tìm cách đưa phần cơm . lên cho bộ đội. Thấy bọn giặc ngày càng hung hăng, ngang ngược, bà Hoa tình nguyện đăng kí tham gia quân đội. Tuổi đời còn nhỏ nên bà chỉ được làm giao liên để liên lạc cho các anh chị cán bộ. Sau này, bà được phân công tham gia chiến đấu cùng các nữ chiến sỹ ở Phường Sắn, đi phá ấp chiến lược. Bà kể, đi phá ấp chiến lược mà không có giọng nam khi kêu gọi chiêu hàng thì khó mà dọa địch được. Vậy nên, đối với một đơn vị nữ phải đánh làm sao dồn địch vào tận chân tường chúng mới chịu đầu hàng.

Ngày 16/4/1967, trong một trận đánh ở Hải Lăng (Quảng Trị), cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoa cùng đồng đội được phân công về chốt ở xã Hải Vĩnh. Trong lúc nguy hiểm, bà cùng đồng chí Nguyễn Thị Chuyên nhảy xuống một căn hầm bí mật. Tuy nhiên, địch dùng chó nghiệp vụ và xà beng để săn tìm. Nhìn những mảng đất bị sụp xuống trước mặt, mỗi lúc một gần, cả hai rất lo lắng. Điều làm bà Hoa cùng đồng đội bất an đó là thân thể của họ sẽ bị dày vò, làm nhục nếu bị giặc bắt.

Bằng sự gan dạ và tinh thần thép, giữa khói đạn lẫn đất cát mịt mù, bà Hoa tung quả lựu đạn cuối cùng, cố gắng chạy thoát khỏi vòng vây. Bọn địch bắt được bà Chuyên nhưng bà Hoa không may lại gặp một toán lính từ hướng xã Hải Xuân tiến lên. "Khi bị bắt, tui không thấy sợ bị tù, bị chết mà chỉ duy nhất nỗi sợ bị làm nhục", bà Hoa tâm sự. Bà chửi xối xả vào mặt bọn địch, cốt để chúng ghét mà bắn ngay. Song thay vì bắn chúng lột bỏ áo quần của bà, định giở trò đồi bại.

Tưởng chừng như cuộc đời con gái của mình sẽ chấm dứt tại đây, nào ngờ, đúng lúc nguy khốn ấy một chiếc máy bay đến. Bước xuống là một viên cố vấn người Mỹ. Ông ấy buộc lại áo quần cho bà, rồi nói: Bị bắt rồi, hòa hợp đi, nhưng bà vẫn nhất quyết phản đối. Thấy thái độ của bà như vậy, ông ấy hỏi: "Nếu được tha mạng, cô có theo VC (Việt Cộng - PV) nữa không?”. Bà nói dứt khoát là có. Ngỡ rằng mọi hy vọng sẽ dập tắt sau câu trả lời quả quyết đó. Không ngờ viên cố vấn đó nói thêm rằng bà rất giống người vợ quá cố của mình và đề nghị được đưa bà về Mỹ, chu cấp cho bà đầy đủ. Không hề do dự bà trả lời là không. Lần này viên cố vấn người Mỹ chỉ biết lắc đầu và ra hiệu cho quân lính đưa bà lên máy bay.

Những ngày tháng vào tù ra tội

Tỉnh dậy trong bệnh viện, bà thấy mình đã bị cắt bỏ một bên chân. Đấy cũng chính là cách mà bọn địch khiến những người chiến sỹ kiên trung như bà phải nhụt chí, đồng thời nếu có thả về cũng khó lòng tham gia hoạt động được nữa. Sau ngày ra viện, bà bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác với những đòn tra tấn của địch. Trước những đau đớn về mặt thể xác những tưởng bà sẽ kém minh mẫn nhưng trong lúc khó khăn nhất thì tinh thần, phẩm chất của người lính cụ Hồ lại ngời sáng hơn bao giờ hết. Địch tra tấn rất dã man nhưng bà một mực khai chỉ là người tiếp tế đạn dược cho quân giải phóng.

Trước sự kiên trung của người nữ chiến sĩ trẻ tuổi, bọn địch đưa cô Chuyên (người làm giao liên cho bà) vào để đối chất. Tuy nhiên, bọn địch vẫn không khai thác được gì. Cho đến tháng /9/1967, một toán lính đến bịt mắt bà đưa đến nhà giam Kho Đạn ở Đà Nẵng. Sau đó khoảng gần một tháng bà được đưa ra tòa án Bạch Đằng, bị tuyên án 15 năm tù khổ sai. Trước án phạt của đó, nhiều sinh viên có mặt tại phiên tòa đã xin kháng án bởi bà đã bị thương tật rất nặng. Trước phiên tòa, Nguyễn Thị Hoa gửi lời cảm ơn thành ý tốt của các bạn sinh viên, rồi quay lại dõng dạc nói trước bồi thẩm đoàn: "Xử mấy năm thì tôi chịu nấy chứ tôi không muốn xin xỏ bọn giặc các ngươi".

Sau đó, bà liên tục bị luân chuyển qua nhiều nhà tù khác nhau như, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, nhà lao Thủ Đức (đưa vào trại M - trại của những tù nhân ngoan cố) để tiếp tục tra tấn bà. Tại đây bà gặp được nhiều chị em tù kiên trung, thấy bà thương tật ai cũng thương yêu đùm bọc. Đấy là nguồn động lực lớn để bà thêm quyết tâm giữ vững niềm tin về chiến thắng.

Năm 1969 được tin Bác Hồ mất, 500 nữ tù chính trị vừa từ Côn Đảo chuyển về cùng với 42 nữ chiến sỹ ở trại M đã tổ chức đấu tranh với các khẩu hiệu như: Đả đảo Bùi Thanh Tâm (người cai quản ở đây - PV), đả đảo bọn cai ngục tàn ác, thả những tù nhân vô tội. Kỷ niệm mà bà vẫn khắc sâu là hình ảnh chị Thanh Nga đã tự mổ bụng, lấy máu để viết huyết thư phản đối bọn giặc. Trước sự phản kháng dữ dội của chị em, bọn chúng đã thả ra 59 người, trong đó có bà. Ra tù, mặc dù chịu nỗi đau thương tật nhưng bà Hoa vẫn một lòng kiên trung phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Hạnh phúc trọn vẹn

Bị mất một chân, nhiều vết thương trên người luôn hành hạ nhưng lúc nào bà cũng lạc quan. Tinh thần lạc quan và sự chân chất của bà đã khiến trái tim người chiến sỹ Ngô Quang Phú rung động. Tuy nhiên, để đến được với nhau họ đã phải trải qua muôn vàn khó khăn. Chính anh trai bà là người đã không đồng ý khi họ nhà trai đến ngỏ lời vì nghĩ anh Phú chỉ có tình cảm nhất thời vậy thôi, chứ ai lại yêu cái con bé nấu lon gạo không chín. Còn gia đình ông Phú thì phản đối ra mặt, bởi lý do thiếu gì con gái mà đi lấy đứa con gái cụt chân?... Nhưng tình cảm chân thành và quyết tâm được đến với nhau của ông bà đã dần thuyết phục được cả hai gia đình. Ngày 6/5/1977, hai ông bà đã tổ chức lễ cưới trước sự chúc phúc của gia đình và đồng đội.

Sau khi cưới không được bao lâu thì ông lại được gọi nhập ngũ. Biết thiếu ông là thiếu đi trụ cột chính trong gia đình, gánh nặng cơm áo sẽ dồn sang đôi vai mình nhưng bà vẫn động viên chồng lên đường. Khó khăn là thế nhưng bà Hoa vẫn làm tốt chức trách của một người mẹ, người vợ. Hiện tại, gia đình ông bà đang rất hạnh phúc với ba người con ngoan hiền, thành đạt.

Thùy Linh - Hồ Ngọc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.